pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhạc sĩ Dương Thụ “tay đôi” với nhà văn Uông Triều về Hà Nội

Nhạc sĩ Dương Thụ, nhà văn Uông Triều và nhà sáng lập Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình vừa có cuộc đàm đạo với nhau trong talkshow Hà Nội, Sách & Cafe - Những chuyện xưa chưa cũ. Tọa đàm là nơi giao lưu và trao đổi những câu chuyện, góc nhìn và tình yêu với Hà thành của những con người đến từ nhiều thế hệ.
Đó là những chia sẻ chân thành đến từ một nhà văn, người không sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng lại trót yêu mảnh đất thủ đô - tác giả Uông Triều, chủ nhân của 2 tựa sách đặc sắc về Hà Nội: Hà Nội Quán xá phố phường và Hà Nội, Dấu xưa phố cũ. Cùng với đó là cảm nhận đa chiều của hai người con sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng thuộc hai thế hệ khác nhau: nhạc sĩ Dương Thụ và anh Nguyễn Cảnh Bình.

"Hà Nội, Dấu xưa phố cũ"của nhà văn Uông Triều là một trong những cuốn sách về Hà Nội được độc giả quan tâm
Nhà văn Uông Triều quê ở Quảng Ninh, tình yêu dành cho Hà Nội của anh theo anh tự nhận là "tình yêu của dân tỉnh ngoài" với đôi chút ngỡ ngàng, lạ lẫm lúc thì thích thú, khi thì bực tức nóng giận vì cái sự ồn ào, ngột ngạt và bảo thủ của nó. Uông Triều chia sẻ, chính vì anh không phải là người Hà Nội gốc nên anh không bị áp lực bởi người đi trước nhìn vào. Anh bày tỏ:
"Ngay như trong ẩm thực thôi, bạn bè Hà Nội của tôi thường trung thành với quán quen, ít khi ăn quán khác. Tôi thì không. Tôi nghĩ phải thay đổi, dịch chuyển thì Hà Nội mới phát triển được. Tôi nhìn Hà Nội với góc tích cực hơn của người trẻ. Và bây giờ có nhiều bạn trẻ hiện đại hơn, nhìn mới hơn tôi.
Trong văn chương cũng vậy, tôi viết theo cách mới của tôi, chứ không vì những người đi trước Thạch Lam, Nguyễn Tuân đã viết rồi mà mình không viết nữa. Chúng ta không thể mãi ăn mày dĩ vãng. Thực ra không phải đến bây giờ chúng ta mới than phiền, nuối tiếc về một Hà Nội xưa cũ. Thạch Lam, Vũ Bằng ngày xưa cũng đã than phiền, nuối tiếc không khí của ngày xưa. Những giá trị đó yêu thật, quý thật, nhưng cứ khư khư cái cũ thì chúng ta không thể phát triển".
Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng cách nhìn của ông về Hà Nội rất khác với Uông Triều. "Anh Uông Triều có nhiều nhận xét về Hà Nội, và anh có tìm hiểu về Hà Nội. Vì người ngoại tỉnh muốn biết về Hà Nội thì phải tìm hiểu. Còn tôi, tôi chỉ nói về những gì tôi sống, tôi chẳng tìm hiểu gì cả, cứ thế viết. Như trong cuốn Cà phê… mưa của tôi, tôi kể lại những chuyện mà tôi vẫn nói khi đi uống cà phê với các bạn tôi như Dương Tường, Phạm Toàn… Nó không có nhận xét, không có bình luận, mà nó là cái mình sống.
Tôi khác anh Uông Triều nhiều lắm. Đọc anh viết, tôi nghĩ đến tranh biếm họa mà sắp tới tôi thực hiện về con người trong kỷ nguyên mới. Đó là hình ảnh năm 2000 có cậu bé thả diều, nhưng nay cậu bé thả flycam. Thả diều là nhìn lên trời, tâm hồn bay bổng; còn flycam là nhìn xuống đất, muốn nghiên cứu nơi mình sống".
Nhạc sĩ Dương Thụ cũng thừa nhận, người Hà Nội xưa có nhiều cái không hay, chẳng hạn như thói khoe khoang, coi thường người khác… Nhưng Hà Nội là thủ đô, là nơi tập trung tinh hoa từ giọng nói, cách hành xử, cách ăn uống, cách giao tiếp, vẻ đẹp của phố xá…

Nhà văn Uông Triều, nhạc sĩ Dương Thụ và anh Nguyễn Cảnh Bình trong talkshow "Hà Nội, Sách & Cafe - Những chuyện xưa chưa cũ"
Nếu như nhạc sĩ Dương Thụ và nhà văn Uông Triều đều mang những cảm xúc riêng về Hà Nội và từng viết sách về Hà Nội thì anh Nguyễn Cảnh Bình lại chia sẻ những tâm huyết của mình về việc lập tủ sách Hà Nội. Là người đã đi nhiều nước trên thế giới, anh Cảnh Bình rất ấn tượng với những cuốn History về Paris, London… và mong muốn Hà Nội cũng có những đầu sách đa dạng, phong phú như thế. Ngoài ra, một giải thưởng sách về Hà Nội cũng là điều mà người đại diện cho Alpha Books hướng tới.
Talkshow Hà Nội, Sách & Cafe - Những chuyện xưa chưa cũ là chương trình khởi động chuỗi sự kiện hàng tháng giữa Alpha Books và Cà phê Thứ Bảy Hà Nội. Theo đó, vào chủ nhật đầu tiên mỗi tháng, tại không gian Cà phê Thứ Bảy Hà Nội (45-47 Trần Xuân Soạn) sẽ diễn ra các cuộc trò chuyện văn hóa với sự tham gia của các diễn giả tên tuổi. Chuỗi hoạt động nhằm lưu giữ và lan truyền những giá trị nghệ thuật và văn hóa, đặc biệt là lan tỏa văn hóa đọc sách đến với độc giả.
"Nhiều chục năm qua các sinh hoạt văn hóa như thế này ở Hà Nội bị đứt gãy, nhỏ lẻ. Chúng tôi muốn hình thành một địa chỉ định kỳ, thường xuyên chứ không chỉ là rời rạc để những người cùng chí hướng có thể gặp gỡ, trao đổi với nhau", anh Nguyễn Cảnh Bình cho biết.