Nhà báo Hồ Quang Lợi: Người cầm bút phải giữ văn hóa Việt

12/06/2019 - 21:23
‘Bảo vệ văn hóa trong thời đại truyền thông bùng nổ là một cuộc đấu tranh không đơn giản. Sự phát triển của mạng xã hội có nhiều tích cực nhưng cũng không ít yếu tố hủy hoại văn hóa và người cầm bút phải có trách nhiệm để tinh thần văn hóa Việt Nam phát triển’, nhà báo Hồ Quang Lợi nói trong buổi ra mắt cuốn sách ‘Thời cuộc và Văn hóa’.

Ngày 12/6, NXB Hà Nội và Thư viện Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách Thời cuộc và Văn hóa của nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Tới dự lễ ra mắt có các đồng chí: Phạm Quang Nghị (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội), Nguyễn Thế Kỷ (Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam), Lê Doãn Hợp (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Nguyễn Văn Phong (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của các sở, ngành, đơn vị…

 

3.jpg
Cuốn sách "Thời cuộc và văn hóa" của nhà báo Hồ Quang Lợi
 

Cuốn sách Thời cuộc và văn hóa dày hơn 500 trang, gồm 56 bài báo tuyển chọn theo chủ đề được viết trong 20 năm của nhà báo Hồ Quang Lợi, chia làm 5 phần: Trong lốc xoáy thế sự, Văn hóa giữ nước, Phẩm cách những con người, Lõi vàng văn hiến Việt Nam Văn hóa và báo chí. Trong phần giới thiệu cuốn sách, NXB Hà Nội đánh giá: Ở tác phẩm này, nhà báo Hồ Quang Lợi đã kết hợp thành công hai nội dung tưởng chừng ít liên quan một cách hài hòa, nhuần nhuyễn lại không kém phần sâu sắc, tinh tế và vô cùng hấp dẫn, lột tả được mối quan hệ biện chứng: thế cuộc - văn hóa.

Phát biểu trong lễ ra mắt cuốn sách Thời cuộc và văn hóa, TS Phạm Quang Nghị đã ví Hồ Quang Lợi như một người đầu bếp tài hoa, có khả năng chế biến những nguyên liệu của đời sống thành món ăn hấp dẫn cho độc giả bằng tri thức, ngôn ngữ, văn phong của mình. Vị tiến sĩ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị cũng chia sẻ, ông được đọc cuốn sách của nhà báo Hồ Quang Lợi rất sớm, từ khi còn là bản thảo. Không phải đến cuốn sách này mà cách đây mấy chục năm, ông đã thường xuyên đọc bài viết của Hồ Quang Lợi và rất thích, nể phục cây viết có nghề, có tầm này.

“Các bài viết ký tên Quang Lợi, từ đặt “tít”, nội dung, lập luận, chính kiến, định hướng tư tưởng đến văn phong sớm định hình một phong cách, một bút pháp khó lẫn với ai. Đọc anh  mọi người đều có chung cảm nhận về năng lực tư duy sắc bén, khoa học, một bút lực dồi dào, cuốn hút. Bình luận về các vấn đề thời sự luôn là những cuộc vật lộn cân não, là sự thách thức nhọc nhằn đối với người cầm bút. Vừa bị câu thúc về thời gian, vừa là những đòi hỏi cao của độc giả về năng lực tư duy, phân tích, về đánh giá, dự báo diễn biến của sự kiện. Thế mà mỗi khi những bài báo ký tên Quang Lợi lên trang, người đọc dường như luôn cảm thấy một sự sảng khoái như vừa được thưởng thức món ăn mà mình đang ao ước được chính tay một đầu bếp tài hoa chuẩn bị. Rất nhiều bài viết của anh bây giờ đọc lại, tôi có cảm nhận đó là một sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn từ. Những câu chữ và ngôn từ của anh cứ như những cánh buồm no gió lướt trên mặt sóng”, TS Phạm Quang Nghị nhận định.

 

2.jpg
Bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng nhà báo Hồ Quang Lợi (thứ 4 từ phải sang) ra mắt sách 
 

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái cho rằng cuốn sách Thời cuộc và văn hóa là một bữa tiệc sang trọng của ngôn từ, có thể mang đến cho độc giả một trường từ vựng phong phú. “Cái tài tình của tác giả là đã biến những điều lớn lao như các vấn đề chính trị nóng bỏng trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn”, nhà văn Phạm Hồng Thái nói. Còn nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc thì đánh giá: Dù ở bất kỳ đề tài nào, những bài viết của Hồ Quang Lợi đều được soi chiếu dưới lăng kính văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng để mổ xẻ, phân tích và đúc kết những triết lý nhân sinh.

Trong khi đó, nhà văn, nhà giáo Bùi Việt Thắng chia sẻ những cảm nhận của mình: “Đọc tác phẩm của tác giả Hồ Quang Lợi, tôi ngộ ra được nhiều chuyện từ vi mô đến vĩ mô của làng báo, nghề báo. Nhưng quả thật đọc báo mà biết rõ hơn lịch sử, thời cuộc thì không phải nhà báo nào cũng làm ta thỏa mãn. Cách viết của Hồ Quang Lợi không phải là cách viết biên niên của người chép sử, đó là cách viết của người có khả năng thâu tóm lịch sử, bình luận lịch sử và đúc kết lịch sử. Nhưng cuối cùng, phải nhấn mạnh lại một lần nữa, đó là cách viết về thời cuộc từ cái nhìn tiến hóa và văn hóa”.

