Nguyên tắc bỏ túi hữu ích để không trở thành 'thánh phượt'

18/05/2018 - 11:18
Những ngày qua, khi hình ảnh một nhóm các bạn trẻ cả nam và nữ trải bạt, đắp chăn ngủ trên đường ngay cạnh khúc cua trên đèo Tà Pao (tỉnh Bình Thuận) không chỉ khiến dân mạng phản ứng dữ dội mà ngay cả cộng đồng các phượt thủ cũng bất bình.
 
Dị ứng với các... thánh phượt
Theo tác giả của bức ảnh chia sẻ, hôm đó, anh và các bạn xuất phát từ thị xã La Gi (Bình Thuận) đi Đà Lạt theo đường đèo Tà Pao. Khi đoàn xe vừa qua khúc cua chợt có hai thanh niên trong lề đường nhảy ra quơ tay quơ chân ra hiệu chậm lại.
 
Lúc đó, anh Thạch thấy khoảng 6 xe dựng trong lề đường và một số người nằm ngay trên đường. Ban đầu anh nghĩ nhóm người trên bị tai nạn nhưng đến gần thì thấy họ đang... nằm ngủ ngon lành như chốn không người.
 
Trước đó, một nhóm phượt thủ đi trên 16 xe máy cũng khiến cộng đồng mạng dậy sóng vì ngủ, nghỉ xả láng tại một quán cà phê võng ở Cà Mau, sau đó còn tố sai sự thật là bị chặt chém khiến chủ quán lao đao.
adventure-girl-330x167.jpg
Trải nghiệm những vùng đất mới là niềm say mê của dân phượt

 

Một nhân chứng đã kể lại, đoàn phượt thủ nằm võng ngủ tới sáng rồi còn dùng nhà vệ sinh, tắm, uống nước, dùng quạt điện xả láng rồi mới gọi tính tiền um sùm. Cuối cùng, một thành viên trong đoàn phượt đã phải livestream để xin lỗi chủ quán và cộng đồng.
 
Liên tiếp những sự việc không hay do các phượt thủ gây ra đã khiến nhiều người không còn thiện cảm với dân phượt. Một bạn trẻ không ngại ngần bày tỏ: “Bây giờ, mình nghe hai từ “dân phượt” là rất dị ứng. Không phải mình ghét mà cái gì cũng có lí do. Buổi sáng, 6h15 mình đi làm, chạy xe vô thị trấn, thể nào cũng gặp 1, 2 tốp dân phượt gắn đèn trợ sáng, mặc áo phản quang. Mình để ý mỗi lần vô thị trấn, các “thánh phượt” đều chạy 80-90 km/h. Cứ gặp người chạy chậm đúng tốc độ là họ rú còi xe inh ỏi đòi vượt, cả đoàn phóng xe ào ào như bão dù đã có biển báo hạn chế tốc độ khi vào thị trấn...”.
 
Một bạn khác bình luận: “...Tôi đã từng đi du lịch bụi cách đây 20 năm nhưng chưa bao giờ nhìn thấy những cảnh tượng như bây giờ. Các bạn làm chúng tôi thấy mất đi rất nhiều cảm hứng. Giờ chỉ trông chờ dịp nào đấy, nơi nào đấy mà không có bóng dáng các bạn thì những người như tôi mới rong chơi một chút bình yên”.
 
Đi phượt cũng cần nguyên tắc
Nguyễn Thị Thanh Loan, thành viên của một nhóm những người thích du lịch bụi cho biết, những người đi phượt văn minh sẽ không hành động như các bạn trẻ nói trên. “Với chúng mình, đi phượt là để trải nghiệm, khám phá những miền đất mới, những phong tục tập quán nơi mình đến và quan trọng được sống là chính mình.
 
Người đi phượt có nguyên tắc nhất định như phải luôn giữ an toàn cho bản thân. Khi đi xe máy phải đi với tốc độ vừa phải, tôn trọng luật an toàn giao thông. Trên suốt hành trình, không xả rác bừa bãi, tôn trọng những nếp sống văn hóa của người bản địa, ứng xử giao tiếp văn minh, lịch sự...”, Thanh Loan chia sẻ.
 
Anh Nguyễn Hoàng Long, admin của group phượt emong cho biết: Chi phí lớn nhất cho một chuyến đi phượt là ăn nghỉ. Vì thế, nhiều bạn trẻ thường chọn ăn nghỉ nhờ nhà người dân bản địa để tiết kiệm chi phí.
 
Tuy nhiên, dù được tiếp đón, trước khi đến một vùng nào đó, bạn trẻ hãy bỏ chút thời gian tìm hiểu về phong tục tập quán người dân nơi đến, tránh gặp những phiền phức không đáng có khi cần sinh hoạt nhờ họ.
 
Bạn trẻ nên tự mang đồ ăn của mình nếu có thể hoặc mua chính sản phẩm địa phương từ người dân. Đặc biệt, có một phép lịch sự là nhớ mang theo những món quà nho nhỏ để tặng người dân khi chia tay và đừng bao giờ nghĩ rằng, mình chỉ ở một lần nên ứng xử ra sao cũng được.
82c15715fbcfe50d9160426edd8b2213.jpg
Đi phượt là đi cho bản thân nhưng phải có ý thức hòa hợp với cộng đồng, môi trường

 

Trong khi đó, theo một bạn trẻ có thâm niêm đi phượt thì: “Cách đây 10 năm tôi cũng là dân phượt, một ngày có thể đi 500-600km nhưng tuyệt nhiên ăn nghỉ phải đàng hoàng vì tôi luôn kiểm tra trước những địa điểm dừng chân và tính toán quá trình di chuyển sao cho hợp lý. Ngày đó, chúng tôi đi phuợt rất vui và luôn tự hào về dân phượt. Chúng tôi có người dẫn đoàn và mọi người phải học thuộc hiệu lệnh, tuân thủ kỷ luật chứ không được buông tuồng, thích sao làm vậy”.
 
Các phượt thủ chuyên nghiệp đều cho rằng, đi phượt không có nghĩa cứ thích là “xách ba lô lên đi” mà thiếu hẳn kỹ năng ứng xử, kiến thức về chuyến đi đó. Đi phượt là đi cho bản thân nhưng phải có ý thức hòa hợp với cộng đồng, môi trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm