Nhà văn Chu Lai nể bút lực của Phạm Thị Bích Thủy

16/04/2016 - 06:00
'Tôi bị cuốn hút ngay từ đầu bởi vấn đề văn chương của Phạm Thị Bích Thủy' - nhà văn Chu Lai khẳng định trong buổi ra mắt tiểu thuyết 'Đáy giếng'.
Bìa tiểu thuyết  "Đáy giếng"


Tiểu thuyết Đáy giếng (NXB Hội Nhà văn) của Phạm Thị Bích Thủy xoay quanh các nhân vật ở nhà máy rượu Vodaco suốt từ thời bao cấp cho đến thời kinh tế thị trường. Ở đó đầy rẫy những gian manh, lọc lừa, trì trệ, bảo thủ, đố kỵ, độc ác, quanh co, xảo quyệt, ngớ ngẩn, tham lam và bần tiện.

Những nhân vật điển hình trong Đáy giếng không xa lạ với nhiều cơ quan nhà nước: Một giám đốc Phương đầy đủ năng lực chuyên môn, khôn ngoan tháo vát, mưu cao kế hiểm nhưng vẫn thất bại trước một phe liên minh ma quỷ trong công ty; một chủ tịch hội đồng quản trị Lý híp xuất thân từ một công nhân nhà máy rồi lần hồi đi lên vị trí cao cấp nhất của công ty với những kế hiểm hại người; một kế toán trưởng Hách ti tiện, đố kỵ, dâm ô, tham lam…

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy

Chia sẻ về Đáy giếng, nhà văn Chu Lai cho biết, ông nể bút lực của Phạm Thị Bích Thủy và bị cuốn hút ngay từ đầu bởi vấn đề văn chương mà nữ văn sĩ này đặt ra. Văn học Việt Nam viết nhiều về chiến tranh trận mạc, nhưng đây là cuốn sách về kinh tế - một đề tài rất hiếm. Nếu không có vốn sống về kinh tế thì không thể viết được, bởi không dễ gì có thể bịa về những miếng đòn, chiêu trò đặc trưng của doanh nghiệp và của những con người trong cỗ máy ấy.

Phạm Thị Bích Thủy là nhà văn, nhưng cũng là một doanh nhân, chính những trải nghiệm máu thịt đã giúp chị có được những trang viết đầy ắp hơi thở cuộc sống đến thế.

“Tôi thấy thương tác giả, hẳn cuộc đời phải ba chìm bảy nổi lắm mới viết được những trang văn như thế này. Chị viết để giải tỏa những nỗi niềm nhức nhối trong lòng. Chị viết về cái xấu đầy xa xót. Đáy giếng thực sự là một sự dũng cảm của một người cầm bút, của một người phụ nữ viết văn”, nhà văn Chu Lai nói.

Nhà văn Chu Lai

Nhà văn Ma Văn Kháng đánh giá cao cách kể chuyện của Phạm Thị Bích Thủy: “Đối thoại rất tài. Hiếm cuốn tiểu thuyết nào đối thoại nhiều như Đáy giếng. Tất cả như đứng trên sân khấu, nhân vật tự nói về mình, giễu nhại mình, bộc lộ mình mà không hề hay biết”.

Nhà văn Di Li cho biết, chị thực sự bị ám ảnh bởi Đáy giếng. Nữ văn sĩ nổi danh với truyện trinh thám – kinh dị tiết lộ, từ trước tới nay chị chưa bao giờ “đăng đàn” khen một cuốn tiểu thuyết nào, nhưng với Đáy giếng, chị không thể không lên tiếng. Bởi theo Di Li, đây là cuốn tiểu thuyết Việt Nam xuất sắc nhất mà chị từng đọc.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, đã tốt nghiệp MBA, PUT; cử nhân văn chương và tiếng Nga, Đại học Ghecsen Leningrad. Từ 1986 đến 2000 là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2000 đến nay, chị làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Hiện chị là quản trị viên cao cấp tại một tập đoàn kinh tế ở Hà Nội.

Các tác phẩm đã xuất bản trước 'Đáy giếng': Tập truyện ngắn 'Chạy trốn' (2013), Tiểu thuyết 'Đồi cát bay' (2014), 'Tiếng sáo lạc' (2015).

Xem clip giới thiệu nhà văn Phạm Thị Bích Thủy và tác phẩm của chị:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm