pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà nghiên cứu về nuôi dạy con cái: Đây là câu tuyệt đối không nói với con
Ảnh minh họa
Jennifer Breheny Wallace (người Mỹ) là một chuyên gia về lĩnh vực nuôi dạy con cái, tác giả của cuốn sách "Không bao giờ đủ: Khi áp lực thành tích trở nên độc hại - và chúng ta có thể làm gì". Để hoàn thành cuốn sách, cô đã phỏng vấn nhiều nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu và khảo sát 6.500 phụ huynh trên toàn thế giới.
Cô cho biết, quá trình nghiên cứu để viết cuốn sách đã truyền cảm hứng cho cô thực hiện một sự thay đổi lớn trong phong cách nuôi dạy đối với 3 đứa con của mình.
Wallace nói rằng: Khi lo lắng về việc bài kiểm tra của con hoặc liệu con có giành được một suất trong đội thể thao hay không, cha mẹ thường đặt những câu hỏi thăm dò ngay khi con vừa trở về nhà. Điều này có nguy cơ làm tăng thêm sự lo lắng của trẻ. Vì vậy, có một điều bà mẹ này không bao giờ làm với con, đó chính là đặt câu hỏi về thành tích ngay sau khi con về nhà.
"Khi các con tôi bước vào cửa, thay vì hỏi: "Con làm bài kiểm tra tiếng Tây Ban Nha thế nào?", điều mà tôi đã nói là: "Bữa trưa con ăn gì?". Tôi nói về những điều không liên quan gì đến thành tích của con", bà mẹ này bật mí.
Cách nói chuyện với con về thành tích một cách lành mạnh, không độc hại
Các nhà tâm lý học mà Wallace tiếp xúc cho rằng, cha mẹ có thể truyền sự lo lắng của chính mình sang con cái, thông qua quá trình gọi là lây lan cảm xúc. Wallace cũng học được rằng việc tập trung quá mức vào thành tích của con cũng có thể gửi đi một thông điệp có hại: Giá trị của chúng phụ thuộc vào thành tích.
Bà mẹ 3 con nói: "Tập trung quá nhiều vào việc con bạn đang thể hiện như thế nào, chẳng hạn như chúc mừng trẻ đạt điểm cao thay vì khen ngợi nỗ lực của chúng, là một ví dụ về "văn hóa thành tích đang trở nên độc hại". Ý tôi là: Khi ý thức về bản thân bị vướng vào những thành tựu, chúng ta không thể tách giá trị vốn có của mình khỏi những thành công hay thất bại bên ngoài".
Wallace đã phỏng vấn các sinh viên trên khắp nước Mỹ để viết cuốn sách của mình và nhận ra rằng, đối tượng đấu tranh với sự lo lắng nhiều nhất là những đứa trẻ cảm thấy giá trị của chúng phụ thuộc vào thành tích ở trường hoặc các hoạt động khác.
Điều đó không có nghĩa là bạn không nên thúc ép con mình hoặc không cần biết chúng thể hiện như thế nào trong một bài kiểm tra khó. Chỉ cần tránh đóng khung phần lớn cuộc trò chuyện của bạn xung quanh điểm số hoặc các kết quả cụ thể về thành tích khác.
Đôi khi bạn cần để con mình bắt đầu cuộc trò chuyện. Trẻ không cần phải nghĩ rằng bố mẹ đã lo lắng cả ngày về một bài kiểm tra. Thay vào đó, trẻ nên nhận được thông điệp rằng bố mẹ quan tâm đến con đơn giản chỉ bởi chính con mà thôi.
Một trong những đứa con của Wallace hiện đang nộp đơn vào các trường đại học. Với tư cách là một người mẹ, Wallace cho biết cô cố gắng để ý đến số lần hai mẹ con nói về trường đại học trong một tuần.
Cụ thể, cô làm theo lời khuyên của các nhà tâm lý học. Theo đó, bố mẹ nên hạn chế những cuộc trò chuyện có thể gây căng thẳng với con, có thể bắt đầu trong khoảng một giờ vào cuối tuần.
Wallace nói: "Nếu con trai tôi muốn nêu vấn đề đó ra thì cũng không sao. Nhưng theo quan điểm của tôi, với tư cách là một bậc cha mẹ, tôi chờ đợi và giữ suy nghĩ của mình cho đến cuối tuần. Tôi muốn tận hưởng năm cuối cùng khi con vẫn sống chung nhà và không muốn nó bị tắc nghẽn bởi những cuộc trò chuyện căng thẳng về trường đại học".