Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Một phím ngà tử tế

14/04/2016 - 16:19
Chỉ cần ngồi trước bàn phím, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đều quên hết mọi điều xung quanh. Ông chơi đàn cho mình hưởng thụ trước rồi mới tới người thưởng lãm. Cả cuộc đời Nguyễn Ánh 9 là một nốt nhạc tử tế, không thể nào khác được!
Bị đuổi ra khỏi nhà vì mê nhạc

Cái nắng cuối ngày hắt vào sảnh của khách sạn Sofitel Sài Gòn màu vàng đậm. Chiếc đàn piano để sẵn ở vị trí trang trọng, chờ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tới lướt phím. Giọng của ông trầm ấm, khuôn mặt hiền lành, cử chỉ điềm đạm. Người nhạc sĩ nổi tiếng ngồi khuấy ly cà phê sữa nóng, tác phong của ông toát ra sự văn minh có từ trong tiềm thức.

 

Nguyễn Ánh 9 sinh ngày 1/1/1940 tại Phan Rang với tên thật là Nguyễn Đình Ánh. Ông là con trai út của một gia đình rất nề nếp và khá giả. Sau khi chào đời chỉ được vài tháng, cả gia đình Đình Ánh chuyển vào sinh sống tại Nha Trang, rồi sau đó là Sài Gòn. Với mong muốn con trai được tiếp thụ nền giáo dục chuẩn, Ánh được gia đình gửi học nội trú tại Đà Lạt từ lúc mới 7 tuổi. Năm 1951, Đình Ánh trở xuống Sài Gòn, theo học tại trường dòng Lasan Taberd (nay là Trường chuyên Trần Đại Nghĩa). Cũng trong thời gian này, Ánh đi học nhạc lý và tập tành chơi măng-đô-lin.

Gần nhà Ánh khi đó có người anh tên Bùi Quang Linh. Anh học tại Trường Quốc gia âm nhạc nên cứ tối tối là đi chơi piano tại các phòng trà. Nhìn thấy cây đàn piano của Linh thì Ánh mê tít. Ông bố thấy con trai đang học rất giỏi mà lại chuyển hướng sang âm nhạc, gọi là “xướng ca vô loài” thì vô cùng rầu lòng. Khuyên nhủ con không được, ông bèn đưa Ánh lên học tiếp tại Đà Lạt, hy vọng con trai sẽ quên niềm đam mê này chóng vánh. Nhưng chẳng ngờ, trong trường học của Ánh lại có một cây piano. Những ngày nghỉ, Đình Ánh lại chạy vô đàn tưng tửng chơi.

Một ngày đẹp trời, Ánh gặp lại nhạc sĩ Hoàng Nguyên, người quen cũ dưới Sài Gòn, khi đó đang là Biên tập viên chương trình thiếu nhi, Đài phát thanh Đà Lạt. Hoàng Nguyên khi đó đã là tác giả được dư luận chú ý bởi bài hát Ai lên xứ hoa đào. Mỗi lần gặp Hoàng Nguyên thì Đình Ánh đều nói “em mê viết nhạc, chơi nhạc lắm, nhưng chẳng biết khi nào mới được như anh”. Nghe vậy, Hoàng Nguyên đều cười và động viên cậu em: “Nếu em kiên trì theo đuổi đam mê của mình, thì em cũng sẽ thành công thôi”.

Đình Ánh khởi nghiệp âm nhạc bằng việc hát ca khúc Đồng hồ của Trần Văn Trạch tại buổi lễ liên hoan trong trường. Ca khúc ấy đã mang về cho Ánh giải nhất khiến tất cả học sinh đồng môn, đồng khoá đều gọi cậu là Ánh đồng hồ. Đến giờ, khi nghe ai nói biệt danh này, là nhạc sĩ biết ngay đó là bạn học cũ. Trong gia đình thì thường kêu “Ánh”, còn những ai gọi tên “9”, nghĩa là người quen ngoài xã hội. Phân biệt vô cùng dễ dàng.

18 tuổi, Nguyễn Đình Ánh trở lại Sài Gòn. Khi đó Bùi Quang Linh vừa nghỉ chơi đàn ở phòng trà nên ban nhạc đang thiếu người. Linh giới thiệu Ánh thế chân, chẳng ngờ Ánh lại chơi tốt quá. Người cha tiếp tục can ngăn nhưng không được. Ông rất giận con trai, bèn đưa 2 điều kiện: “Hoặc tiếp tục học lên cao nữa, hoặc ra khỏi nhà tự lo lấy thân”. Ánh đã chọn cách thứ hai để theo đuổi đam mê của mình.

Phong lưu và khốn cùng

 

Những năm 1961-1975 là thời kỳ Nguyễn Đình Ánh, sau này có nghệ danh là Nguyễn Ánh 9, được thoả sức sống trong môi trường âm nhạc. Ông chơi đàn tại phòng trà Anh Vũ, nơi có các ca sĩ nổi danh thời đó như Thanh Thuý, Thái Thanh, Lệ Thu, Bạch Yến, Khánh Ly. Cũng tại phòng trà này, Nguyễn Đình Ánh gặp Trịnh Công Sơn, và là người tập cho Thanh Thuý ca bài Ướt mi, được Trịnh nhạc sĩ viết riêng cho Thanh Thuý. Tiếp theo đó, Đình Ánh đi chơi nhạc phiêu bạt khắp các phòng trà tại Huế, Đà Nẵng, rồi quay trở lại phòng trà Anh Vũ vào năm 1962.

Thời gian này, ông gặp được bà xã của mình, vũ công Nguyễn Thị Ngọc Hân. “Khi ấy, cô Ngọc Hân rất đẹp và dễ thương, lại là vũ công nhảy giỏi bộ môn thiết hài nên chú vô cùng hâm mộ”, tác giả của Buồn ơi chào mi nhớ lại. Có được người phụ nữ của đời mình, Đình Ánh trở về nhà, xin ba mẹ đứng ra làm đám cưới. (Nguyễn Đình Ánh và Ngọc Hân có với nhau được 2 người con trai, hiện đều là nhạc sĩ: Nguyễn Quang và Nguyễn Đình Quang Anh). “Về xin cha mẹ tổ chức đám cưới bởi chú muốn mọi người hiểu rằng, nghệ sĩ không phải là người xấu. 48 năm qua, chú chỉ chung tình với một người phụ nữ”, nhạc sĩ có lần chia sẻ.

Năm 1964, vận may đến với Đình Ánh khi ông được tham gia vào ban nhạc Phillippines chơi trong các vũ trường nổi tiếng của Sài Gòn. Chỉ trong một thời gian ngắn được luyện tay nghề bởi nhóm nhạc chuyên nghiệp, Đình Ánh cảm thấy tự tin vô cùng. Ông ngày càng đắt show diễn khắp miền Nam.

Vào ngày 15/8/1970, nhận được lời mời lưu diễn tại Nhật Bản cùng Khánh Ly, Nguyễn Đình Ánh lần đầu tiên xuất ngoại. Ông đệm cho Khánh Ly hát Diễm xưa của Trịnh, mà không phải bằng cây đàn piano. Bởi với người Nhật, nhạc của Trịnh Công Sơn mang chất du ca, do vậy cần được thể hiện dưới nền của tiếng guitar. Bữa ấy trở về khách sạn, lúc chờ thang máy lên lầu, Khánh Ly hỏi thăm chuyện tình xưa cũ của Đình Ánh do 2 bên gia đình sắp đặt trước đây nhưng không thành: “Anh có còn yêu cô ấy nữa không?”. Sẵn đang ôm đàn, Ánh rải hợp âm: “Không, không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa!”. Vài ngày sau, Ánh đòi bay về Việt Nam gấp có chuyện. Khánh Ly nài nỉ ở lại bên Nhật chơi thêm nhưng không được, đành thu xếp cho Ánh về Sài Gòn. Mãi sau này, biết lý do Ánh về là bởi muốn có mặt trong đêm sinh nhật vợ, thì Khánh Ly bái phục: “Chắc chỉ có mình anh là người đàn ông duy nhất trên đời mà năm nào cũng bên vợ đúng vào sinh nhật!”.

Trở về Sài Gòn ít bữa, Khánh Ly phải tham gia đại nhạc hội nên cô rất cần có bài hát phù hợp. Cô gọi Đình Ánh soạn thêm lời cho bài “không yêu em nữa”, để giúp cô có bài hát thể hiện. Rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút, Đình Ánh đã viết xong bài đầu tay. Khi đó, ông mới nghĩ tới nghệ danh. Nguyễn Đình Ánh thì quá dài, Nguyễn Ánh thì trùng tên với vua. Nghĩ tới nghĩ lui, ông thấy tên Nguyễn Ánh có 9 âm tiết, mùng 9/1 là kỷ niệm ngày cưới và con số 9 theo thuyết phương Đông là con số may mắn. Vậy nên ông quyết định chọn tên Nguyễn Ánh 9 để ra mắt lần đầu cùng tác phẩm: Không. Khi giới thiệu tên nhạc phẩm, khán giả ai cũng cười, và họ cũng ghi nhớ từ đó người nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tài danh.

 Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và vợ, vũ công Ngọc Hân tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới

Sự kiện 30/4/1975 đã kéo theo nhiều thay đổi. Không còn phòng trà, không còn vũ trường, Nguyễn Ánh 9 hết đất diễn. Thời tem phiếu, 2 con trai lại còn quá nhỏ, cuộc sống khó khăn tới mức đau mắt mà cũng không thể kiếm đâu ra thuốc nhỏ mắt, Nguyễn Ánh 9 bèn tham gia đội văn nghệ của Bến xe miền Tây. Nhưng việc trình diễn văn nghệ quần chúng thì không thường xuyên, do vậy ban ngày ông làm công việc kiểm soát vé, vợ ông, vũ công Ngọc Hân trở thành người bán vé. Từ quận 1, cứ mỗi ngày đều đặn, 3h sáng là cặp vợ chồng này lại trở dậy để ra xe bus đi chuyến đầu tiên tới làm ở Bến xe miền Tây, cách trung tâm Sài Gòn chừng 15 km. Họ không được phép đi trễ hơn, bởi trễ chuyến xe bus cũng đồng nghĩa với trễ làm. Những ngày đầu tiên, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và vợ cùng đi nhổ cỏ, dọn dẹp vệ sinh bến xe giống như bao người khác. Để thành lập ban nhạc phục vụ văn nghệ quần chúng, Nguyễn Ánh 9 rủ thêm nhạc sĩ Lê Hựu Hà cùng tay trống, tay bass. Trong thời gian này, ông sáng tác những bài ca ngợi nghề nghiệp của mình như: Niềm vui bên bến xe; Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi; Hành khúc công nhân bến xe miền Tây.

Một cuộc đời quá khác khó có thể bình luận đã ập tới với Nguyễn Ánh 9, tác giả của các ca khúc tuyệt vời trước giải phóng: Đêm nay ai đưa em về, Buồn ơi chào mi, Tình yêu đến trong giã từ, Không, Một lời cuối cho em… Nhưng không vì thế mà ông nản lòng, từ bỏ.

 Vợ chồng Nguyễn Ánh 9 nghẹn ngào ôm hôn nhau tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới

Dù cho con tạo xoay vần qua nhiều biến chuyển thời thế, nhưng cuối cùng, Nguyễn Ánh 9 cũng đã được đền đáp xứng đáng. Nhiều chương trình vinh danh con người và tác phẩm của ông đã diễn ra cả trong và ngoài nước. Nguyễn Ánh 9 nói, hãy trân trọng nghề của mình, để người khác đừng coi thường. Và ông thích đệm nhạc cho một người hát nghiệp dư bằng cả tâm hồn của mình, còn hơn đệm nhạc cho một ca sĩ nổi tiếng mà hát quá vô cảm. Tâm và Tình của Nguyễn Ánh 9 được gửi gắm toàn bộ trong những ý niệm này, ý niệm của một phím ngà tử tế. Dù cho đôi lúc phải buông tiếng thở dài bởi, “cuộc đời thay trắng đổi đen, cuộc đời còn lắm bon chen”…

Xin vĩnh biệt chú. Chú 9!

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm