Hoàng Thành Nam, học sinh một trường tiểu học ở Mai Dịch (Hà Nội), kể lại, cách đây mấy hôm, em "đã suýt “phun” hết bữa sáng vì bạn nào đó đã "đi nặng" ngay trước cửa nhà vệ sinh ở trường. “Nhiều bạn đi tiểu không đúng chỗ đã hôi lắm rồi, giờ còn cả "đi nặng” nữa, con nhịn đi vệ sinh luôn cả ngày cho lành!” – cậu học trò hồn nhiên chia sẻ.
Trong khi đó, chị Hoàng Thiệu Anh có con học ở một trường tiểu học khu vực Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, con gái chị lâu nay chịu cảnh nhà vệ sinh bốc mùi xú uế mà đêm về... tè dầm ra giường. Cháu chưa bao giờ tè dầm cả, tôi hỏi tại sao lại thế, cháu trả lời: Con nằm mơ được đi nhà vệ sinh ở khách sạn 5 sao thơm lừng, đang ngồi học thấy sướng quá tụi con chen nhau chạy vào đi tè luôn!
Con gái chị Thiệu Anh thường xuyên nhịn tiểu bởi đi tiểu ở trường váy áo sẽ bị ướt nhẹp mùi nước tiểu. Giày bệt cũng dính nước tiểu ngay trên sàn nhà do các bạn nữ khác cứ hồn nhiêu tụt váy tè luôn giữa sàn.
Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội), cho biết, công việc đầu tiên phải làm trước khi vào năm học mới với trường là cải tạo nhà vệ sinh. Với thiết kế cũ, còn nhiều hạn chế, tình trạng ngấm nước, tắc, vòi hỏng, thiết bị xuống cấp… thường xuyên xảy ra nên năm nào nhà trường cũng phải chi một khoản không nhỏ cho việc sửa chữa khu vệ sinh.
Dù đã có máng tiểu nhưng nhiều học sinh vẫn tè bậy giữa sàn nhà. Ảnh: D.H. |
Theo bà Yến, làm sao để học sinh không sợ vào nhà vệ sinh ở trường học không phải là chuyện dễ. Ngoài việc thuê lao công trực ở khu vệ sinh liên tục vào các giờ cao điểm để dội, rửa kịp thời thì việc giáo dục ý thức học sinh khi sử dụng nhà vệ sinh cũng cần được các trường chú trọng.
“Nhà vệ sinh bẩn đã đành, học sinh vẫn thiếu ý thức giữ vệ sinh chung. Các thầy cô phải thường xuyên nhắc nhở trong các giờ sinh hoạt, học ngoại khóa, chính khóa. Một trong những thói quen mà trường tôi vẫn duy trì thường xuyên vào giờ ra chơi là đánh trống điểm, nhắc nhở các con dành vài giây nhìn xung quanh nơi mình đứng nếu có giấy, rác thì nhặt bỏ vào thùng rác. Điều này sẽ trở thành thói quen tốt cho học sinh và chia sẻ, giảm tải công việc cho các bác lao công” - bà Yến nói.
Thực tế, có không ít học sinh ý thức rất kém trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Nguyên nhân do thói lười biếng, lối sống ích kỷ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Các em nghĩ rằng, những nơi công cộng như trường học, lớp học không phải nhà mình, vậy thì việc gì mà phải mất công giữ gìn, đã có đội lao công dọn dẹp. Đó là cách suy nghĩ ấu trĩ, thiển cận và nguy hại. Bởi trẻ sẽ mang theo những hành vi xấu này vào cuộc sống hàng ngày khi đã trưởng thành mà không hề tự ý thức được làm vậy là ảnh hưởng đến môi trường chung.
Trong lúc cơ sở vật chất, nhân lực ở các trường chưa đủ mạnh để đáp ứng việc nhà vệ sinh lúc nào cũng sạch bong, sáng bóng thì việc quan trọng là bố mẹ phải tạo cho con có thói quen giữ gìn cuộc sống xanh sạch đẹp ngay tại gia đình. Ví dụ, có thể phân công các con lịch trực nhật, cọ rửa nhà vệ sinh... Có thể đặt ra những cuộc thi nhỏ để các con thi xem ai giữ phòng sạch, đẹp trong 1 tuần và có thưởng cho ai về nhất.
Bố mẹ cũng phải là tấm gương cho con cái khi chủ động dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, khi tới những nơi công cộng phải có ý thức xả nước, vứt rác đúng nơi quy định… Khi có ý thức, thì dù ở đâu trẻ cũng sẽ biết giữ gìn vệ sinh chung.