pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhật Bản thành lập cơ quan giải quyết các vấn đề của trẻ em và gia đình
Thủ tướng Kishida Fumio đến thăm một nhà trẻ tại tỉnh Okayama
Lo ngại việc sinh ít có thể làm mất chức năng xã hội
Có tổng cộng khoảng 430 nhân viên, Cơ quan Trẻ em và Gia đinh đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của Thủ tướng Kishida Fumio. Cơ quan này sẽ hoạt động như trung tâm soạn thảo chính sách về trẻ em, gia đinh, có sự tham gia của nhiều bộ phận thuộc Bộ Y tế lao động và phúc lợi, cũng như Văn phòng nội các, lĩnh vực tư nhân.
Khoảng 4.800 tỷ yên đa được phân bổ cho cơ quan này trong năm tài chính 2023, bắt đầu từ tháng 4. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, có thể số tiền này khó đảm bảo đủ ngân sách cho các chính sách liên quan đến trẻ em một cách ổn định.
Ngoài thúc đẩy tỷ lệ sinh, cơ quan này chịu trách nhiệm các vấn đề trợ cấp dành cho trẻ em và hỗ trợ việc thai sản, hỗ trợ cho gia đinh, cha mẹ và con cái… Trong số các biện pháp mới, cơ quan này có kế hoạch giới thiệu một hệ thống yêu cầu giấy chứng nhận không có tiền án tiền sự đối với những người đảm nhận các công việc liên quan đến trẻ em sau một loạt vụ xâm hại tình dục bởi những người trông trẻ được đưa ra ánh sáng trong những năm gần đây. Thủ tướng Kishida Fumio nói rằng, chính phủ của ông đặt mục tiêu tạo ra một xã hội lấy trẻ em làm trung tâm, luôn quan tâm đến những gì tốt nhất cho các em. Ông cho biết, điều quan trọng nhất là lắng nghe tiếng nói của trẻ em và áp dụng vào việc thực hiện chính sách. Nhìn chung, mục tiêu của cơ quan này là "tạo ra một môi trường mà người ta có thể tự hào khi có con và an tâm nuôi dạy chúng, theo trang web của chính phủ.
Cơ quan mới được thành lập sau khi Nhật Bản chứng kiến tỷ lệ sinh thấp chưa từng thấy trong hơn 120 năm. Tổng tỷ suất sinh của Nhật Bản, tức số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong đời là 1,30 vào năm 2021, giảm 0,03% so với năm trước, đánh dấu mức giảm năm thứ 6 liên tiếp. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 50 chưa từng sinh đẻ đang đạt mức cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Ông Kishida đã cảnh báo việc sinh quá ít có thể khiến Nhật Bản mất các chức năng xã hội và cho biết sẵn sàng tăng mạnh ngân sách cho các chính sách về trẻ em. Đây là nỗ lực của Nhật Bản nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình khi sinh con và chăm sóc con nhỏ. Chính sách này được kỳ vọng sẽ khuyến khích sinh đẻ nhằm chặn đứng nguy cơ sụt giảm dân số trong những năm tới ở Nhật Bản.
Khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy, hơn 50% số người được hỏi cho rằng, chi phí quá cao là lý do chính khiến họ không muốn sinh con. Tài chính là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định sinh con của các hộ gia đình. Tác động này đang làm tỷ lệ sinh tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nghiêm trọng. Năm 2022, số trẻ em được sinh ra tại Nhật Bản chỉ là 800.000 trẻ, giảm 10% so với năm 2019, giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề trẻ em Masanobu Ogura đã đề xuất nhiều biện pháp, bao gồm tăng trợ cấp nuôi dạy con cái và giáo dục, cũng như tăng lương cho lao động trẻ để khuyến khích kết hôn và sinh con.
Cải thiện các vấn đề về giới
Cải cách các quy định về điều kiện làm việc là một lĩnh vực trọng tâm khác của cơ quan mới. Nó sẽ thúc đẩy các điều kiện có lợi cho sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và hỗ trợ các gia đình tham gia nuôi dạy con cái. Thủ tướng Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi khoản hỗ trợ trẻ em để khuyến khích sinh đẻ. Trong khoản hỗ trợ này, Chính phủ Nhật Bản sẽ ưu tiên thực hiện các biện pháp cần thiết như tăng cường hỗ trợ kinh tế cho gia đình có trẻ em, mở rộng những dịch vụ chăm sóc và nuôi dạy trẻ, cải cách chế độ làm việc của cha mẹ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sinh đẻ. Các trung tâm chăm sóc ban ngày và trường mầm non sẽ nới lỏng các quy định, cho phép cha mẹ gửi con theo giờ và ngay cả khi họ đang thất nghiệp. Gần đây, Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ tài chính một lần, tương đương 7.700 USD, cho mỗi hộ gia đình khi mang thai và sinh con nhỏ.
Nhật Bản cũng đang nghiên cứu những chính sách đối với hộ gia đinh của các nước có tỷ lệ sinh cao như Thụy Điển để áp dụng nhằm tăng tỷ lệ sinh. Thủ tướng Kishida cho biết, mục tiêu của chính phủ là có ít nhất 50% số ông bố nghỉ chế độ thai sản vào năm 2030 và 85% vào năm 2035. Đối với những gia đình mà cả cha và mẹ đều nghỉ chăm sóc con cái, chính phủ nước này có kế hoạch đưa ra gói hỗ trợ tài chính 1 tháng, tương đương với mức thu nhập hộ gia đình mà cha mẹ có trước khi sinh con. Bên cạnh đó, chính phủ đã cải cách thị trường nhằm tăng lương và hỗ trợ kinh tế cho lao động trẻ, cho những người lao động tự do về các khoản trợ cấp bổ sung để hỗ trợ nuôi con, giáo dục và nhà ở. Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, đây là một biện pháp tốt vì không chỉ cải thiện chính sách gia đình mà còn tăng cường bình đẳng giới.
Một cuộc khảo sát năm 2021 của Chính phủ Nhật Bản cho thấy nữ giới nước này dành thời gian chăm sóc nhà cửa, con cái nhiều gấp 4 lần so với nam giới. Các chuyên gia cho rằng, các nhà chức trách cần bổ sung chương trình hỗ trợ phụ nữ trong nhiều vai trò khác nhau. Tuy nhiên, khi các nhà lập pháp nữ chiếm ít hơn 10% trong Hạ viện và nội các 19 bộ trưởng của Kishida chỉ có 2 phụ nữ, hầu hết người tham gia tranh luận đều là nam giới. Điều đó khiến phụ nữ cảm thấy bị gạt sang một bên.
Một bài báo từ Hội đồng Chính phủ Nhật Bản nêu rõ, chính phủ cần có những thay đổi toàn diện bao gồm giảm gánh nặng nuôi con cho phụ nữ, cũng như giúp họ có cơ hội quay trở lại làm việc dễ dàng hơn sau khi sinh con.