Bên trong nhà hát Bataclan, nơi có số người chết cao nhất tính tới thời điểm hiện tại, khi ban nhạc Eagles of Death Metal trên sân khấu đang giới thiệu album thứ 4 thì ở phía dưới các khán giả bắt đầu nhận thấy có điều bất thường.
"Tôi nhìn xung quanh và thấy một tên trong số những kẻ tấn công. Hắn còn rất trẻ, chỉ khoảng 20 tuổi và có để râu", Julien Pearce, phóng viên từ kênh Europe 1 có mặt tại buổi diễn, cho hay.
"Ban đầu chúng tôi tưởng đó là một phần của chương trình, pháo hoa hay thứ gì đó. Nhưng khi quay người lại và thấy hắn lăm lăm khẩu súng trường trên tay thì tôi biết đây không phải là chuyện đùa nữa rồi", Pearce nói thêm.
Cảnh sát Pháp hỗ trợ nạn nhân gần nhà hát Bataclan. Ảnh: Reuters
Bên ngoài, tình trạng cũng rất hỗn loạn. Có nhân chứng còn nhìn thấy một kẻ khả nghi vừa chạy xe vừa hét lớn "Chiến tranh đã bùng nổ".
Các nguồn tin cảnh sát cho hay, những kẻ tấn công đã dùng súng máy xả đạn vào các quán cà phê bên ngoài nhà hát, sau đó tiến vào bên trong và hét lớn yêu cầu mọi người ngồi im. Những người bỏ chạy hoặc mở điện thoại ra đều bị bắn chết, sau đó chúng tiếp tục nổ súng bắn gục nhiều người nữa.
Trong một diễn biến liên quan, vụ xả súng tại Le Petit Cambodge, nhà hàng phục vụ ẩm thực châu Á như Campuchia, Lào, Việt Nam, khiến khoảng 14 người chết.
Suzan Yucel, nhà báo Hà Lan đến thăm Paris, và Agathe Moreaux, sinh viên ở Paris, đã định vào nhà hàng Le Petit Cambodge để ăn tối. Lúc vụ xả súng diễn ra, họ đang đứng chờ nhân viên xếp bàn cho họ ở quán bar gần đó.
"Chúng tôi đang uống bia ở bên ngoài thì đột nhiên nghe thấy tiếng động như tiếng pháo hoa hoặc tiếng súng, vì vậy tất cả chúng tôi chạy sang phía bên kia đường. Sau đó, vụ nổ súng dừng lại một lúc rồi lại bắt đầu tiếp", cô nói. "Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Mọi người đều chạy và ném đồ uống đi. Chỉ biết chạy mà thôi".
Người bị thương được sơ tán ra ngoài. Ảnh: Yoan Valat
Ban đầu, khi nghe thấy tiếng súng, các nhân chứng tưởng rằng đó là tiếng pháo hoa.
Sylvestre, một thanh niên da màu may mắn thoát chết trong vụ đánh bom khủng bố ở sân vận động Stade de France, Pháp, nhờ dùng điện thoại di động để đỡ đạn.
Anh kể: "Chính chiếc điện thoại đã cứu tôi. Nó hứng trọn một mảnh bom, nếu không đầu tôi không còn nguyên vẹn".
Anh cho biết thêm anh bị hai mảnh bom văng trúng người. "Một mảnh đâm vào chân, mảnh còn lại văng vào bụng tôi. May mắn là mảnh bom thứ hai không gây nguy hiểm bởi có lớp áo dày".
Hiện cảnh sát Pháp đang mở chiến dịch truy lùng những kẻ khủng bố chạy trốn. Các nhân chứng cho biết, những kẻ khủng bố đều mặc đồ có tông màu đen.
Trên mạng, người dân Paris đã dùng hashtag (gắn nhãn bắt đầu bằng ký tự #) PorteOuverte (Cửa mở đấy) để cung cấp chỗ nghỉ chân cho hàng nghìn du khách và dân thường đang mắc kẹt trong thành phố sau vụ khủng bố tối 13/11.
Các du khách trên thế giới đã gọi hành động của người dân Paris lúc này là "tình người trong cơn hoạn nạn".
Việc Pháp tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố được cho là một phần nguyên nhân khiến nước này rơi vào tầm ngắm của các phần tử cực đoan.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua thông báo đóng cửa biên giới. Được biết, mùa hè vừa qua, số người di cư từ Iraq và Syria sang Pháp đã tăng đột biến. Chuyên gia chống khủng bố nhận định đây chính là cơ hội tốt để thành viên IS hay những kẻ cảm tình với tổ chức này xâm nhập vào các nước châu Âu để tiến hành các cuộc khủng bố. Và loạt vụ tấn công ở Paris là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.
Bên cạnh đó, theo John R. Bowen, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Washington, một lý do nữa khiến Pháp thường xuyên trở thành mục tiêu của các phần tử cực đoan Hồi giáo là bởi nước này có mối liên kết chặt chẽ và lâu bền với cộng đồng Hồi giáo hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào.
Giới quan sát cho rằng việc Pháp tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố cũng là một phần nguyên nhân khiến nước này nằm trong tầm ngắm của các phần tử cực đoan. Pháp từng góp mặt trong Lực lượng Hỗ trợ an ninh Quốc tế (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lãnh đạo, thực hiện sứ mệnh bảo vệ an ninh tại Afghanistan chống lại Taliban và al-Qaeda. Paris cũng tiến hành nhiều hoạt động tình báo ở Somali hay triển khai không kích IS ở Iraq.
Hiện chưa rõ tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, và cảnh sát Pháp cũng mới chỉ kết thúc chiến dịch giải cứu con tin ở nhà hát Bataclan, vậy nên việc đưa ra kết luận về thủ phạm và động cơ khủng bố là vẫn còn quá sớm.