Nguồn gốc chiếc khăn mỏ quạ của phụ nữ Việt

03/08/2017 - 17:48
Nguồn gốc của chiếc khăn mỏ quạ chính là chiếc mũ hình đầu chim, được làm bằng mỏ chim thật hay bằng vải, tre nứa, hiện còn thấy trên những hình người và tượng người của văn hóa Đông Sơn cũng như của các nền văn hóa gốc Đông Sơn khác.

Các tư liệu sử học, khảo cổ học, dân tộc học nhất trí khẳng định: người Lạc Việt xưa thờ bà tổ Chim, biểu tượng là hình chim Lạc (cò trắng) bay quanh mặt trời trên trống đồng. Bà tổ Chim cũng là mẹ Lúa, là Nữ thần Mặt trời, trong truyền thuyết Hồng Bàng, đã hóa thành Mẹ chim Âu Cơ, bà Tổ của các nhóm Bách Việt.

Thờ mẹ Chim, trong các hội lễ hướng tới tổ tiên - thần linh, người Lạc Việt có tục hóa trang thành người - chim, bằng cách đội mũ hình đầu chim, đội khăn cắm lông chim, múa các động tác của chim với các công cụ, vũ khí buộc lông chim. Họ cũng dựng ngôi nhà có hình chim trên bờ nóc và hai đầu hồi, làm các con thuyền có hình đầu chim, mắt chim ở hai đầu thuyền. Tất cả các tục đó đều được thể hiện rõ rệt trên trống đồng Ngọc Lũ, một trong những chiếc trống đẹp nhất của văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa đồng thau của người Lạc Việt.

3.jpgNgười phụ nữ Việt đội chiếc khăn mỏ quạ.

Tục thờ mẹ Chim - Mặt trời là cốt lõi của tín ngưỡng Lạc Việt và mô típ chim cũng là một mô típ chủ đạo của nghệ thuật Đông Sơn bắt nguồn từ và gắn liền với tín ngưỡng trên.

Tên gọi “khăn mỏ quạ” bắt nguồn từ mỏm khăn màu đen tuyền giống mỏ quạ. Đó là dấu tích mộc mạc và bền bỉ của tục thờ vật tổ chim của người Lạc Việt xưa. Quạ - tuy có màu lông đen nhưng có lúc có nơi đã từng là một biểu tượng của Mặt trời và lòng hiếu thảo.

Ngẫm nghĩ từ chiếc khăn mỏ quạ, chúng ta hiểu vì sao cha ông ta đã dùng chữ Hùng chỉ chim đực để ghi danh hiệu của Vua Hùng, chữ Hồng chỉ chim Hồng để chỉ nòi giống Hồng Bàng, Con Lạc, cháu Hồng, con Rồng - cháu Tiên (Tiên là Chim), có câu “Chim Việt cành Nam” để nói về cội nguồn dân tộc.

Từ đó, chúng ta cũng hiểu vì sao, những cô gái Việt, cùng với chiếc khăn mỏ quạ chúm chím, còn có chiếc nón quai thao hình Mặt trời, chiếc yếm đào và chiếc áo tứ thân gợi tới bầu ngực và đôi cánh chim, còn có miếng trầu xanh têm hình cánh phượng để kết tình kết nghĩa.

4.jpgChiếc khăn mỏ quạ gắn với hình ảnh người phụ nữ Việt xưa.

Những nét đẹp gắn với khăn mỏ quạ đã trở thành vẻ đẹp cổ điển của người con gái Việt. Kể từ khi hát Xoan, hát Quan họ, tục thờ Vua Hùng lần lượt trở thành những Di sản của văn hóa thế giới thì chiếc khăn mỏ quạ lại chính là di sản vật thể duy nhất âm thầm kết nối cội nguồn và thần thái của cả ba di sản phi vật thể trên. Nó xứng đáng được nhìn nhận, tôn vinh như là biểu tượng cổ kính, cao quí, sâu sắc, đẹp đẽ nhất của văn hóa cổ truyền Việt cũng như của người mẹ Việt, người đã bao đời nâng niu, gìn giữ, trao truyền các giá trị tạo thành bản sắc Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm