Người vợ cô độc trong ngôi nhà mình

15/09/2015 - 15:48
Chị ấy gọi cho Thanh Tâm để xem có nên trở về nhà khi nơi ấy chỉ toàn cạm bẫy bạo hành.

Nhóm bạn của Thanh Tâm dự định mang sách về tặng cho thư viện của một xã nghèo - nghèo về vật chất nhưng sự ham học của trẻ nhỏ ở đây đã thành truyền thống. Ngày chủ nhật, Thanh Tâm lang thang mấy hiệu sách cũ, tìm mua những cuốn sách hay cho chuyến đi. Một cuộc gọi của khách hàng làm gián đoạn công việc của Thanh Tâm.

 Chị luôn bị chồng chửi mắng, đánh đập mỗi khi anh ta không bằng lòng điều gì (Ảnh minh họa)

Chị là một phụ nữ không may mắn. Mới lấy chồng đã chịu cảnh chồng đi ngoại tình. Một thân một mình nuôi con từ lúc đỏ hỏn, đã thế còn luôn bị chồng chửi mắng, đánh đập mỗi khi anh ta không bằng lòng điều gì đó. Mà những điều anh ta không hài lòng thì nhiều vô kể. Một bát canh không đủ ngọt, một đĩa thức ăn hơi quá gia vị, thậm chí một ánh mắt nhìn của vợ “trêu tức” chồng… Toàn là những lý do mà chị không thanh minh được. Vài lần quá uất ức, chị phản ứng lại, liền bị anh ta đuổi thẳng về nhà.

Bố anh mất sớm nên nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ anh quá nuông chiều và sợ hãi con trai nên thường vào hùa với con mỗi khi vợ chồng anh xô xát. Bà kích động anh, kể thêm tội con dâu và cũng đuổi chị về nhà ngoại. Lần này uất quá, chị ôm con về nhà cha mẹ. Thương chị quá khổ, mọi người trong nhà khuyên nên li hôn để giải phóng khỏi cảnh địa ngục trần gian. Nghĩ đến bản thân mình, chị cũng rất muốn li hôn. Nhưng, nghĩ đến đứa con mới 5 tuổi, chị lại thương, lại không nỡ. Mọi lần, chị về nhà mấy ngày lại bế còn về đằng nội. Lần này, chị chưa có ý định quay về thì anh chồng xuống đón. Mủi lòng vì thấy chồng xuống nước, chị muốn theo anh về nhà, nhưng nghĩ đến cuộc sống nơi nhà chồng, chị lại thấy hãi hùng. Chị muốn anh phải hứa từ nay không chửi bới, đánh đập vợ nữa thì mới quay về. Anh ta lặng thinh không nói câu nào, coi như không nghe thấy lời vợ mà cứ giục chị sắp đồ đạc để về. Chị cương quyết không nghe. Và, chị gọi cho Thanh Tâm khi anh chồng vừa đi khỏi, với câu hỏi đau đáu: nên hay không nên quay lại?

Thanh Tâm chưa thật hiểu lý do vì sao anh ta muốn đón mẹ con chị về. Anh tiếc đứa con trai hay thấy nhà cửa bất ổn khi thiếu bàn tay chị? Dù vì lý do gì thì cũng khó chấp nhận được người chồng gia trưởng, độc tài, vũ phu đến như vậy. Suốt mấy năm qua, từ nhịn nhục đến phản kháng, chị đều không làm thay đổi được tính nết của chồng. Nay chỉ cần một lời hứa mà người đàn ông ấy cũng không làm nổi thì chị hi vọng gì ở sự hối cải, phục thiện? Sống với người chồng như vậy là chị tự chôn vùi cuộc đời mình trong nhục nhằn, đau khổ, lại cộng thêm bà mẹ không công tâm, chính trực nữa. Bà là người dung túng cho thói hư tật xấu của con trai, là tác nhân khiến vợ chồng chị ngày càng thêm lục đục, rạn vỡ. Chị hoàn toàn cô độc trong ngôi nhà ấy.

Chị thương con, nhưng sống trong môi trường ấy thì con chị liệu có thể phát triển bình thường được? Liệu nó có lớn lên với tâm hồn lành mạnh, có nhân cách hay không? Nó học được gì từ người bà, người cha như vậy? Và, liệu một mình chị có đủ sức lôi nó từ bóng tối hướng ra ánh sáng? Chị thương con là phải tạo được cho con cuộc sống lành mạnh, nhân ái, an hòa, biết cố gắng vươn lên, biết vượt qua mọi trở lực, khó khăn mà phấn đấu học hành thành người tử tế. Và, một cuộc sống như vậy chắc chắn không thể có sự đóng góp của một người cha như bố đứa bé.

Nếu chị vì muốn con có bố, có mẹ một cách hình thức, bất chấp tư cách người bố ấy như thế nào thì chị đã làm hại con chứ không phải là thương con. Chắc chắn mai đây khi lớn khôn, hiểu biết sự đời, nó sẽ không bao giờ trách mẹ đã khiến cho nó không được gần cha. Ngược lại, nó sẽ biết ơn người mẹ can đảm một mình đảm nhận cả hai vai, kiên cường nuôi dạy nó nên người và cho nó một cuộc sống tuy có thể không bằng chúng bạn về vật chất nhưng ấm áp tình người và sự hiểu biết, trí tuệ.

Xem ra, người mẹ trẻ ấy nhẹ nhõm hơn nhiều sau cuộc trò chuyện với Thanh Tâm, và Thanh Tâm lại bước vào hiệu sách với sự hào hứng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm