pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguồn cơn mọi câu chuyện thị phi chốn công sở hóa ra đơn giản hơn bạn nghĩ
Một ngày đi làm của giới văn phòng không chỉ “8 tiếng nhìn màn hình máy tính” mà còn có muôn vàn thị phi, lùm xùm bủa vây. Thậm chí, những câu chuyện không hồi kết này đã kéo dài từ phòng làm việc về tới tận các nhóm chat, mà đôi khi chính người trong cuộc cũng phải tự hỏi rốt cục do đâu mà thành như thế.
DRAMA BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Vấn đề này đã được bàn tán xôn xao trên các hội nhóm văn phòng từ ngày này qua tháng khác. Cũng có không ít câu chuyện thị phi ở chỗ làm được cộng đồng mạng hé lộ. Nhưng tóm lại, ai cũng nhận thấy đã có một vài công thức chung khiến chốn công sở “dậy sóng” mỗi ngày.
“Ê, kể nghe nè”
Nói chuyện phiếm từ lâu đã trở thành một “kỹ năng” quan trọng, có lợi cho sự tồn tại của con người, nhất là trong môi trường công sở. Nhờ đó mà các nhân viên “bắt sóng” được với nhau và biết thêm những câu chuyện trong, ngoài để dự liệu cho công cuộc đi làm của mình.
Thế nhưng, người nói chuyện phiếm quá nhiều, đào quá sâu, hẳn sẽ thành một “thói quen” khó bỏ. Dần dà, có người, cứ tới công ty, vừa đặt túi xách xuống bàn đã cất giọng "Ê, kể nghe nè". Có khi, mở đầu câu chuyện là 8h sáng nhưng đến tận giờ ăn trưa vẫn chưa thể mở chiếc máy tính lên làm việc.
Rồi khi giờ làm chiều tới, giọng ai đó cất lên: “Mấy bà biết tin gì chưa?”, “Nhìn X hiền hiền vậy mà cũng dữ lắm”. Thế là, hội anh chị em lại có thêm một cuộc nói chuyện dài hơi cho đến giờ tan làm. Và trong số những người đang đọc bài viết này, những ai từng trải qua cảm giác hồi hộp, sốt ruột vì đang tắc đường mà thông báo nhóm chat cứ kêu liên hồi?
Nếu như đó là những câu chuyện tầm phào, khiến không khí bớt căng thẳng hơn thì không sao. Nhưng, đương nhiên, làm gì có nhiều chuyện vui như thế, đặc biệt là khi trong văn phòng ấy tồn tại những người có khả năng lan truyền năng lượng tiêu cực đến cho người khác.
Chụp màn hình đi nhiều chuyện
Có một kiểu người khác, thích gây sự chú ý nhưng là với từng đồng nghiệp. Người này có thể vừa ở trong câu chuyện, khen người này nhưng cũng vừa luôn tay nhắn tin kể lể với người kia. Một chủ đề mà cùng lúc đi kể lể riêng với 5-10 người. Cũng bởi “bận rộn” quá mà thường xuyên rơi vào tình cảnh, tính chụp màn hình đi nhiều chuyện mà lại quên che đi phần tin nhắn hùa theo đầy thảo mai. Chụp màn hình đi buôn chuyện tưởng “tẩm ngẩm tầm ngầm” nhưng những người đam mê “bộ môn” này xứng đáng được phong là “bà chúa tạo drama”.
Forward nhầm
Có một câu chuyện được xem như “kinh điển” trong giới văn phòng mà cứ 10 người chơi mạng xã hội thì 9 người biết và nhớ rất kỹ.
Nhân vật “tôi” gửi mail cho chị Thúy về việc nhầm lẫn tiền mừng đám cưới em An - phòng kế toán. Sẽ là việc chỉ có 3 người biết, nếu như “tôi” không forward thêm cho danh sách email của toàn công ty. Dù không ai biết kết quả cuối cùng ra sao nhưng chắc hẳn, độ nghiêm trọng của drama sẽ tăng lên gấp đôi.
DÂN VĂN PHÒNG CÓ SỢ DÍNH DRAMA
Là nhân viên mới đi làm ở công ty luật, Việt Anh không khỏi lo lắng những câu chuyện thị phi mà mình sẽ gặp phải trong thời gian tới: “Em tham gia nhiều group dân văn phòng với mong muốn tìm được những bí kíp để đối nhân xử thế với đồng nghiệp, nhưng mà sau khi đọc 1001 bài viết của mọi người, càng đọc, em càng thấy phức tạp. Em chưa nghĩ mình sẽ phải làm sao khi rơi vào tình cảnh như mọi người.”
Còn Đoàn Hồng Hạnh lại rất quả quyết, cho rằng thị phi là chuyện bình thường, môi trường nào cũng có những mặt tích cực, tiêu cực. “Tất nhiên đi làm ở đâu và bất cứ công việc gì cũng không thể tránh khỏi những khó khăn hay hiểu lầm không đáng có. Nếu như thấy đồng nghiệp bàn tán về chuyện của người khác, mình sẽ chọn cách im lặng và lắng nghe chứ không tham gia vào.”
“Nếu như chính mình cũng vướng vào chuyện thị phi thì nhất định mình sẽ tìm hiểu nguyên nhân và lên tiếng để tránh hiểu lầm. Nhưng mình sẽ không giải thích quá nhiều vì những ai yêu quý và tin tưởng, dù mình không nói gì họ vẫn sẽ đứng về phía mình, còn những ai không ưa thì có làm bao nhiêu đi chăng nữa họ vẫn để ngoài tai. Đương nhiên, mình càng phải cố gắng làm việc với năng suất gấp 2,3 lần và hơn nữa, dùng hiệu quả công việc để chứng minh giá trị bản thân trong công ty.”, Hồng Hạnh chia sẻ.
Sau 6 năm đi làm, trải qua nhiều công việc, vị trí khác nhau, đến hiện giờ, anh Sơn đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm đối phó với drama chốn công sở. Thậm chí, anh còn cho rằng: “Tôi thấy drama ở nơi làm việc là chuyện hết sức bình thường, nếu văn phòng mà im lặng, yên ổn quá, không ai nói với ai câu gì, chứng tỏ công ty đó thiếu đi sự gắn kết. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tiết chế “độ hóng” lại vì thứ quan trọng nhất vẫn là công việc của mình.”