Nhà ngoại giao xuất thân hoàng tộc

10/12/2015 - 16:01
Tôn Nữ Thị Ninh sinh năm 1947 tại thành phố Huế, là hậu duệ của hoàng tộc nhà Nguyễn. Bà có một vị trí mà ít nhà ngoại giao nữ nào ở Việt Nam có được.
Năm 1950, cô bé Tôn Nữ Thị Ninh mới 3 tuổi theo gia đình sang Pháp và sau đó lại cùng gia đình trở về Sài Gòn. Học trung học tại trường Marie Curie tại Sài Gòn, đến năm 1964 bà du học ở Đại học Paris (Pháp) và Đại học Cambridge (Anh).

Bà đã tham gia hoạt động với Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong vai trò người trợ giúp vòng ngoài cho Phái đoàn Việt Nam tại Paris trong những năm 1968-1973 và một số lần là phiên dịch tiếng Anh trong các cuộc tiếp xúc không chính thức cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh là hậu duệ của hoàng tộc nhà Nguyễn

Năm 1972, bà về nước theo tiếng gọi của Mặt trận giải phóng dân tộc - một việc làm mà theo bà kể là "hoàn toàn tự nhiên, không có bất cứ toan tính dằn vặt nào". Năm 1975, bà gặp Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng là ông Xuân Thuỷ - người đã từng biết bà trong thời gian hội nghị Paris. Theo lời khuyên của ông, bà về làm việc tại Ban Đối ngoại Trung ương.

Dù khi mới về nước, bà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nhưng cái duyên của bà lại dành cho ngành ngoại giao. “Tôi thích những thách thức mới, tôi chưa bao giờ được đào tạo để làm ngoại giao nên lời mời ra làm công tác ngoại giao đối với tôi là một thử thách rất mới”.

Công việc ban đầu của bà là phiên dịch. Bà đã đi dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Xuân Thuỷ, ông Nguyễn Cơ Thạch... Từ khởi đầu khiêm tốn, về sau bà đã làm đại sứ ở ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg và Liên minh châu Âu (EU). Bà còn giữ cương vị là người đứng đầu đại diện của phái đoàn Việt Nam ở Liên minh châu Âu tại Brussel (Bỉ). Bà có một nhiệm kỳ trong Ủy ban Trung ương của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Trong suốt quãng đời hoạt động ngoại giao, nhiều lần bà khiến mọi người bất ngờ vì cách tranh luận thẳng thừng, khác hẳn với vẻ bề ngoài dịu dàng, kín đáo. Là phụ nữ, để có thể hoạt động được trong ngành ngoại giao đã khó, kết hợp được cương - nhu càng khó hơn, và quan trọng nhất, theo bà, là phải không được khóc.
Trong ngoại giao, bà Tôn Nữ Thị Ninh có cách tranh luận thẳng thừng, khác hẳn với vẻ bề ngoài dịu dàng, kín đáo  
Cương vị gần nhất trong chính trường mà bà nắm giữ là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Tháng 2 năm 2013, bà được chính phủ Pháp tặng huân chương Bắc đẩu Bội tinh.

Nhìn nhận về sự phát triển của đất nước, Tôn Nữ Thị Ninh có những phát biểu rất thẳng thắn: "Tôi không phủ nhận thành tựu của đổi mới, nhưng hãy cứ thử nhìn ra các nước xung quanh xem họ đã vượt lên như thế nào. Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan thành công hơn Việt Nam nhiều. Tôi rất sợ nguy cơ bình bình cứ thế mà làm, chúng ta sẽ tụt hậu”.

Trong gia đình, bà lại có cách cư xử rất tế nhị. Khi mới cưới, cuộc sống gia đình khá khó khăn. Làm công tác ngoại giao, thu nhập của bà khá hơn lương giáo sư đại học của chồng một chút. Nhưng bà luôn tự nhủ phải tránh nhắc đến điều đó. “Điều tôi muốn đạt được là sự tôn trọng nhau và tôn trọng những quy tắc trong cuộc sống”, bà Ninh nói.

“Khi xảy ra chiến tranh lạnh, tôi thường là người “xuống thang” trước. Tôi nghiệm ra rằng, “chiến tranh lạnh” không làm anh ấy thay đổi quan điểm, không khí gia đình rất khó chịu, và con cái cũng bị ảnh hưởng”, bà chia sẻ.

Khi không còn công tác trong ngành ngoại giao, bà quay lại với giáo dục bằng dự án Đại học Trí Việt. Suốt 4 năm theo đuổi dự án, bà học được nhiều điều. Nhưng dự án không thành công. “Có buồn và tiếc nuối, nhưng tôi không cay cú và thất vọng”. Thất bại, đối với bà, là một trải nghiệm bổ ích.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm