Nhiều câu hỏi "xoáy" tại buổi họp báo thông tin về một số "lùm xùm" chuyện đấu giá ở Bình Thuận

P.V
19/11/2020 - 19:02
Nhiều câu hỏi "xoáy" tại buổi họp báo thông tin về một số "lùm xùm" chuyện đấu giá ở Bình Thuận
Nhiều phóng viên đề cập đến các vấn đề khá nóng như việc chặt hạ hơn 7 ha cây phi lao, dự án du lịch Biển Quê Hương đầu tư kinh doanh khách sạn, biệt thự nhưng sao lại không đấu giá đất?

Đó là một số vấn đề mà nhà báo, phóng viên có mặt tại buổi họp báo chuyên đề do UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức. Tại buổi họp báo này, ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì và đã thông tin tới báo giới nhiều nội dung liên quan đến "lùm xùm" chuyện đấu giá đất ở địa phương này.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Hòa trao đổi xung quanh nội dung chủ yếu mà các cơ quan báo chí vừa phản ánh là vì sao Nhà nước giao đất cho các chủ đầu tư mà không thông qua đấu giá, gây thất thoát ngân sách.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Bình Thuận chủ trì buổi họp báo vào chiều 18/11

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Bình Thuận chủ trì buổi họp báo vào chiều 18/11

Ông cho biết địa phương đã làm đúng trình tự pháp luật. Ông mong báo chí nếu cho rằng việc giao đất như vậy là sai thì hãy chỉ ra các quy định cụ thể cho địa phương biết.

Trong số các dự án này, nổi lên khu du lịch Biển Quê Hương do liên quan đến rừng phi lao cũng như chuyện đấu giá đất. Theo thông tin mà tỉnh Bình Thuận cung cấp, trong số 12ha đất của dự án này thì có 10ha thuộc địa bàn xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam.

Đây địa bàn khó khăn, được ưu đãi đầu tư, miễn thuế đất… nên theo quy định không phải thông qua đấu giá. Riêng 2ha còn lại thuộc địa bàn xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết của dự án là mục đích cộng đồng, chủ đầu tư không được phép kinh doanh…

Vì thế, phần diện tích này cũng không nằm trong quy định đấu giá đất.

Tại cuộc họp báo này, PV Báo Tuổi trẻ đã đặt câu hỏi về diện tích hơn 7ha cây phi lao đã bị đốn hạ để phục vụ dự án Biển Quê Hương. Cụ thể, phóng viên này đặt câu hỏi: Đối với phần 7ha cây phi lao nằm trong phạm vi dự án Biển Quê Hương, xin địa phương cho biết mục đích trồng trước đây là gì? Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt như thời gian qua, việc thanh lý số cây này liệu có ảnh hưởng đến môi trường hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận lý giải, cách đây 25 năm, khu vực này Nhà nước giao cho các địa phương trồng cây chống hoang hóa. Thời điểm này không có các khái niệm như chống sạt lở hay chắn gió chắn cát...

Nhiều câu hỏi của nhà báo, phóng viên xoay quanh dự án Biển Quê Hương.

Nhiều câu hỏi của nhà báo, phóng viên xoay quanh dự án Biển Quê Hương

Đến bây giờ mới có những khái niệm này. Diện tích cây phi lao này là cây lâm nghiệp nhưng không phải trồng trên đất lâm nghiệp, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng qua các thời kỳ. Vì số cây này do Nhà nước trồng nên xác định là tài sản trên đất.

Vì vậy, địa phương đã thông qua đấu giá số cây này, số tiền thu được cũng như chi phí mà nhà đầu tư phải nộp để trồng thay thế là khoảng 400 triệu đồng. Hiện địa phương đã trồng thay thế tương đương diện tích này tại khu vực rừng phòng hộ. Khu vực này từ lâu chưa bao giờ xảy ra hiện tượng sạt lở.

Cũng liên quan đến dự án "lùm xùm" Biển Quê Hương, phóng viên Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Theo thông tin đầu tư thì dự án Biển Quê Hương có kinh doanh khách sạn, cho thuê biệt thự. Tuy nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực này phải thông qua đấu giá đất, xin địa phương giải thích thêm?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Thuận cho rằng, khu vực dự án là đất sản xuất kinh doanh và phi nông nghiệp thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư nên vẫn được miễn tiền thuê đất. Việc thực hiện miễn giảm này là cho chung cho cả kinh doanh và phi nông nghiệp.

Mặc dù dự án có kinh doanh khách sạn, biệt thự nhưng vẫn là đất thương mại dịch vụ. Bản chất của dự án không sử dụng vào mục để bán mà chỉ sử dụng theo vòng đời.

Liên quan đến số lượng phi lao bị đốn hạ để phục vụ dự án Biển Quê Hương, phóng viên của Báo Nhà báo và Công luận đặt câu hỏi: Cần xác định thế nào là rừng dương và thế nào là rừng phi lao? 

Việc này, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ trả lời sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm