pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà văn Phong Điệp, Thụy Anh hành động như thế nào khi con thất bại?
Nhà văn Phong Điệp và Thụy Anh tại tọa đàm "Món quà của sự thất bại"
Món quà của sự thất bại là chủ đề của buổi tọa đàm do Pingbooks và CLB Đọc sách cùng con tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên của Jessica Lahey. Tại đây, phụ huynh và các em học sinh đã có dịp giao lưu, chuyện trò cùng hai diễn giả là nhà văn - tiến sĩ giáo dục Thụy Anh và nhà văn – nhà báo Phong Điệp xoay quanh chuyện thất bại của mỗi người, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Trong buổi giao lưu, tiến sĩ Thụy Anh đã cùng phụ huynh và các bạn nhỏ viết lên bảng những "định nghĩa" về thất bại. Theo đó, khái niệm thất bại rất đa dạng, phong phú, là điều không đạt được so với mong muốn của mỗi người, chẳng hạn như điểm kém, mối tình đầu tan vỡ, hay đơn giản là một hôm ra đường trang điểm xấu bị chê, nấu một món ăn không ngon như mong đợi…
Cảm xúc nào đến khi chúng ta thấy thất bại? Câu hỏi mà tiến sĩ Thụy Anh đưa ra đã nhận được rất nhiều chia sẻ của những người có mặt. Những cảm xúc đó được gọi tên là: Đang rơi. Chán. Lo lắng. Buồn. Giận. Bất lực. Thất vọng. Hụt hẫng. Ấm ức. Tuyệt vọng. Đau khổ…
Tiếp theo đó là câu chuyện ứng xử của mỗi vị phụ huynh khi con cái thất bại. Tiến sĩ Thụy Anh, sau khi đọc cuốn sách Món quà của sự thất bại, đã đúc kết được kinh nghiệm của nhà giáo dục – diễn giả Jessica Lahey muốn gửi gắm tới các bậc phụ huynh là: Không phản ứng thái quá với thất bại, nhưng không chối bỏ và hãy trung thực; Khẳng định tình yêu thương; Tôn trọng cảm xúc của con trong thất bại, không can thiệp; Con phải tự giải quyết, bố mẹ không giải quyết thay con.
Đồng quan điểm với Jessica Lahey, nhà văn Phong Điệp cho rằng: Khi con cái thất bại, "yêu thương" phải là từ khóa xuyên suốt, khẳng định bố mẹ luôn yêu thương con, ở bên con dù con như thế nào. Mặt khác, theo chị, tôn trọng cảm xúc của con là điều cần thiết, nhưng vẫn trong một số trường hợp vẫn nên có chút can thiệp.
"Chẳng hạn khi con đóng cửa gào khóc, tôi để cho con khóc hết cơn, nhẹ lòng, xả stress để cân bằng. Nhưng khi con muốn đến bên bố mẹ chia sẻ thì sự lặng im của bố mẹ chưa hẳn đúng. Bố mẹ nên có sự tương tác với con chứ không bỏ mặc con. Hoặc có những sự việc mà hậu quả lớn xảy ra ngoài khả năng giải quyết của con thì bố mẹ cũng cần hỗ trợ", nhà văn Phong Điệp nói.
Bố mẹ chia sẻ, hỗ trợ bằng cách đưa ra gợi ý không đồng nghĩa với việc giúp con giải quyết. Bởi lẽ, mỗi lần để con đối diện với thất bại, con sẽ mạnh mẽ, tự tin hơn, học được cách xử lý tình huống.
Tiến sĩ Thụy Anh chia sẻ câu chuyện của chính mình: "Ngày tôi học lớp 12, chuẩn bị thi đại học, tôi sống trong mong đợi háo hức, sẵn sàng cho kỳ thi lớn của cuộc đời. Sau khi tôi đã ôn thi có vẻ ổn, thi thử được điểm khá cao, thì một hôm, bố tôi đưa đi xem kịch và tâm tình. Tôi ngỡ ông sẽ động viên để tôi thêm quyết tâm thi cho tốt. Nhưng không, câu chuyện bố nói với tôi hôm ấy lại có từ khóa là "thất bại". Tôi rất ngạc nhiên. Tôi không bao giờ mong và nghĩ đến thất bại. Thế mà bố tôi lại nói đến nó với vẻ bình thản, thậm chí trìu mến, nếu tôi cảm nhận không nhầm.
Giờ đây, khi đọc cuốn sách của tác giả Jessica Lahey, một nhà giáo dục, diễn giả, nhà văn, một tiến sĩ Luật với một cái tên sách khá thú vị và hoàn toàn có thể mang lại hoài nghi cho những ai đang nỗ lực hướng tới thắng lợi, thì tôi nhớ bố tôi vô cùng. Những gì bố nói với tôi ngày tôi 17 tuổi thật quan trọng. Nó cho tôi tâm thế đón nhận những thất bại như một món quà của số phận, vượt qua cả những cảm xúc cay đắng mà món quà đó có thể đem lại. Đôi khi, những vấp ngã nhẹ lại giúp ta tránh được những cú ngã mạnh hơn. Tôi biết chấp nhận thất bại như một phép thử, một lời cảnh báo, một chia sẻ mà tôi nhận được từ cuộc đời. Tôi hạnh phúc vì điều đó.
Và cuốn sách của Jessica Lahey lý giải tường tận được điều này. Không những thế, chị còn chỉ ra cho người đọc thấy, thời gian nào là… lý tưởng cho những thất bại, ai sẽ là người đồng hành cùng những thất bại của một đứa trẻ, và chân giá trị của những bài học từ mọi sai lầm, nhầm lẫn, thua cuộc, thi trượt, điểm thấp đối với một con người".