Nhà mạng giảm cước kết nối: Cước thuê bao di động có giảm?

02/05/2018 - 19:00
Người tiêu dùng đang khấp khởi vui mừng trước thông tin cước thuê bao di động giảm khoảng 20% kể từ 1/5/2018. Tuy nhiên, đây chỉ là sự giảm giá giữa 'nội bộ' các nhà mạng, không liên quan đến 'túi tiền' của khách hàng.

Cụ thể, Thông tư 48/2017/TT-BTTTT có hiệu lực từ 1/5/2018, quy định: Trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút; gọi đến số thuê bao của các nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile, Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Toàn Cầu, mạng di động gọi đi phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút – tức là giảm 20% so với mức cước trước đó.

Ngoài ra, Thông tư 48 cũng quy định cụ thể về giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng điện thoại cố định nội hạt vào di động. Theo đó, mạng điện thoại cố định nội hạt thực hiện cuộc gọi đến mạng di động thì phải trả cho nhà mạng di động 320 đồng/phút. Giá cước nêu trên bao gồm phần giá cước kết nối trả cho doanh nghiệp khi phải kết nối gián tiếp qua mạng đường dài trong nước, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Ngay khi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố giảm giá cước di động trên, không ít người dùng di động khấp khởi vui mừng vì cho rằng giá cước gọi ngoại mạng sắp được giảm.
Chị Trương Thị Mai (ở tòa nhà Rice City, Linh Đàm, Hà Nội) cho hay: "Các nhà mạng vừa thông báo từ nay không khuyến mãi 50% thẻ nạp điện thoại nữa thì phải giảm cước là đúng rồi. Nhưng không biết bao giờ mới giảm cước điện thoại nhỉ? Mình làm bán hàng online nên thường xuyên giao dịch với khách bằng điện thoại. Mình vẫn đang ngóng thông tin bao giờ nhà mạng giảm cước điện thoại, nhà mạng nào giảm mạnh nhất thì mình sẽ dùng mạng điện thoại đó".
Tuy nhiên, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội), giải thích: Theo quy định trên của Thông tư 48 thì đây chỉ là giảm giá cước di động kết nối giữa các nhà mạng chứ không phải là giảm cước gọi ngoại mạng của khách hàng. Nói cách khác, quy định nêu trên chỉ liên quan trực tiếp tới “nội bộ” các nhà mạng, không tác động tới “túi tiền” của người dùng di động. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể hi vọng rằng, khi giá cước kết nối giữa các nhà mạng giảm, các nhà mạng có thể cân nhắc để giảm cước gọi ngoại mạng.
mang_100114.jpg
Nhà mạng giảm cước kết nối, không giảm cước thuê bao
Về nguyên tắc, giá cước di dộng được hình thành bởi cước nội bộ (gọi nội mạng) cước kết nối (gọi ngoại mạng) giá trị gia tăng. Như vậy, khi cước kết nối cuộc gọi được giảm 20%, thì đồng nghĩa với việc cước di động sẽ phải giảm tương ứng.
Đến thời điểm hiện tại, bà Mai Hồng - phụ trách truyền thông Vinaphone cho biết: "Vinaphone chưa có thông tin sẽ giảm giá cước thuê bao điện thoại trong thời gian tới".
Tương tự, đại diện Mobiphone cũng cho hay, sẽ phản hồi sớm nhất cho khách hàng nếu có thay đổi gì về giá cước.
Thông tư 48 như khiến người tiêu dùng “sốc” thêm khi mà cả tháng nay họ đang “đau đầu” vì các nhà mạng yêu cầu phải bổ sung thêm ảnh đại diện, thông tin cá nhân… cũng như trước đó 2 tháng, thông tin thuê bao trả trước chỉ còn được khuyến mại thẻ nạp đến 20% (tại Thông tư 47/2017/TT-BTTTT) thay vì lên đến 50% như trước cũng gây xôn xao.
Bình luận về sự việc này, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, cho rằng: Hiện nay, rất nhiều người dùng lợi dụng việc các nhà mạng buông lỏng tình trạng đăng ký thông tin của các nhà mạng đối với thuê bao trả trước để sử dụng thuê bao trả trước nhắn tin quảng cáo, lừa đảo, đe dọa sức khỏe, tính mạng cũng như xâm phạm quyền lợi nhân phẩm của người khác… Do vậy, Thông tư 47 sẽ đảm bảo quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác bởi thuê bao trả trước. Cùng với quy định về việc bổ sung đầy đủ thông tin cá nhân đối với thuê bao di động thì mong rằng các quy định này sẽ thắt chặt hơn việc quản lý thuê bao, đảm bảo thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin và an ninh thông tin. Điều này cũng là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng về an ninh, an toàn thông tin, trật tự xã hội chứ không nhất thiết phải là quyền lợi về “tiền bạc”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm