pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà báo Phan Đăng: “Tôi từng đọc nhiều đến nỗi có thể thuộc làu cả vài bộ kinh Phật"
Tác giả Phan Đăng và MC Huyền Châu trong buổi ra mắt sách "39 đoản thiền để thấy"
Ngày 8/7, NXB Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu ra mắt cuốn sách 39 đoản thiền để thấy của nhà báo Phan Đăng. Cuốn sách là những đoản văn ghi lại cảm nhận của Phan Đăng bằng con mắt thiền, tập hợp những suy tư tưởng chừng vụn vặt, nhưng đầy sâu lắng về cuộc đời và con người của tác giả. Với giọng viết giản dị, sâu lắng và đầy chiêm nghiệm, cuốn sách gợi mở những triết lý sâu sắc, những bài học mới mẻ về cuộc đời, góp phần dẫn dắt người đọc hướng đến một lối sống bình tĩnh hơn, một góc nhìn cảm nhận cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn hơn, trân trọng từng khoảnh khắc của đời sống hiện tại.
Nhận xét về cuốn sách của Phan Đăng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng: "Đây không phải là một cuốn sách thông thường. Đây là con đường của một người đi tìm chính mình để xác thực mình và xác lập mình trong cái thế giới của chính cá nhân mình. Đấy là con đường khó nhất và cũng chính là con đường duy nhất để tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống".
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách về con đường đến với Thiền, nhà báo Phan Đăng cho biết: "Ngày xưa tôi đọc sách nói chung và kinh Phật nói riêng theo kiểu tầm chương trích cú. Vì tôi tự biết xuất phát điểm của tôi rất thấp, gia đình tôi không phải là một gia đình tri thức, nhiều chữ nghĩa. Tôi luôn ý thức được xuất phát điểm của tôi thấp, nên trong hành trình tìm kiếm tri thức, tôi phải đọc nhiều để bù vào. Và tôi trở thành một gã tầm chương trích cú, đọc nhiều đến nỗi có thể thuộc làu cả vài bộ kinh Phật nhưng không hiểu gì. Tôi đọc như một con vẹt".
Thẳng thắn nhận mình từng đọc "như vẹt" nhưng Phan Đăng không xấu hổ, bởi quá trình đọc tầm chương trích cú đó không vô ích, đã giúp anh có một nền tảng lý thuyết cơ bản. Cho đến cách đây khoảng 8-9 năm, anh bị một tổn thương rất sâu sắc bên trong, khiến dạ dày có nguy cơ chảy máu liên tục và anh triền miên nằm trong các bệnh viện.
"Tự dưng lúc nằm trong bệnh viện, tôi lại nhớ lại những tác phẩm kinh điển mà tôi tầm chương trích cú. Và tôi nghĩ, thôi giờ không lý thuyết nữa, thực hành đi. Khi tôi thực hành, thấy quả thật màu nhiệm. Màu nhiệm ở đây không phải theo nghĩa tâm linh, tôn giáo, siêu hình gì đâu, mà theo nghĩa nếu bạn chữa lành thật sự cho những tổn thương bên trong mình thì tất cả sẽ tự xoa dịu. Lúc đó tôi mới thực hành thiền định và thiền tuệ và trở thành người thực hành chứ không còn là một kẻ học thuộc theo kiểu con vẹt", anh cho biết.
Mặt khác, Phan Đăng cũng tiết lộ rằng khi "bệnh" tầm chương trích cú còn nặng, trong đầu anh lúc nào cũng nhìn các sự vật, hiện tượng rồi truy cứu xem các vĩ nhân từng nói gì. Anh quay cuồng đi tìm các triết gia và xem cách họ lý giải. "Nhìn thấy giọt mưa rơi, tôi đi tìm xem Aristotle nói gì về cơn mưa, Đức Phật nói gì về cơn mưa. Khi ấy, viết một bài báo mà không trích dẫn ai là tôi cảm thấy không chịu được. Mãi đến một ngày, câu hỏi tự vấn mới nảy ra trong tôi: "Mình nói gì, mình nhìn thấy gì ở cơn mưa? Sau khi chìm đắm trong đầu của người khác, đầu mình nghĩ gì, rung động gì?". Đó là quá trình tự ngộ để khám phá của tôi". Và cuốn sách 39 đoản thiền để thấy chính là một sự đánh dấu bước chuyển trong tư tưởng của Phan Đăng.