Nhiễm thói xấu từ bố

09/06/2016 - 10:59
Mỗi lần con phạm lỗi, những ông bố có "máu điên" sẵn sàng lao vào đánh con tới tấp. Nguy hại hơn cả vết thương thể chất, tinh thần là những đứa con ấy sẽ bị nhiễm thói xấu từ bố.
Nổi "máu điên", nhiều ông bố đánh con dã man. Ảnh internet.

Anh Đặng Hữu Hòa (Quang Trung, Hà Đông) hiền nhưng rất cục tính. Với mọi người, anh không bao giờ to tiếng. Thế nhưng, anh chẳng khác gì “khắc tinh” của con trai. Cậu bé vốn vụng về, chậm chạp, thế nên mọi việc con làm luôn khiến anh thấy... ngứa mắt. Chỉ cần con làm chưa xong việc được giao, anh có thể đá “song phi” thẳng vào người con khiến con ngã bổ chửng. Có lần, con ăn chậm, anh liền lấy chiếc đũa đánh tới tấp vào mặt con. Những lần con bị chảy máu mồm, chân tay, mông đít lằn lươn, sưng đỏ thì nhiều vô kể.

Xót con nhưng vợ anh Hòa không dám góp ý với chồng, vì có khi anh càng "ra tay" mạnh hơn. Chị chỉ dám góp ý khi anh đã “hạ hỏa”. Thế nhưng, khi con phạm lỗi, anh Hòa không còn nhớ lời góp ý của vợ.

Bé Đặng Nhật Bình (con trai anh Hòa) bị đánh quá nhiều nên rất lì lợm. Chắc chắn, vết thương tinh thần sẽ theo con suốt cả cuộc đời. Điều nguy hại hơn là Nhật Bình "học" và "thực hành" những chiêu ra đòn từ bố rất nhanh. "Nạn nhân" phải hứng chịu những trận đòn vô cớ chính là em gái cậu.

Chỉ cần em gái không nghe lời, Nhật Bình sẵn sàng đá em, tát em, lấy roi vụt tới tấp vào người em. Mẹ nhắc nhở thì cậu quát ầm lên: “Em làm con điên, con không kiềm chế được!”.  

Ảnh hưởng "máu điên" từ cha, nhiều đứa trẻ có cách hành xử bạo lực với người thân trong gia đình. Ảnh minh họa internet.

Theo thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ): Thói vũ phu không “lây truyền” từ cha sang con theo… đường máu mà là qua con đường nhận thức. Trẻ lớn lên trong gia đình thường xuyên xảy ra bạo hành sẽ mang tâm lý tiêu cực, mặc cảm, khép kín và sau này dễ bắt chước những tật xấu của cha.

Phản ứng của trẻ vị thành niên - lứa tuổi nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước những mâu thuẫn trong gia đình - thường theo 2 hướng: Bộc phát ngay hoặc thu mình lại, dồn nén để đến lúc không thể chịu nổi sẽ hành động dại dột như bỏ nhà ra đi, dễ rơi vào cạm bẫy (tụ tập đánh nhau, đua xe, chơi cần sa, tình dục bừa bãi, phạm pháp...) thậm chí tìm đến cái chết. 

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy những nghịch tử bạo hành cha mẹ từng là nạn nhân bạo hành gia đình khi còn bé, hoặc từng chứng kiến bạo hành giữa cha mẹ. Con cái trong các gia đình này có nguy cơ dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.

Tiếc thay cộng đồng và pháp luật chưa thật sự nghiêm minh đối với tệ nạn xã hội này. Các vụ việc sử dụng hành vi bạo lực giữa các thành viên trong gia đình, thường được xem là chuyện nội bộ “đóng cửa bảo nhau”... Hậu quả là những đứa trẻ lớn lên từ những gia đình bạo lực sẽ tiếp diễn hành vi ấy trong tương lai với bạn đời và con cái của chúng...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm