Nhân rộng mô hình giáo dục cha mẹ trong chăm sóc, phát triển trẻ tới 63 tỉnh, thành

06/12/2018 - 16:33
Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ nhân rộng mô hình giáo dục cha mẹ hiện có tới tất cả 63 tỉnh, thành phố gắn với nhiệm vụ công tác Hội; nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ theo hướng tập trung chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em…

Thông tin được bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam chia sẻ tại “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ” diễn ra sáng 6/12 tại Hà Nội. Tới dự có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; đại diện một số tỉnh triển khai mô hình giáo dục cha mẹ (Gia Lai, Bắc Ninh, Hà Nam, Lạng Sơn, Thái Nguyên…).

1.jpg
Các đại biểu tham dự "Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ" diễn ra sáng 6/12 tại Hà Nội

 

Tác động tích cực đến nhận thức cha mẹ

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình can thiệp hỗ trợ cha mẹ, gia đình thực hiện chăm sóc và phát triển trẻ em thông qua các chương trình/Đề án/dự án giáo dục cha mẹ nuôi dạy con tốt tại các cấp Hội. Các mô hình can thiệp của Hội chủ yếu là tác động qua các cha mẹ/người chăm sóc trẻ, cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi, dạy trẻ theo khoa học.

Từ năm 2013 đến nay, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ Hội LHPN các tỉnh/thành triển khai một số mô hình hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc phát triển trẻ em gắn với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc.

Các mô hình tiêu biểu là: Câu lạc bộ (CLB) xây dựng gia đình hạnh phúc, Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 8 tuổi, CLB cha mẹ nuôi dạy con tốt, mô hình Nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu công nghiệp khu chế xuất,… nhằm mục đích tăng cường phát huy vai trò quan trọng của cha mẹ và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc và phát triển trẻ em.

image002.jpg
Hoạt động của nhóm cha mẹ tại địa phương - Ảnh: Ban GĐXH

 

Trong đó, mô hình Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 8 tuổi là mô hình được Trung ương Hội hướng dẫn, hỗ trợ các cấp Hội triển khai một cách bài bản, được cung cấp tài liệu sinh hoạt đầy đủ theo các chủ đề giúp cha mẹ kích thích sự phát triển toàn diện ở trẻ thơ dựa vào các mốc phát triển từ 0 đến 8 tuổi.

Mô hình này được Hội LHPN Việt Nam phối hợp với tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai thí điểm tại 9 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên từ 2013-2015; Năm 2015, Hội phối hợp với Plan tiến hành đánh giá hiệu quả, tác động của mô hình làm cơ sở nhân rộng mô hình ra toàn quốc. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy những tác động tích cực ban đầu của mô hình đối với trẻ em và cha mẹ.

Năm 2017-2018, Trung ương Hội bắt đầu hướng dẫn triển khai nhân rộng mô hình Nhóm cha mẹ ra 35 tỉnh, thành trên toàn quốc. Đến hết năm 2018, đã có 259 Nhóm cha mẹ được nhân rộng và vận hành tại các tỉnh…

Các mô hình hỗ trợ cha mẹ chăm sóc phát triển trẻ thơ của Hội đã có những tác động tích cực đến nhận thức cha mẹ, cộng đồng, được địa phương đánh giá phù hợp với nhu cầu thiết thực của các gia đình trong vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện nay.

Theo bà Lưu Thị Thơi, đại diện nhóm cha mẹ xã Gia Cát (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), Hội LHPN xã Gia Cát lựa chọn chi hội phụ nữ thôn Pò Cại thành lập mô hình điểm “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ từ 0-8 tuổi”, với 25 cha mẹ tham gia.

“Bước đầu triển khai gặp nhiều khó khăn, do các cha mẹ chủ yếu làm nghề nông, thời gian dành cho các buổi sinh hoạt chủ yếu là buổi tối, một số cha mẹ chưa nhận thức được tầm quan trọng của sinh hoạt nhóm nên chưa tham gia đầy đủ. Nhưng khi biết, ngoài kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ, các cha mẹ còn được trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những việc làm hay, có ích trong cuộc sống thường ngày thì các buổi sinh hoạt đã thu hút các cha mẹ nhiệt tình tham gia sinh hoạt nhóm hơn”, bà Thơi cho hay.

hoi-lhpn-gia-lai.jpg
Bà Trần Thị Hường (ngồi đầu), Hội LHPN tỉnh Gia Lai: Mô hình giáo dục cha mẹ đã trang bị kiến thức phù hợp với đặc điểm văn hóa và điều kiện của cha mẹ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao được kiến thức và thay đổi nhận thức, hành vi trong chăm sóc trẻ...

 

Tương tự, bà Trần Thị Hường, Hội LHPN tỉnh Gia Lai cũng cho biết, mô hình giáo dục cha mẹ đã trang bị kiến thức phù hợp với đặc điểm văn hóa và điều kiện của cha mẹ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao được kiến thức và thay đổi nhận thức, hành vi trong chăm sóc trẻ; cha mẹ đã biết cách chăm sóc trẻ, dành thời gian quan tâm đến việc học của con và giao tiếp với con nhiều hơn. “Đặc biệt, các mẹ đã mạnh dạn, tự tin hơn khi tham gia chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ, biết cách tổ chức cuộc sống gia đình. Bản thân những đứa trẻ có cha mẹ tham gia mô hình giáo dục cũng tự tin, mạnh dạn hơn, không bỏ học giữa chừng”.

Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ

Đánh giá mô hình giáo dục cha mẹ mang tới nhiều ưu điểm, nhưng bà Tuyết Mai cho rằng, để các mô hình tiếp tục phát huy được hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết thực của gia đình trong vấn đề chăm sóc phát triển trẻ và đảm bảo tính bền vững lâu dài của mô hình... vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn đang đặt ra: Sự phối hợp giữa các ngành với Hội phụ nữ trong công tác trẻ em còn chưa chặt chẽ, chưa đồng đều giữa các ngành, các cấp; cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm công tác này; các điều kiện để đảm bảo tính bền vững cho các mô hình của Hội còn hạn chế, như thiếu nguồn lực, tài liệu phục vụ vận hành các mô hình...

“Từ năm 2019 đến 2021, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai, phát huy tính hiệu quả các mô hình giáo dục cha mẹ hiện có đến 63 tỉnh, thành phố gắn với nhiệm vụ công tác Hội thực hiện hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Hội phụ nữ các tỉnh, thành trên toàn quốc triển khai mô hình giáo dục cha mẹ trong CSPT trẻ thơ gắn với các mô hình hiện có của Hội tại cộng đồng; Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ theo hướng tập trung chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em. Tham gia đề xuất các chính sách hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc phát triển trẻ”, bà Tuyết Mai chia sẻ.

* Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Nhiều phụ huynh Việt Nam vẫn quan niệm “thương cho roi cho vọt” mà không nghĩ rằng đó là hành vi bạo lực đối với con trẻ và đó cũng là vi phạm quyền trẻ em. Trong nhà trường, nhiều giáo viên được đào tạo bài bản cũng sử dụng bạo lực với trẻ. Bạo lực từ người lớn làm tổn hại đến tinh thần, thể chất, khiến trẻ tổn thương. Hội BVQTE VN có CLB “Làm cha mẹ tốt” với mong muốn các cha mẹ thấu hiểu, trẻ em có thể học hỏi mà không cần đến những hình thức bạo lực. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc thực hiện quyền trẻ em. Các mô hình nên chú trọng đến đối tượng trẻ em gái, bởi tương lai các em sẽ là những phụ nữ tự tin, tự trọng… - là “người thầy” đầu tiên của các con mình.

* Bà Lê Kim Hằng, Tổ chức Plan Việt Nam: Cha mẹ có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Bởi họ chính là người yêu thương trẻ nhất, chăm sóc trẻ quan trọng nhất trong giai đoạn đầu đời, là bạn và là người thầy giáo đầu tiên của trẻ, là người hỗ trợ/hướng dẫn trẻ thực hiện các qui tắc ứng xử, kỷ luật tích cực để trở thành công dân có ích. Giáo dục cha mẹ sẽ giúp họ  quan tâm đến vai trò của mình và hướng tới cải thiện kỹ năng làm cha mẹ tốt hơn. Áp dụng các hành vi tích cực trong chăm sóc và giáo dục con, giúp con phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, nhân cách ngay từ những ngày đầu và suốt cả thời thơ ấu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm