Nhà văn Y Ban: ‘Trái tim tôi có lúc tật nguyền’

26/10/2016 - 20:17
Tác giả 'I am đàn bà' nhận mình thua kém những con người tuy khuyết tật về cơ thể nhưng tâm hồn, nghị lực lại vô cùng đáng nể.
2.jpg
 Cây bút Trần Hồng Giang đi xe lăn tới dự "Ngày ý chí"

Sáng 26/10, nhà văn Y Ban đảm nhận vai trò MC cho sự kiện Ngày ý chí do NXB Phụ nữ tổ chức. Đây là lần đầu tiên, nữ văn sĩ nổi tiếng sắc sảo, dữ dội này làm MC cho một chương trình giao lưu văn học. Điều đặc biệt, nhân vật của sự kiện này là những tác giả ngồi trên xe lăn. Họ vốn là những người bình thường, nhưng bệnh tật, tai ương đã buộc họ trở thành những người khác thường. Họ từng trải qua những bi quan, tuyệt vọng nhưng bằng tình yêu với cuộc đời, với câu chữ, họ đã vượt qua nghịch cảnh, không chỉ cứu rỗi cuộc sống của chính mình mà còn thắp lên hy vọng cho biết bao số phận.

Đó là Trần Hồng Giang, bị bại liệt từ 5 tuổi, cuộc sống gắn với chiếc xe lăn. Anh đã tự học chữ, học tiếng Anh, học tin học và viết văn, viết báo. Hơn 20 năm “bén duyên” với câu chữ, anh có một lượng không nhỏ bài viết được đăng trên các tờ báo, tạp chí và giành khá nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật. Cây bút sinh năm 1974 ở Nam Định này đã xuất bản nhiều tập sách, trong đó có Nỗi nhớ mùa hè, Chuồn chuồn phố, Thương lắm quê mình, Những con vịt cánh sẻ… và mới đây nhất là cuốn tiểu thuyết Mẹ ơi, con nhớ nhà!

Đó là cô gái Lê Dương Thể Hạnh đến từ Đà Lạt. Căn bệnh u não ập đến với cô ở tuổi 27 khi một tương lai vô cùng rộng mở đang chờ đón trước mắt. Trải qua 27 lần xạ trị, cô trở thành một người khuyết tật nặng với đôi mắt bị mù, thính lực kém, hai chân không đi lại được. Nhưng vượt qua tất cả, cô đã tìm cho mình niềm vui sống bằng việc dạy tiếng Anh, tiếng Nhật cho người khuyết tật, làm trưởng nhóm thiện nguyện Sắc màu hy vọng. Cuốn tiểu thuyết Mặt trời không bao giờ tắt của cô vừa được NXB Phụ nữ phát hành là những trải nghiệm của chính cô.

Nhân vật của Ngày ý chí còn có nhà văn Nguyễn Bích Lan và nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, nhưng vì lý do đặc biệt, họ đã không thể có mặt. Hai cây bút tật nguyền đến từ Thái Bình này cũng là những gương mặt quá quen thuộc với những người yêu văn chương.

4.JPG
 Lê Dương Thể Hạnh ký tặng sách cho độc giả dù chị không nhìn thấy ánh sáng

Trước những nhân vật vô cùng đặc biệt của Ngày ý chí, bà Khúc Thị Hoa Phượng, giám đốc NXB Phụ nữ đã không ngăn nổi sự xúc động khâm phục. Khi bà Hoa Phượng đọc những dòng chia sẻ của chị Trương Ngọc Lan – người đảm nhận vai trò kết nối các nhân vật cho Ngày ý chí, không chỉ bà Hoa Phượng nghẹn ngào mà cả hội trường đều xúc động.

Chị Trương Ngọc Lan đã chia sẻ: “Chưa bao giờ việc tổ chức một sự kiện mà các bậc thang lên xuống lại khiến tôi bận tâm đến như thế.

Từ bậc thang lên máy bay, bậc thang lên hội trường, tới bậc thang lên khách sạn.

Đến đâu tôi cũng hỏi có chỗ dành cho xe lăn không.

Máy bay đặt được xe lăn rồi, kiếm được khách sạn có cầu thang máy rồi, còn mỗi cái hội trường vẫn sừng sững những bậc lên xuống khiến tôi muốn hụt hơi.

Mặc dù các tác giả bảo "không sao", nhưng tôi thấy "sao" vô cùng.

Chỉ là lên tầng 2 thôi, nhưng với người này là thể dục, với người khác lại khó hơn cả leo đỉnh núi cao nhất thế giới”.

1.jpg
 Nhà văn Y Ban làm MC cho "Ngày ý chí"

Nhà văn Y Ban thì thốt lên: “Tôi là một người được số phận dành cho nhiều sự ưu ái. Thế nhưng, nhiều khi tôi cũng như bị… tự kỷ”. Nữ văn sĩ chia sẻ, nhiều khi chị cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng và những lúc đó, chị phải viện đến “liệu pháp tinh thần” từ chính cuộc đời của những con người như Trần Hồng Giang, Đỗ Trọng Khơi… để thức tỉnh mình.

“Tôi đã tự nói với mình, tại sao những người như thế vẫn sống được mà mình lại không sống được? Tôi là một con người lành lặn, nhưng trái tim tôi có những lúc tật nguyền”, nhà văn Y Ban nói. Chị cho rằng, trong mỗi con người luôn tiềm ẩn một khả năng kỳ diệu và những con người đặc biệt của Ngày ý chí đã biết nắm đúng thời khắc kỳ diệu mà cuộc đời trao cho họ để tỏa sáng.

Trong khi đó, cây bút Trần Hồng Giang lại nhìn mọi chuyện khá nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Anh cho rằng, anh chỉ chọn niềm vui cho cuộc sống của mình. Anh từng chán nản đến mức nghĩ đến cái chết, nhưng rồi anh nhận thấy nỗi buồn chỉ làm cho mình ủ dột, chán chường hơn. “Trong mọi lúc, tôi đều tự tạo cho mình niềm vui, để có được sự hứng thú với cuộc sống. Chẳng hạn như lên Facebook viết status chọc cười. Tôi nghĩ nên có một tí hài hước cho cuộc đời nhẹ nhàng”, anh Giang nói.

3.jpg
Trần Hồng Giang và Lê Dương Thể Hạnh cùng độc giả hâm mộ 

Còn Lê Dương Thể Hạnh, rất thật lòng, không màu mè, chị bảo chị thấy cuộc đời rất đẹp và chị mãn nguyện với cuộc sống hiện tại của mình. Chị nói, dù mắt chị bị mù nhưng chị còn có trái tim, có tâm hồn và chị đã viết cuốn sách Có một mặt trời không bao giờ tắt như một sự chia sẻ, một lời cảm ơn tới tất cả những người đã yêu thương chị. “Cuộc sống không bao giờ có ngõ cụt, bởi luôn có mặt trời của niềm tin, hy vọng và yêu thương”, Thể Hạnh nói.

Có thể nói, với những con người như Trần Hồng Giang, Lê Dương Thể Hạnh, Nguyễn Bích Lan, Đỗ Trọng Khơi…, chữ nghĩa đã vực họ dậy, đưa họ đi muôn nơi, giúp họ truyền cảm hứng cho bản thân họ, cho gia đình họ và cho rất nhiều người còn đầy nỗi khổ đau và hoài nghi đối với cuộc đời.

Ngày ý chí là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội sách Mùa Thu 2016 do NXB Phụ nữ NXB Trẻ và NXB Kim Đồng tổ chức, diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) từ ngày 26 đến 30/10. Trong khuôn khổ hội sách, độc giả sẽ có cơ hội sở hữu những cuốn sách ưu đãi từ 15 đến 50% giá bìa và mua sách đồng giá từ 5.000 đồng. Cùng với đó là chuỗi sự kiện về sách và văn hóa đọc có sự góp mặt của các nhà văn, nhà phê bình như Phạm Xuân Nguyên, Lê Minh Khuê, Lê Phương Liên…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm