Chọn thịt an toàn để đảm bảo sức khỏe
Để phân biệt thịt lợn được nuôi bằng chất tạo nạc, người tiêu dùng cần chú ý: Lợn được nuôi bằng hóa chất tạo nạc có lớp da rất mỏng, lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 đến 2cm). Chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ thường tách rời rõ rệt, đồng thời có thể có dịch vàng rỉ ra.
Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.
Để chọn được các loại thịt an toàn, người tiêu dùng nên lựa thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Lớp mỡ phải có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
Kết quả giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản 9 tháng đầu năm của Cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, có tới 16% mẫu thịt phát hiện chứa chất tạo nạc Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.
Cũng theo các chuyên gia dinh dưỡng, những người ăn thịt tồn dư chất tạo nạc có thể gặp các triệu chứng như: Nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhức đầu, run cơ, rối loạn tiêu hóa... Nếu ăn phải thịt lợn có tồn dư chất cấm thì về lâu dài có thể gây ung thư, ngộ độc cấp, thậm chí gây tử vong nếu trong thịt có nồng độ chất này cao.