pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguyên nhân cảm cúm thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi
1. Phân biệt bệnh cảm và bệnh cúm
Cảm và cúm là hai loại bệnh do 2 loại virus khác nhau gây ra nhưng lại có biểu hiện ban đầu khá giống nhau: ho, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu,... Tuy nhiên, trong khi bệnh cảm thông thường có thể tự khỏi trong khoảng 1 tuần mà không cần dùng thuốc, thì bệnh cúm lại tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới tử vong.
Có khoảng 200 loại virus có khả năng gây ra bệnh cảm thông thường, trong đó rhinovirus là loại virus xuất hiện nhiều nhất. Bệnh cảm thường đi kèm với các triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt nhẹ, đau đầu,... hoặc có thể không có triệu chứng gì.
Nguyên nhân cảm cúm là do sự tấn công của các loại virus (Ảnh: Internet)
Nguyên nhân gây ra cúm lại là do virus influenza gồm 3 loại: A, B, C. Loại virus này không chỉ gây ra các tổn thương ở đường hô hấp trên như bệnh cảm, mà còn dẫn đến các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi,... và có thể gây tử vong. Người nhiễm virus influenza có thể xuất hiện các triệu chứng: đổ mồ hôi lạnh, rùng mình, đau nhức,...
Việc phân biệt 2 loại bệnh này giúp xác định nguyên nhân cảm cúm và có phương hướng điều trị chính xác.
2. Nguyên nhân cảm cúm
- Thời tiết, khí hậu
Các loại virus gây bệnh cảm và bệnh cúm đều có cơ chế hoạt động theo mùa. Các loại virus là nguyên nhân cảm cúm có thể tấn công cơ thể người ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên hoạt động mạnh mẽ nhất vào thời điểm giao mùa.
Thời điểm giao mùa là lúc bệnh cảm cúm phát triển mạnh nhất (Ảnh: Internet)
Tại hầu hết các quốc gia, thời điểm cảm cúm xuất hiện nhiều nhất là vào mùa đông. Khi đó, nhiệt độ và độ ẩm đều hạ thấp là điều kiện lí tưởng để các loại virus tấn công cơ thể người. Bên cạnh đó, ở các quốc gia có khi hậu nhiệt đới, virus cúm cũng lây lan mạnh vào mùa mưa hoặc trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa lí giải được tại sao các loại virus này lại có khả năng tấn công cơ thể người trong các điều kiện nhiệt độ và độ ẩm khác nhau.
- Thời tiết trở lạnh khiến hệ miễn dịch bị suy giảm
Cấu tạo tự nhiên của mũi con người có khả năng hạn chế sự tấn công của các loại virus gây bệnh. Các sợi lông nhỏ trong mũi cùng chất dịch nhầy có thể ngăn cản khói bụi, virus, vi khuẩn gây bệnh đi vào cơ thể.
Tuy nhiên, trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thấp có thể khiến mũi bị khô lạnh, các chất nhầy trong mũi không kịp thời tiết ra để vảo vệ cơ thể. Đây là nguyên nhân gây cảm cúm bởi khi đó, các virus có thêm thời gian để trú ngụ, tấn công các nốt sưng và đi sâu vào cơ thể.
Hệ miễn dịch suy giảm là nguyên nhân cảm cúm dễ dàng tấn công cơ thể (Ảnh: Internet)
Sau khi virus đi vào cơ thể, phần nhiệm vụ còn lại là của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, thời tiết lạnh cũng làm sức đề kháng yếu đi, hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả hơn. Thêm vào đó, nhiệt độ thấp cũng là điều kiện hoạt động lí tưởng của Rhinovirus. Kết quả là cơ thể nhạy cảm hơn, giảm khả năng chống chọi với các bệnh thông thường.
- Thiếu "vitamin ánh sáng"
Theo các nghiên cứu khoa học, vitamin D có khả năng tổng hợp canxi và làm hạn chế tốc độ, mức độ sản sinh của các loại virus, đặc biệt là virus gây cảm cúm. Đặc biệt, loại vitamin này có thể được sinh ra khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (có hiệu quả cao vào sáng sớm).
Cơ thể thiếu vitamin D có thể làm tăng tốc độ phát triển của các loại virus gây bệnh (Ảnh: Internet)
Vào mùa đông, trời nhiều mây, lượng ánh sáng mặt trời giảm, cùng lớp quần áo dày khiến việc hấp thụ vitamin D từ ánh nắng gặp nhiều khó khăn. Đây là nguyên nhân cảm cúm thường xuất hiện vào mùa đông và thường gặp ở những người ít tiếp xúc với mặt trời. Việc bổ sung vitamin D qua đường ăn uống có thể phát huy tác dụng trong việc cải thiện hệ miễn dịch.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo mọi người nên hạn chế ở trong không gian chật hẹp suốt một thời gian dài, bởi nó có thể làm tăng khả năng lây lan virus. Thay vào đó, nên tích cực vận động và tham gia các hoạt động ngoài trời để tăng cường sức đề kháng và cải thiện tinh thần.