Nhau thai nhân tạo, hi vọng mới cho trẻ sinh non

12/05/2016 - 10:45
Các chuyên gia Đại học Michigan (Mỹ), đã chế tạo ra nhau thai nhân tạo, mở ra hi vọng nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ đẻ non giống như những gì mà trẻ nhận được trong cơ thể người mẹ.
Sau 5 năm nghiên cứu, các nhà khoa học trên đã sử dụng thành công một nguyên mẫu bánh nhau nhân tạo để giữ cho cừu con chào đời cực kì sớm sống được một tuần. Mặc dù dự án chưa để thử nghiệm trên người, song các nhà nghiên cứu cho biết, thành công của thử nghiệm trên cừu đã đủ cho Viện Y tế Quốc gia Mỹ dành một khoản tài trợ lớn cho dự án này.
Tuy còn cần thời gian trước khi bánh nhau nhân tạo có thể được sử dụng trong thực tế nhưng các nhà khoa học cho rằng, nghiên cứu trên, mở ra nhi vọng mới cho trẻ sinh non.
5_5_2016_tre_sinh_non.jpg
Nhau thai nhân tạo được đánh giá mở ra cơ hội mới cho trẻ sinh non
Bánh nhau nhân tạo hoạt động như môi trường trong tử cung; cho phép trẻ sinh non lưu thông oxy và loại bỏ CO2 trong máu mà không phải thở. Theo TS Robert Bartlett, tác giả nghiên cứu, nhau nhân tạo tái tạo môi trường của cơ thể người mẹ, bác sĩ có thể cho những em bé cực kì non yếu một cơ hội tốt hơn để phát triển bình thường ở bên ngoài.
Bánh nhau là một cơ quan tạm thời chỉ phát triển trong tử cung của phụ nữ mang thai và nó bị “trục xuất” khỏi cơ thể khi đứa trẻ được sinh ra. Dù có “tuổi thọ” ngắn, cơ quan này lại đóng một vai trò sống còn đối với thai nhi và sức khỏe thai nhi nhờ cung cấp cho em bé các chất dinh dưỡng và loại bỏ các chất cặn bã. Trẻ sinh non và bị tách khỏi bánh rau quá sớm thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe như tăng trưởng kém, chậm giao tiếp, thậm chí tử vong.
Thời gian mang thai trung bình kéo dài 40 tuần, trẻ sinh non là trẻ được sinh ra trước mốc 37 tuần. Khoảng 1/10 số trẻ sinh ra tại Mỹ mỗi năm là sinh non. Trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ sơ sinh chết vì sinh non. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Những trẻ sinh non còn sống phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, như các vấn đề về hô hấp, chảy máu trong não và nhiễm trùng nặng, cùng với những vấn đề khác về sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm