Nhậu bọ xít đen, 6 người nhập viện cấp cứu

12/07/2016 - 13:49
Sau khi ăn món bọ xít đen, 6 người đến có biểu hiện buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau nhức toàn thân, mỏi cơ, khó thở… phải đi cấp cứu.
BS Phạm Thị Hường, Phó khoa Hồi sức cấp cứu nhi, BV Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) cho biết, đêm 2/7 BV tiếp nhận 6 ca có các triệu chứng của ngộ độc thức ăn. Cả 6 bệnh nhân ngộ độc cùng ngày nhưng ở các địa phương khác nhau, 1 người ở xã Tù Nang, 3 người ở xã Tân Hợp, huyện Yên Châu và 2 ca đến từ xã Tà Lại, huyện Mộc Châu, Sơn La.

Các trường hợp trên trước khi nhập viện có bắt và chế biến món ăn từ một loại côn trùng mà người dân vùng này thường gọi là bọ xít đen. Sau ăn khoảng 6 tiếng, bệnh nhân cảm thấy trong người buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau nhức toàn thân, mỏi cơ, khó thở và họ được người nhà đưa đến BV Đa khoa Mộc Châu.
bo-xit.jpg
Bọ xít đen ăn vào gây ngộ độc
Tất cả đều có tổn thương ở các cơ quan như thần kinh, gan mật, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch… Xét nghiệm máu có tình trạng tăng bạch cầu, men gan… Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu và điều trị tích cực cho các bệnh nhân. Sau 10 ngày điều trị tích cực, cả 6 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, các chỉ số xét nghiệm đang dần trở về mức bình thường.

Tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La món bọ xít hay được người dân bắt về làm thức ăn. Loại bọ xít này có màu hồng và vàng và đây đang là thời điểm bọ xít đen sinh sôi, phát triển nhiều.

Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: Tại trung tâm Chống độc tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do ăn các loài sâu bọ. Trong vòng 2 năm gần đây ghi nhận được 4 trường hợp ngộ độc sâu ban miêu mức độ rất nặng, 2 trong số đó tử vong, một được cứu sống nhưng bị biến chứng như suy thận, viêm phổi, viêm gan với chi phí điều trị rất cao. Trường hợp còn lại được cứu sống mà không để lại di chứng gì.

“Bọ xít có nhiều loài, trong đó nhiều loài có thể có chất độc. Thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện nay còn ít. Do đó có rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh là an toàn để ăn. Nếu bạn ăn các loài sâu, bọ xít và bị ngộ độc thì các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và cứu chữa, đồng nghĩa với số mệnh của bạn gặp nhiều rủi ro. Để phòng tránh ngộ độc, bên cạnh một vài dạng sâu đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm (ví dụ nhộng tằm), người dân không được sử dụng bọ xít và sâu làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào”, Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Ở miền Bắc, bọ xít thấy xuất hiện ở các vùng bán sơn địa như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La… Ngược lại, ở miền Nam bọ xít xuất hiện và gây hại gần vùng đầm lầy Đồng Tháp Mười như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, nhưng mật số nhìn chung tương đối thấp và ít gây hại cho lúa.
 
Bọ xít đen ít khi xuất hiện trong vụ đông xuân (từ tháng 11 đến tháng 3), nhưng phổ biến hơn trong vụ hè thu (tháng 4 đến tháng 8) do thời tiết nóng, ẩm, mưa nắng xen kẽ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm