Người vợ tào khang trong hồi ký “Bảy nổi ba chìm” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn

Th.S Nguyễn Thị Thiện
24/03/2023 - 17:45
Người vợ tào khang trong hồi ký “Bảy nổi ba chìm” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn và vợ - bác sĩ Đoàn Thị Quang. Ảnh NVCC

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn vừa hoàn thành tác phẩm thứ 25 trong cuộc đời cầm bút. Hồi ký “Bảy nổi ba chìm” của ông đề cập đến nhiều kỷ niệm trong đó có phần nói về tình yêu, người yêu, người bạn đời đã cùng nhau đi qua những thăng trầm cuộc sống.

Tôi rất vui được nhà văn Nguyễn Bắc Sơn  tặng cuốn hồi ký Bảy nổi ba chìm do NXB Đà Nẵng phát hành tháng 10/2022. Tập hồi ký in xong khi ông tròn bát thập. Nội dung rất thú vị nên chỉ vài ngày là tôi đã đọc xong. Ấn tượng sâu đậm trong tôi khi gấp trang cuối: cảm phục và trân quý tác giả, nhất là tình cảm của nhà văn với người vợ tao khang.

Sách gồm 11 phần, cho thấy vốn sống phong phú và sự từng trải của tác giả nên đã viết nên những trang đời thật ý nghĩa, nhiều kỷ niệm đáng nhớ: Tuổi thơ kháng chiến; Cấp 3 Nguyễn Trãi một thời; Vợ chồng là nghĩa tao khang; Niềm vui thầm lặng; Gã tại sao?; Mười năm cuối cán đầu binh; Những chuyến đi nước ngoài; Học mót; Với các nhà văn Phần kết.

Vợ chồng là nghĩa tao khang là tên của phần nói về tình yêu, về người yêu, người bạn đời. Kể từ khi quen biết đến nay, chưa bao giờ ông nguôi yêu quý và trân trọng vợ. "Tao khang" hay "tào khang" để ví người chồng chung thủy với vợ, không quên người vợ từng đồng cam cộng khổ với mình lúc khốn khó. Trong hồi ký, tác giả muốn sử dụng từ này để nói về tình nghĩa gắn bó thắm thiết vợ chồng kể từ thuở còn nghèo khó đến khi cuộc sống không giàu nhưng cũng được "thường thường bậc trung", từ lúc tuổi thanh xuân phơi phới đến nay đã đầu bạc răng long.

Người vợ tào khang trong hồi ký “Bảy nổi ba chìm” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn và vợ - bác sĩ Đoàn Thị Quang hồi trẻ. Ảnh NVCC

 1."Mê nhau từ cái nhìn đầu tiên"

Câu ấy cứ ngỡ ở tiểu thuyết hay phim ảnh nhưng trong cuộc đời nhà văn Bắc Sơn lại là hiện thực. Qua những trang viết sống động, người đọc biết rõ về lịch sử mối tình nhiều thi vị và quá trình không ít gian nan nhà văn tìm thấy một nửa của đời mình. Hồi 1962, dạy Văn tại trường Sư phạm cấp II Hưng Yên, thầy giáo trẻ Nguyễn Bắc Sơn làm quen với người vợ bây giờ - cô Đoàn Thị Quang. 

Gặp lần đầu nhưng anh đã bị hút hồn ngay bởi người con gái ấy"có đôi mắt hạt nhãn, nước da trắng hồng, mái tóc dài mượt mềm óng ả lại thêm tính tình nết na thùy mị". "Bữa cơm được mời hôm ấy, sang nhất có món su hào thái chỉ xào với trứng. Hơn sáu mươi năm rồi..." nhưng đến nay "như vẫn còn dư vị trên đầu lưỡi. Bởi nó là chỉ dấu khi lần đầu tiên nhìn thấy em".

Sau này, trong tiểu thuyết "Vỡ vụn", tác giả tái hiện lại mái tóc ấy qua nhân vật Chuyên. Khi đã được sở hữu tấm thân ngà ngọc, làn da ngó cần ấy, trong tiểu thuyết "Gã Tép Riu", nhà văn để cho nhân vật người tình nói với cô bồ Diệu Thủy: "Anh sẵn sàng đổi cái ghế bộ trưởng lấy làn da em". Phải chăng người vợ trong cuộc đời thực đã trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn miêu tả ngoại hình của không ít nhân vật nữ trong những cuốn tiểu thuyết ông viết sau này?

2. "Vợ hiền dâu thảo đảm đang/ Chồng con yêu quý họ hàng ngợi khen"

Trong hồi ký, tác giả kể lại chuyện bà dì ruột, bí thư Đảng ủy bệnh viện C (Viện bảo vệ Bà mẹ và

trẻ em thời ấy) hỏi mẹ của Quang, bà chị gái quê mùa: "Chị căn cứ vào đâu để…" chấp nhận chàng rể này? và nhận được câu trả lời: "Tôi chẳng căn cứ vào đâu cả. Chỉ thấy con trai Hà Nội mà biết đi bừa, làm cầu cầu ao, đóng thang tre bốn chân cho tôi hái chè, cơm nước cho cả nhà đi gặt về ăn… là tôi gả thôi". Tác giả viết: "Thái độ hơn trình độ là thế. Nếu mẹ em không ủng hộ thì có yêu cũng khó thành gia thất".

Lễ cưới thời  chiến "ba không: không cỗ bàn, không  pháo nổ, không chụp ảnh" ở chính nơi 24 năm sau tác giả về làm "cuối cán đầu binh" - Trưởng phòng quản lý báo chí xuất bản và bản quyền Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.

Người vợ tào khang trong hồi ký “Bảy nổi ba chìm” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (tên khai sinh Nguyễn Công Bác), sinh năm 1941 tại xã Hữu bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP. Hà Nội). Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1962, dạy học ở trường THPT (1962 - 1972). Từ năm 1972 - 1974, ông tham gia quân đội. Từ năm 1975, ông trở lại nghề dạy học, từng giữ chức Phó Hiệu trưởng (2 nhiệm kỳ) trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Sau đó, ông đã kinh qua công tác quản lý giáo dục, báo chí, xuất bản từ 1992 đến khi nghỉ hưu.

Phải học những 6 năm nên hồi đó chỉ Trường Đại học Y mới có khu nhà lá cho sinh viên nữ có gia đình ở. Phòng chỉ bốn mét vuông, hai mẹ con với bà ngoại. Chồng vẫn dạy ở Hưng Yên, ngày nghỉ đạp xe về. Trong hồi ký Bảy nổi ba chìm, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn kể lại quãng đời về Thủ đô "lập nghiệp" và rồi ông lên đường nhập ngũ: Em vừa nuôi con nhỏ vừa học năm cuối, cũng là chuyên khoa. Nhờ nỗ lực vượt bậc, em thi tốt nghiệp và đỗ Thủ khoa chuyên khoa Nhi. Vì nghỉ sinh con nên phải đi thực tế bù. Rủi nhưng lại hóa may, được về bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Hà Nội, làm đúng chuyên khoa Nhi. Rồi anh cũng được về Hà Nội dạy tại trường Nguyễn Gia Thiều. Chân ướt chân ráo vừa được một năm học, đúng lúc tổng động viên (1972), anh nhập ngũ.

Khi chồng vào chiến trường thì cũng là lúc người vợ mang bầu rồi sinh cháu thứ hai. Một nách hai con nhỏ. Năm 1973, Mỹ ký Hiệp định Paris, chồng được xuất ngũ, lại thêm cháu thứ ba. Không chỉ là vợ hiền, người vợ trong hồi ký của của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn còn là dâu thảo của trong họ ngoài làng: "Trong họ chỉ có chị cả Bích San và em được chú ruột chồng là Nguyễn Như Cương tặng "huân chương" chữ TÂM cho cháu dâu" thêu dòng chữ: "Vợ hiền dâu thảo đảm đang/ Chồng con yêu quý họ hàng ngợi khen".

Thời ấy chưa có chuyện bác sĩ làm thêm nên mọi chi tiêu trong gia đình đều trông cậy vào tài "tay hòm chìa khóa" của người vợ như câu thơ của tác giả Khánh Nguyên: "Đồng lương hẹp tựa vuông khăn/ Qua tay em gói quanh năm vuông tròn". Vợ của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đúng là mẫu phụ nữ trong câu thơ ấy.

 3. "Mối tình đầu cũng là mối tình cuối"

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ của những cán bộ, công chức mẫn cán được hưu trí. Trong sâu thẳm trái tim, nhà văn Bắc Sơn không chỉ yêu thương, trân quý mà còn rất biết ơn vợ. Người đàn ông sống giữa phố thị đầy những cám dỗ, giữa các thế hệ học trò yêu quý, coi thầy là thần tượng mà suốt đời không nghiện rượu, bia, thuốc lá, chè, cà phê, cũng không lô đề, cờ bạc. Đến bây giờ 80 tuổi, ông vẫn chỉ nghiện "em" – người vợ tao khang hơn nửa thế kỷ nay. 

Chính bởi toàn tâm vì vợ con và đam mê văn chương nên nhận xét về ông, nhà văn Ma Văn Kháng đã viết: "Nguyễn Bắc Sơn là nhà văn của thể loại tiểu thuyết luận đề đang trên đà sung sức. Ông thành công trong nhiều sáng tác còn nhờ ở sự vận dụng ngôn ngữ khá linh hoạt và chuyên nghiệp của mình. Thông thạo thứ ngôn ngữ chính luận có bài bản, tinh tế, chuẩn xác, lại khéo kết hợp với lối nói thành ngữ dân gian hóm hỉnh, nghịch ngợm, đời thường, một phẩm chất không phải nhà văn nào cũng có".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thì viết: "Nguyễn Bắc Sơn là một trong những nhà văn sung sức nhất hiện nay…". Nói thế bởi trong ba cuộc thi tiểu thuyết liên tiếp (2006 - 2020) của Hội Nhà văn Việt Nam, ông đều đoạt Giải Ba. Mới đây, ông là một trong hai nhà văn Việt Nam được trao giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 13 (năm 2022) với tiểu thuyết Lính tăng.

 Đọc Bảy nổi ba chìm của Nguyễn Bắc Sơn sẽ thấy được đằng sau những thành quả lao động nghệ thuật của ông có công lao không nhỏ của người vợ tao khang như ông đã viết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm