pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhập viện lên xuống và hành trình có được con yêu
Mang thai và sinh nở luôn là một hành trình dài đầy gian nan và nhọc nhằn của phụ nữ. Với Phạm Thị Hương Lan, 23 tuổi ở Nam Định cũng là một hành trình gian nan và nhiều nơm nớp lo âu như thế.
Trước khi kết hôn, Hương Lan đã có bầu, thế nhưng thai mới chỉ được 7 tuần tuổi thì bị lưu. Sau lần đó, bà mẹ trẻ này ám ảnh và stress tâm lý rất nhiều. Bởi thế 1,5 năm sau khi kết hôn, Hương Lan mới quyết định có bầu lại.
“Ngày biết tin có bầu là vào 1 buổi sáng sớm. Nhìn thấy 2 vạch đỏ chót mà em không tin vào mắt mình. Em mừng quá đến run người lên và thông báo với chồng. Chồng em cũng vui lắm dù lúc ấy đang chưa tỉnh giấc. Xong em chạy xuống báo tin với mẹ chồng, bà trêu là ngon, may không bị tịt”, Hương Lan kể lại.
Bởi thế 1,5 năm sau khi kết hôn, Hương Lan mới quyết định có bầu lại. (Ảnh: NVCC)
Kể từ khi có bầu, thai phụ ở Nam Định này bị nghén nặng. Mỗi bữa cô chỉ ăn được nửa bát cơm và sợ nhất mỗi sáng chưa ăn gì đã bị ói mật xanh mật vàng. Cứ vậy, Hương Lan bị nghén suốt 5 tháng khiến cơ thể cô giảm tận 6kg so với lúc chưa bầu. Từ tháng thứ 5 trở đi, tình trạng ốm nghén chấm dứt, bà mẹ trẻ này mới bắt đầu ăn uống được.
Tuy nhiên, khi bầu được 25 tuần thì một ngày đang nấu cơm dưới bếp bỗng thấy 2 chân ướt nhẹp, Hương Lan còn cứ tưởng là nước tiểu. Song khi nhìn xuống 2 chân thấy toàn máu khiến thai phụ này hốt hoảng chỉ sợ mất con: “Cứ bước đi là em bị ra máu. Vì thế em cố gắng giữ bình tĩnh, lấy điện thoại gọi cho chồng. Lúc đó em khóc nức nở, nói không ra lời, nói đi nói lại em bị ra máu. Xui cho em là cả nhà hôm ấy đều đi Hà Nội hết không có ai ở nhà. Bởi thế mọi người phải gọi hàng xóm chạy vội sang xem em thế nào rồi gọi taxi đưa vào viện. Trên đường đi, em chỉ sờ xem con còn đạp không. Lúc vào tới viện lên bàn khám thấy con đạp em mới nhẹ nhõm phần nào”.
Qua thăm khám, bác sĩ kết luận sản phụ này có thể sinh non bất cứ khi nào. Nếu tình trạng nguy hiểm sẽ mổ bắt bé để cứu mẹ. Lúc này Hương Lan hoang mang và lo lắng. Thật may mắn cho cô, sau khi nằm viện truyền thuốc khoảng chục ngày, tình trạng ra máu đã giảm nên cô có thể xuất viện về nhà.
Để con yêu chào đời, mẹ bầu này trải qua những ngày tháng thai kỳ khá vất vả vì bị ra máu. (Ảnh: NVCC)
Nhưng đến khi thai ở tuần thứ 30 lại tiếp tục bị ra máu rất nhiều. Lần này Hương Lan lại vội vàng đến viện và cũng phải nằm viện mấy ngày trời. Những lần tiếp theo cô vẫn bị ra máu nhưng không đi viện mà ở nhà nằm yên 1 chỗ.
Đến 35 tuần, giữa đêm thì Hương Lan bị đau bụng quằn quại. Thấy tình trạng đau bụng không đỡ, chồng lại đang trên Hà Nội nên cô gọi ông bà ngoại đưa tới viện. Nhưng tới viện bác sĩ khám chưa có dấu hiệu chuyển dạ nên nằm dưỡng thai 5 hôm rồi ra viện.
“3 tuần cuối thai kỳ, em khỏe lắm, đi lại không vấn đề gì trừ cái bụng nặng nề. 38 tuần em bắt đầu bị đau bụng nhẹ nhưng hôm đó nhà anh trai có cỗ nên vẫn đi ăn bình thường. Đến tối ấy thì em thấy máu báo nên 2 vợ chồng xách đồ đi sinh”, Hương Lan nhớ lại.
Hôm sau tại viện thì các cơn đau bắt đầu nhiều lên nhưng sản phụ này còn nghĩ phải tầm chiều mới đẻ nên dậy ăn miếng dứa và đi bộ cho dễ đẻ. Vừa ăn được 1 miếng, cô đã nghe thấy ối vỡ bụp.
“Chồng em khi ấy còn bảo sao con đạp đau thế. Em đứng dậy thì ối vỡ ồ ạt. Chồng em vội vàng đóng bỉm cho rồi đưa vào phòng sinh. Lúc này các cơn gò nhiều hơn khiến em đau thấu trời. 15 phút sau thì con em chào đời.
Lúc sinh ra, con bị thắt nút dây rốn 2 đoạn. (Ảnh: NVCC)
Sau sinh con em không được da kề da với mẹ mà phải cấp cứu gấp. Tầm 5 phút sau mới thấy con oe oe khóc. Lúc này bác sĩ nói con bị thắt nút dây rốn 2 đoạn. Vì thế khi bé được đẩy ra ngoài, dây rốn cũng sẽ được kéo xuống, nút thắt chặt hơn dễ khiến em bé tử vong ngay khi chuyển dạ sinh thường nếu không kịp thời phát hiện dây rốn thắt nút. Bác sĩ nói phúc nhà em lớn lắm mới giữ được bé. Tận lúc sau bác sĩ cắt dây rốn ra cho xem em mới giật mình sợ hãi”.
Khi về phòng, cả nhà Hương Lan đã chờ sẵn. Còn em bé được nằm ấp đèn tầm hơn 2 tiếng mới được ra nằm cạnh mẹ. Cũng từ đó trở đi, trộm vía con không sao.
“Sau sinh dù không ăn được nhiều nhưng trộm vía em vẫn có sữa nhiều. Em may mắn được mẹ chồng tâm lý nên không ép ăn. Mẹ chồng mấy đêm đầu giúp chăm cháu, sau đó 2 vợ chồng em tự chăm. Đêm em chỉ việc cho con ăn, còn thay bỉm là chồng đảm nhận nên hầu như không có vất vả gì”, Hương Lan tâm sự.
Hương Lan lúc nào cũng mong con khỏe mạnh và được chồng yêu thương là đã cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn (Ảnh: NVCC).
Điều sản phụ sau sinh này khổ sở nhất chính là bị trĩ, vì thế mỗi lần cô đi nặng là đau như đau đẻ. Có những lần không đi vệ sinh được, cô ngồi trong nhà vệ sinh khóc không thành tiếng nên phải mua thuốc tự thụt cho dễ đi ngoài.