pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhẫn nại hy sinh, suốt đời thầm lặng
Ảnh minh họa
1.
Hơn 20 năm trước, tôi đọc truyện ngắn "Làng xa" của nhà văn Đỗ Văn Nhâm, hết dòng chữ cuối cùng, lòng chợt chùng xuống, oải ra, rồi ám ảnh đến rợn người. Câu chuyện về cái làng xa có ông Cốc bưu tá xã, là thương binh từ hồi chống Pháp. Ông thường đeo cái xà cột lệch vai, đôi chân giả khập khễnh trên đường làng. Trong cái mớ thư báo, giấy mời, giấy báo… hổ lốn ấy, có hai loại giấy tờ là giấy gọi nhập ngũ và giấy báo tử. Giấy báo tử thì… hãi hùng và buồn khủng khiếp lắm. Cho nên, người làng mà nhìn thấy ông bưu tá bước đi cậm cạch rẽ vào ngõ nhà nào có chồng con đang ở mặt trận là cứ giật mình thon thót.
2.
Tôi đi bộ đội một mạch 5 năm liền mới được từ chiến trường K về nước, đi phép. Đêm đầu tiên trở về, cả nhà rộn rã, sum vầy. Mẹ tôi lặng lẽ khóc, nước mắt của thương nhớ và mừng vui. Bố tôi bảo: "Nhà mình bom đạn tránh người. Mừng thì mừng thật nhưng phải lặng lẽ ý tứ với hàng xóm có người ra trận không về". Bà Hiệp ở sau nhà tôi, chỉ cách một cái ao. Thuở để chỏm, tôi thường đi theo bờ ao vòng vèo sang nhà bà chơi với chú Báu, chú Đang. Nhà bà Hiệp tráng bánh đa, bà thường nhóm than củi quạt lửa nướng bánh đa vừng rồi mang đi chợ Bút bán. Chú Đang nhập ngũ hình như là tháng 8/1978, huấn luyện được vài tháng rồi vào biên giới Tây Nam đánh quân Pol Pot xâm lược. Đơn vị chú đánh tràn sang chiến trường K. Nghe đồn chú hy sinh ở tỉnh biên giới Pursat, Campuchia, xa lắc giáp Thái Lan vài tháng thì có giấy báo tử về. Mẹ tôi lưng còng, bà Hiệp cũng còng lưng. Cùng cảnh hai người già có con ở chiến trường K, hôm thì mẹ tôi sang, lúc thì bà Hiệp đến cho cái bánh đa vừng, kiếm cơ nói chuyện đêm mất ngủ vì nhớ con ngoài chiến trường. Ngày báo tử chú cả xóm tôi buồn. Bố tôi ngồi lặng lẽ uống rượu, nghĩ đến số phận của tôi cũng đang lang thang ở những cánh rừng Campuchia. Đêm đêm, bà Hiệp không ngủ, khóc thương chú Đang. Tiếng người mẹ khóc thương con trong khuy khoắt vọng qua cái ao vọng sang nhà tôi, khiến mẹ tôi cũng không ngủ, thầm thũi khóc theo.
3.
Sáng hôm sau, mẹ sai chị dâu cả và tôi đi chợ Bút. Bâng khuâng, dạo gót giầy vải nhà binh trên con đường đá khấp khểnh liên huyện và chợt dừng trước cửa nhà ông Thuyết. Không thấy cái lò rèn xưa cũ đâu! Cái lò rèn mà mỗi khi đi học qua, ngó vào thấy thằng con trai còi cọc kéo bễ, ông bố quai búa rèn những thanh sắt nung đỏ thành dao, liềm, cuốc, mai… ấy.
Bất chợt, một người đàn bà ôm vít lấy cổ tôi. Người đàn bà nhỏ thó khóc ời ời dưới chân cầu Bút: "Lúc đi thì có anh có em. Lúc về, sao anh không dẫn em nó cùng về? Sao anh không dẫn em nó cùng về…". Em nó… chính là cái thằng con trai kéo bễ thổi lửa lò rèn, tên nó là Thạch.
Chúng tôi cùng một làng, nhập ngũ cùng một ngày, vào cùng một đơn vị, tôi thì may mắn trở về, thằng Thạch thì không. Thạch hy sinh khi đi truy quét tàn quân Pol Pot. Bọn lính áo đen phục kích ở đầu cầu bên kia, chờ cho lính mình đi đến giữa cầu thì nổ súng. Những người đi đầu gục xuống luôn, Thạch bị thương còn kịp nhảy xuống sông. Bọn lính chĩa súng xuống sông bắn tiếp, cho tới khi chết, chìm hẳn. Lúc quân mình đến giải cứu thì đầu cầu phía bên kia đã không còn một mống lính áo đen. Về sau, lính mình gọi cái cầu ấy là cầu ông Khai. Ông Khai là đại đội trưởng của Thạch, ông và bốn người lính hy sinh trên mặt cầu này.
Chị em tôi sắm xong đầy thúng đồ, thì chợ cũng vãn. Trên đường về, chị dâu tôi bảo: "Chú ghé vào hàng bà Th thăm bà, tiện thể mua cút rượu hay mua cái gì cũng được. Không được ra tay không, đỡ cho người ta bán được hàng cũng là làm phúc cho mình". Thì ra là bà Th bị tật nguyền, có cái chân trái bị thọt từ thuở nhỏ. Không chiến tranh, bà cũng khó lấy chồng bởi khi đi thì bước thấp bước cao, người nghiêng lệch về một bên. Bà bán quán chè chén, rượu quốc lủi, kim chỉ, bánh kẹo… ở đầu làng và có người con trai độc nhất đi bộ đội. Tật nguyền, không chồng, có đứa con trai độc nhất mà nó trốn nhà tòng quân, rồi mới viết thư về, rồi hy sinh ở biên giới phía Bắc thì có người mẹ nào thương nhớ, đau đớn, xót xa nào bằng bà Th? Xóm làng thương, đỡ đần lúc trái gió trở trời, hoặc mỗi khi cần mua bán mấy thứ lặt vặt cứ bảo nhau đến mua cho quán bà đắt hàng.
4.
Thời đánh Mỹ, làng tôi trai tráng ra trận hết, ở nhà toàn ông già, bà lão, trẻ con với đàn bà. Tôi có người chị thứ ba dạy học ở xã bên. Chị thường sai tôi đem phong bì dán tem của chị gửi cho người yêu ở chiến trường, bỏ vào thùng thư gần cái lớp tôi học sơ tán. Lần một cái phong thư, lần bốn cái, có tuần ngày nào chị cũng nhờ tôi cầm đi gửi. Rồi bẵng đi một thời gian, tôi thấy mắt chị đỏ hoe, và đêm thầm thũi khóc trong buồng. Mẹ tôi bảo: người yêu chị đã hy sinh, giấy báo tử đã về làng. Người yêu đã báo tử nhưng chị vẫn tin anh còn sống, chị vẫn viết thư và vẫn nhờ tôi bỏ vào cái thùng thư gần lớp học. Chỉ đến khi mùa hè đỏ lửa 1972 kết thúc, bom Mỹ không đánh phá Hà Nội, Hải Phòng nữa, lớp học của tôi không sơ tán và lục tục trở về trường cũ, thì tôi mới hết nhiệm vụ mang những phong thư vô vọng ấy bỏ vào thùng thư. Nhưng, tôi biết chị vẫn viết, vẫn âm thầm gửi, gửi thư và chờ đợi, hy vọng.
Sau ngày thống nhất đất nước, anh người yêu của chị tôi vẫn không về nhưng có những phong thư chị gửi theo hộp thư đơn vị anh thì lại trở về với chị tôi. Lúc ấy, chị đã 30 tuổi. Làng đầy con gái, mà người ra trận thì chỉ lác đác trở về. Tạo hóa sinh ra một người đàn ông, thì cũng sinh ra một người đàn bà. Con trai nối bước nhau ra trận, chết bao nhiêu người thì con gái cũng thừa ra bấy nhiêu. Mỗi lần thấy bạn gái cùng lứa lấy chồng là chị tôi lại khóc. Khóc cho duyên phận mình bẽ bàng, hay chị khóc cho số phận bạn gái, tôi cũng không biết nữa? Chị M cùng tuổi chị tôi lấy anh C, chị tôi cũng khóc. Anh C bị thương mất một bên hàm, mặt nhăn nhúm, mặc cái áo Tô Châu đi bên cạnh chị M đội cái nón trắng, mặc áo phin nõn cũng trắng. Rồi thêm nhiều chị quá lứa nhỡ thì nữa lấy chồng, người may mắn hạnh phúc lấy anh thương binh cụt chân, người may ít lấy anh hỏng cả hai mắt. Rồi họ sinh con đẻ cái, trong nhà đầy ắp tiếng trẻ thơ, hạnh phúc không trọn vẹn nhưng cũng là đũa có đôi. Còn chị tôi, mà không chỉ chị tôi, nhiều người cùng lứa chị vẫn… một mình, thừa ra. "Chị đợi chờ quay mặt vào đêm/Hai mươi năm mong trời chóng tối/Hai mươi năm cơm phần để nguội/Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn/ Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi/Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô/Xóm làng thương không khoe con trước mặt" và "Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra/… Một mình một mâm cơm/Ngồi bên nào cũng lệch/Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền"… Thơ ông Hữu Thỉnh đấy. Người ra trận và người ở phía sau chả biết ai khổ hơn ai, mất mát hơn ai.
Mợ Đ tôi là vợ liệt sỹ. Sinh con gái được vài tháng thì mợ nhận được giấy báo tử chồng. Hôm làm lễ truy điệu ở hội trường, người ta úp cái thuyền nan chở lúa xuống phủ vải diềm bâu lên làm quan tài giả, trên phủ tiếp lá quốc kỳ lên trên. Trong khói hương nghi ngút, và nhạc Chiêu hồn tử sĩ se sẽ, ông xã đội trưởng thành kính, trang nghiêm đọc điếu văn. Không biết chồng mợ Đ chết trận ở đâu, chỉ thấy giấy báo tử viết: "Đã hy sinh anh dũng ở mặt trận phía Nam". Phía Nam tức là bên kia sông Bến Hải trở vào đến tận đất Mũi Cà Mau, là miền Nam đấy. Miền Nam thì mênh mông đất rộng sông dài núi cao rừng thẳm, chả biết đâu mà tìm, và biết đến lúc nào hòa bình mà đi tìm chồng. Vẫn còn đang tuổi xuân đằm thắm, mợ tôi ở vậy, nuôi con gái, và sống vò võ suốt những đêm dài thăm thẳm.
5.
Chiến tranh cò cưa, nhì nhằng mãi rồi cũng đến lúc phải kết thúc và hòa bình. Màu xanh an lành cũng đến lúc phủ tràn lên chiến trường xưa đầy máu xương, chiến hào nham nhở, lở loét, đầy bùng nhùng dây thép gai và vật nổ chiến tranh. Làng tôi thì quá nhiều đổi thay. Hai nghĩa địa ở đầu và cuối làng san sát mộ lăng xây to đẹp như thành phố của người dưới âm. Chiều vãn, tiếng chuông chùa An Thái vọng gần ngân xa. Làng tôi thanh bình quá. Có nhiều đám cưới, cô dâu chú rể mặc áo cưới đến bia khắc tên hơn 200 liệt sỹ anh hùng của làng đặt hoa, tưởng niệm và chụp ảnh. Người trẻ sinh sau chiến tranh, nhưng họ biết, không chỉ anh hùng liệt sỹ ghi danh bảng vàng bia đá, mà trong làng còn bà Hiệp, bà Thuyết, bà Th, bà Đ…, là những người mẹ, người vợ "nhẫn nại hy sinh, suốt đời thầm lặng". Họ cũng biết chiến tranh mất mát, hy sinh là cái giá của hòa bình hôm nay.