Nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh viêm tụy cấp

19/01/2019 - 20:00
Tuyến tụy là một tuyến vừa nội tiết vừa ngoại tiết, nó nằm trong ổ bụng nhưng ở vị trí sau phúc mạc ngang với khoảng D1 – D3 của cột sống, tuyến tụy tầm 150g. Có 2 vai trò chính là tụy ngoại tiết và tụy nội tiết.
Thống kê của Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, cứ 10 ca viêm tụy cấp nhập viện có từ 1 - 2 ca diễn biến nặng, suy đa tạng với tỷ lệ tử vong cao. Điều nguy hiểm là triệu chứng ban đầu của bệnh này rất khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường ở đường tiêu hóa.
 
viem-tuy.jpg
Ngộ độc rượu mạn tính hoặc ngộ độc rượu cấp tính có thể gây nên tình trạng viêm tụy

Với vai trò ngoại tiết, tuyến tụy tiết ra một loạt các engine nhằm tiêu hóa protein, mỡ và một phần gluco. Tham gia vào các quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể. Trong vai trò nội tiết, tuyến tụy tiết ra một số hormone đặc biệt như insulin – đây là loại hormone giúp thăng bằng đường huyết ở trong máu để không bị tiểu đường.

 
Nếu bệnh nhân bị suy tuyến tụy nội tiết này có thể gây nên các bệnh lý của tiểu đường. Hoặc thậm chí có một số trường hợp, tuyến tụy tăng cường hoạt động làm tiết ra nhiều insulin hoặc tiết ra một số hormone khác như glucagon thì làm rối loạn đường huyết. Tùy theo loại tổn thương sẽ gây hạ hoặc tăng đường huyết.
 
Dấu hiệu của viêm tuyến tụy
 
Theo TS.BS Dương Trọng Hiền – Phó Trưởng khoa cấp cứu tiêu hóa, bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh lý của tuyến tụy vô cùng phức tạp. Tuyến tụy lại nằm ở vị trí rất sau trong ổ bụng nên các triệu chứng lâm sàng thường tương đối là khó có biểu hiện điển hình dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
 
Thông thường sẽ có 2 loại viêm tụy:
 
- Viêm tụy cấp tính
 
- Viêm tụy mạn tính với các biểu hiện suy tụy ngoại tiết hoặc nội tiết và các bệnh lý gây ra như đau, rối loạn tiêu hóa.
 
Đây là bệnh mang tính chất vừa phối hợp của cả 3 chuyên ngành gồm: nội tiêu hóa, ngoại tiêu hóa, hồi sức. Vì có thể bệnh sẽ diễn biến từ nhẹ tới rất nặng.
 
Dấu hiệu của đau viêm tụy cấp thông thường sau một bữa ăn thịnh soạn, bệnh nhân đau một cách dữ dội – đây là cơn đau điển hình của bệnh viêm tụy cấp. Tuy nhiên còn tùy thuộc và nguyên nhân và tình trạng của cơ thể với mức độ phản ứng có thể khác nhau. Cơn đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên. Bệnh nhân cũng có biểu hiện nôn và buồn nôn, thường xảy ra sau đau.
 
Các bước điều trị viêm tụy cấp
 
- Thăm khám lâm sàng: Bụng chướng nhẹ, phản ứng thành bụng, không có co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột, gõ đục vùng thấp (dịch tự do ổ bụng), các dấu hiệu của nguyên nhân như tắc mật… Việc điều trị ban đầu vẫn là nội khoa bằng thuốc và truyền dịch.
 
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp phim bụng không chuẩn bị, siêu âm ổ bụng, đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính khi chụp không chuẩn bị hay siêu âm ổ bụng bị hạn chế do bụng quá trướng, thành bụng dày, phương pháp này sẽ cho thấy hình ảnh chi tiết trong viêm tụy, mức độ viêm để bác sĩ có thể chỉ định xử trí. Các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ của viêm tụy cấp để có phác đồ điều trị thích hợp. Mức độ của bệnh được chia theo nhiều thang điểm, càng nặng, càng nhiều yếu tố, tình trạng càng nặng và tiên lượng càng xấu. 
 
- Điều trị hồi sức tích cực:
 
 Hồi sức tuần hoàn: Thông thường trong 24 giờ đầu người bệnh cần bù từ 4-6 lít dịch muối đẳng trương. Với người bệnh có biến chứng đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm để truyền dịch, đưa thuốc, nuôi dưỡng.
 
Hồi sức hô hấp: Với các biện pháp bao gồm thở oxy kính mũi, oxy mặt nạ, thở máy không xâm nhập, thở máy xâm nhập đặc biệt…
 
Hồi sức chống đau: Dùng các thuốc tiêm tĩnh mạch giảm đau.
 
Dùng kháng sinh, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch...
 
Ngoài biện pháp điều trị nội khoa trên, khi bệnh nhân diễn biến nặng, các bác sĩ phải chỉ định các biện pháp cao hơn, gồm lọc máu và phẫu thuật. Lọc máu được sử dụng đối với người bệnh viêm tụy cấp nặng đến sớm trong vòng 72 giờ đầu hoặc có suy đa tạng ở người bệnh đến muộn. 
 
Còn phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp chảy máu cấp trong ổ bụng do viêm tụy cấp hoại tử ăn mòn vào mạch máu gây mất máu trong ổ bụng cấp nhiều hoặc khi bị áp xe tụy cũng cần phải mổ để dẫn lưu. 
 
Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, viêm tụy cấp có thể diễn biến thành hoại tử tụy, thường hoại tử tụy ít khi khu trú mà lan rộng do hiện tượng tự tiêu của tuyến tụy dưới tác động của các men tiêu protein và lipid được hoạt tác ngay trong lòng tuyến tụy.
 
Tiếp theo đó sẽ dẫn đến chảy máu tụy, thậm chí gây hoại tử tụy các tạng xung quanh như hoại tử mạch mạc treo gây chảy máu trong ổ bụng, gây thủng tá tràng, đại tràng... nếu muộn hơn sẽ biến chứng thành áp xe tụy. Bệnh nhân tử vong do chảy máu, sốc nhiễm khuẩn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm