Christian Dior sinh ngày 21/01/1905 tại thị trấn Granville, một địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng về thời trang ở miền Bắc nước Pháp. Ông là con trai trong gia đình gồm 5 người con của một nhà sản xuất phân bón giàu có. Lên 5 tuổi, ông theo gia đình chuyển đến thủ đô Paris.
Cha mẹ Christian Dior hy vọng ông trở thành một nhà ngoại giao nhưng Dior lại mơ ước được học nghệ thuật và kiến trúc. Tuy vậy, sau khi đậu tú tài, trong những năm 1920-1925, ông đã theo học ngành khoa học chính trị tại trường École Libre des Sciences Politiques theo nguyện vọng của cha mẹ. Chính vì ngọn lửa đam mê nghệ thuật luôn nhen nhóm nên bạn bè của ông chủ yếu là giới nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ.
Trong thời gian này, ông duy trì đam mê nghệ thuật với việc bán những bản vẽ trên đường phố để kiếm tiền tiêu vặt. Sau khi tốt nghiệp, năm 1928, Dior cùng một người bạn mở một phòng tranh nghệ thuật chuyên bán các tác phẩm của Pablo Picasso và Max Jacob bằng số vốn nhỏ nhận được từ người cha.
Nhà thiết kế Christian Dior |
Một thời gian sau, do ảnh hưởng từ cuộc đại suy thoái năm 1929, gia đình phá sản, rồi đến cái chết của mẹ và anh trai, Dior buộc phải đóng cửa phòng tranh. Ông bị trầm cảm nặng rồi dẫn đến căn bệnh lao. Bạn bè đã gom góp tiền giúp ông tới Font-Romeu để chữa trị. Sau đó, Christian Dior đã học nghệ thuật thêu và dệt tại quần đảo Balearic. Sau khi trở về Paris, ông bắt tay vào việc thiết kế thời trang ở tuổi 30.
Nhận thấy tài răng của Dior, nhà thời trang cao cấp Robert Piguet đã mua lại những bản thiết kế của Dior và mời ông làm việc cho công ty của ông. Dior làm việc cho Robert Piguet cho tới khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, ông gia nhập quân ngũ năm 1940.
Sau hiệp ước đình chiến Pháp-Đức, ông được xuất ngũ, trở về sống cùng cha và em gái tại Callian, Đông Nam nước Pháp. Robert Piguet mời ông trở lại làm việc nhưng ông đã do dự khá lâu nên Antonio del Castillo đã thay vị trí của ông. Năm 1942, ông đầu quân vào hãng thời trang Lucien Lelong. Tại đây, ông cùng với Pierre Balmain là hai nhà thiết kế chính.
Năm 1945, Dior bắt đầu xây dựng nhãn hiệu thời trang của riêng mình dưới sự hậu thuẫn của Marcel Bousac - một ông trùm ngành vải bông thời bấy giờ. Nhãn hiệu thời trang Dior được ra mắt vào ngày 16/12/1946 tại số 30 đại lộ Montaigne, Paris. Dior nhanh chóng giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên vào ngày 12/21947, vì vậy, ông quyết định lấy năm 1947 là năm thành lập nhãn hiệu thời trang của mình.
Bộ sưu tập đầu tiên này bao gồm 90 mẫu thiết kế với những chiếc đầm phồng, thắt eo nhỏ và dài ngang bắp chân, nhấn ở eo và ngực đã tác động đến thời trang cũng như những nhà thiết kế khác trong những năm 1950. Nó đã làm nên cuộc cách mạng trong lịch sử thời trang.
Một mẫu thiết kế trong bộ sưu tập 'New Look' của Dior đã làm nên cuộc cách mạng thời trang thập niên 1950 |
Ban đầu, bộ sưu tập được đặt tên là Corolle (có nghĩa là tràng hoa) xuất phát từ lòng yêu hoa của Dior. Bộ sưu tập còn được gọi là ‘figure 8’, con số may mắn của Dior. Nhưng không lâu sau nó được đổi tên thành ‘New Look’ (dáng vẻ mới) bởi khi chiêm ngưỡng các mẫu thiết kế của Christian Dior, tổng biên tập nổi tiếng của tạp chí Harper Bazaar's lúc đó là Carmel Snow phải thốt lên: ‘Đây đúng quả là một cuộc cách mạng, Christian thân mến. Những bộ váy của anh có dáng vẻ mới hoàn toàn khác biệt’. Cụm từ ‘New Look’ gắn liền với các mẫu thiết kế của Dior vào khoảng thời gian này.
‘New Look’ được Tây Âu chào đón nồng nhiệt và được giới phụ nữ thời thượng giàu có như công chúa Margaret của Anh rất ưa chuộng. Các nữ diễn viên Hollywood như Marlene Dietrich, Rita Hayworth, Margot Fonteyn cũng rất yêu thích các thiết kế của Dior. Có thể nói ‘New Look’ đã thiết lập lại vị trí của Paris là một trung tâm thời trang của thế giới sau chiến tranh.
Tạp chí Vogue cũng dành hết lời có cánh đối với những trang phục trong bộ sưu tập này của Christian Dior. Tháng 9 cùng năm, nhà tạo mẫu người Pháp lần đầu đặt chân đến Mỹ và được nhận giải thưởng thời trang Neiman Marcus.
Từ năm 1948, Dior mở chi nhánh đồ ứng dụng tại New York nhằm phục vụ thị trường Mỹ. Trang phục của ông bán chạy đến nỗi không ít người nhái lại để bán trên khu Seventh Avenue, Manhattan, New York. Trong năm này, ông còn mở thêm chi nhánh sản xuất đồ lông tại Pháp.
Năm 1950, Dior bắt đầu đăng ký bản quyền cho các dòng sản phẩm như mũ, đồ lông, khăn choàng, găng tay, trang sức, túi, dệt kim và đồ lót. Vào lúc này, các trang phục của nhà thiết kế người Pháp bắt đầu đặt ra những quy chuẩn mới về vẻ đẹp của người phụ nữ. Thậm chí, Vogue còn đưa lời khuyên trên tạp chí rằng: ‘Để mặc được đồ có thiết kế mảnh mai, trước hết bạn cần một cơ thể như vậy’.
Ông được xem như là gã phù thủy trong làng thời trang |
Năm 1951, xu hướng trang phục nữ tính tiếp tục được làng mốt ưa chuộng. Để phục vụ được nhu cầu này, ngoài tập trung cho các mảng chính như váy áo, đồ lông..., Dior còn tự sản xuất găng tay và tất với số nhân viên lên tới 900 người. Vào tháng 2, hãng này có cơ hội được thiết kế váy cưới đính 6.000 viên kim cương cho Soraya Esfandiary-Bakhtiari với quốc vương Iran. Đến tháng 8, thiết kế của Dior tiếp tục lọt vào mắt xanh của công chúa Anh, Margaret.
Năm 1952, Dior bắt đầu giới thiệu bộ sưu tập mũ của riêng mình. Tháng 9, người mẫu Suzi Parker cũng đã chọn một mẫu thiết kế của nhà tạo mẫu Pháp khi được chụp bìa cho Vogue.
Năm 1953, Dior vẫn giữ nguyên vị trí thống trị trong làng thời trang. Nhà thiết kế giày Roger Vivier đã phối hợp với hãng Delman để sản xuất riêng một dòng giày dành cho các mẫu váy của Christian Dior.
Năm 1956, số lượng nhân viên của nhà mốt Dior ở Pháp tăng lên tới 1.200 người. Đây là hãng lớn và làm ăn thịnh vượng nhất tại Paris lúc bấy giờ. Số lượng công ty con của hãng không dưới con số 8 trong khi các cửa hàng nhượng quyền là 16. ‘Christian Dior không khác gì vị thần Atlas. Một mình anh ấy gánh cả ngành thời trang Pháp’, một chuyên gia đương thời phải thốt lên.
Dior đang phát triển huy hoàng thì Christian Dior đột ngột qua đời ở tuổi 52 vì một cơn đau tim, dẫn đến khoảng trống khó thay thế về vị trí sáng tạo của hãng thời trang này. |
1957 là năm mà sự huy hoàng của Dior tàn lụi dần. Đây là thời điểm Chanel nổi lên với các mẫu thiết kế mỏng manh, Balenciaga và Givenchy với các kiểu váy suông dài ngang đùi. Trong khi đó, những chiếc váy chiết eo tôn lên thân hình đồng hồ cát đã trở nên lỗi mốt. Tháng 10 cùng năm, nhà thiết kế người Pháp đột ngột qua đời ở tuổi 52 vì bị đau tim. Sự qua đời đột ngột của Dior vào năm 1957 dẫn đến sự khủng hoảng tột bậc. Vị trí nhà thiết kế của hãng lần lượt được tiếp quản bởi Yves Saint Laurent năm 1957, Marc Bohan năm 1960 và nhà thiết kế gốc Italy, Gianfranco Ferré năm 1989. Từ 1997, Christian Dior được kế nhiệm bởi John Galliano, người đã làm sống lại tinh thần Dior qua những sáng tạo hòa trộn giữa lịch sử và hiện đại. Năm 2011, John Galliano bị sa thải, thương hiệu này đối diện với khoảng trống lớn. Năm 2012, Raf Simons chính thức trở thành giám đốc sáng tạo nghệ thuật của nhà mốt cho đến nay.
Mặc dù đã trải qua nhiều giám đốc sáng tạo nhưng bản sắc nữ tính, phom dáng New Look đầy cấu trúc và phương châm nâng niu nét đẹp người phụ nữ mà Christian Dior truyền lại vẫn được phát huy cho đến ngày nay. Tài năng sáng tạo thời trang xuất chúng của Christian Dior đã giúp ông được công nhận là một trong những nhân vật thời trang lớn nhất lịch sử.