Nhà báo trẻ Đỗ Doãn Hoàng tiết lộ, những bài báo của Hồ Quang Lợi bao nhiêu năm qua đã truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên như anh viết và đi để mở mang tầm mắt, soi chiếu văn hóa thế giới để hiểu hơn về văn hóa nước mình. Cuốn sách Thời cuộc và văn hóa sẽ tiếp tục là động lực để những người cầm bút hôm nay viết, chiến đấu vì những giá trị văn hóa tốt đẹp trong cuộc sống.

 

5.jpg
Nhà báo Hồ Quang Lợi 
 

Về phía nhà báo Hồ Quang Lợi, chia sẻ về tên gọi cũng như những vấn đề đề cập đến trong Thời cuộc và văn hóa, ông cho rằng, khi được gọi là giá trị văn hóa thì phải rất dân tộc và cũng phải mang tính nhân loại. Mỗi chuyện trong mỗi ngôi nhà trong Hà Nội, Việt Nam cũng là của thế giới.

“Thế giới bao nhiêu năm đảo lộn vì chiến tranh, chứng kiến những cú sốc lịch sử kinh hoàng, nhưng vẫn tồn tại, phát triển. Điều gì giữ thế giới được như thế? Chính là văn hóa. Chính là tinh thần của con người kết nối với nhau để chống lại những điều phi nhân tính, phi văn hóa”, nhà báo Hồ Quang Lợi nói. Theo ông, dù thời cuộc tác động đến văn hóa nhưng còn một chiều nữa vô cùng quan trọng: văn hóa là nền tảng, cái lõi để giữ cho con người, thế giới, giữ cho xã hội được sự cân bằng, tồn tại và phát triển.

Vị Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ: Ông rất thích câu nói “cái đẹp cứu rỗi thế giới”, bởi cái đẹp chính là văn hóa và nếu còn văn hóa thì chúng ta còn tồn tại.

“Lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó. Hàng ngàn năm bị xâm lược nhưng Việt Nam chưa bao giờ bị đồng hóa, đánh mất văn hóa của mình. Chúng ta không phải nước giàu nhưng được thế giới ngưỡng mộ vì chúng ta có văn hóa, văn hiến. Sức hút Việt Nam chính là văn hóa”, nhà báo Hồ Quang Lợi nói. Từ đó, ông mong muốn những người cầm bút phải làm sao để tinh thần văn hóa Việt Nam trụ vững trước sự lên ngôi của mạng xã hội.

“Bảo vệ văn hóa trong thời đại truyền thông bùng nổ là một cuộc đấu tranh không đơn giản. Sự phát triển của mạng xã hội có nhiều tích cực nhưng cũng không ít yếu tố hủy hoại văn hóa và người cầm bút phải có trách nhiệm để tinh thần văn hóa Việt Nam phát triển. Báo chí có thể không thắng mạng xã hội ở tốc độ đưa tin nhưng sẽ thắng bằng tính chân thật, độ tin cậy và sức thuyết phục. Báo chí đương nhiên, dứt khoát phải góp phần bảo vệ, phát triển văn hóa trong thời đại hội nhập”, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định.

“Là một người nhạy cảm, hiểu biết và sắc sảo, nhà báo Hồ Quang Lợi luôn biết cách dẫn dắt các ý tưởng của mình trong sự cân bằng giữa lý trí và tình cảm. Mỗi từ, mỗi câu đều là nơi gặp gỡ giữa xúc cảm và tư duy, làm bừng lên ý nghĩa bí ẩn sâu xa của đời sống nhân loại mà ông luôn day dứt, trăn trở: Lòng khát khao hòa bình, tình yêu tự do công lý, thái độ tôn trọng lẽ phải… Các trang viết của nhà báo Hồ Quang Lợi đều lấp lánh ánh sáng của lương tri, của tinh thần nhân ái, của lòng hướng thiện cao cả. Chất văn hóa trong con người ấy bộc lộ ra từng con chữ và nó làm nên vẻ đẹp sang trọng của văn hóa ngôn ngữ nơi ông mô tả sự nóng bỏng và quyết liệt của thời cuộc. Những con chữ khô khan vào tay ông lại trở nên có ma lực, sống động, có hồn để tạo nên phong cách Hồ Quang Lợi hút hồn người đọc”.

4.jpg
 

“Xuyên suốt hành trình cầm bút, chất văn hóa thấm đẫm trong con người hiển hiện giữa các dòng chữ của Hồ Quang Lợi. Bởi vậy, ngòi bút ông hướng đến, quan tâm, dành cả trí lực và tâm huyết cho các vấn đề thời cuộc, những phong ba của chính trường thế giới, những nhịp thở thời sự trong cuộc sống đương đại, để nhìn nhận, phản ánh từ góc độ văn hóa. Đây là cuốn sách nhà báo Hồ Quang Lợi đề cao văn hóa như một thực thể độc lập chính thức nhưng người đọc vẫn bị cuốn hút bởi trí tuệ sắc sảo, tỉnh táo, không lên gân, khiên cưỡng lại đậm chất thời sự khi viết về những nhà văn hóa, những vấn đề văn hóa, đạo đức - phẩm cách nhà báo”.

“Độc giả dù khó tính vẫn tìm thấy ở đây hai chân dung hoàn chỉnh trong một con người: Nhà báo văn hóa trong Văn hóa nhà báo Hồ Quang Lợi. Và cũng cảm nhận được sâu sắc Thời cuộc văn hóa Văn hóa thời cuộc qua từng trang viết, từng câu chữ trong cuốn sách này của một “nghệ sĩ ngôn từ” hàng đầu trong làng báo chí cách mạng Việt Nam - nhà báo Hồ Quang Lợi”.

(NXB Hà Nội)

 

Nhà báo Hồ Quang Lợi quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Trước khi đảm nhiệm vài trò Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông từng công tác tại báo Quân đội nhân dân, báo Hà Nội mới và là Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Ông đã 9 lần nhận giải Báo chí Quốc gia, trong đó có 5 giải A.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm