Đốn rừng làm du lịch ở Bình Thuận: Lợi ích kinh tế liệu có song hành với an nguy của người dân?

PV
18/11/2020 - 10:24
Đốn rừng làm du lịch ở Bình Thuận: Lợi ích kinh tế liệu có song hành với an nguy của người dân?

Một góc rừng dương chăn sóng đang bị biến thành khu du lịch. Ảnh Báo Bình Thuận

Thông tin UBND tỉnh Bình Thuận chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp để đầu tư xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương khiến nhiều người dân địa phương lo lắng. Bởi lẽ, diện tích rừng bị chuyển đổi này có nhiệm vụ ngăn sóng, chắn gió và bảo vệ môi trường nên thật khó có thể đo đếm được những thiệt hại khi khu rừng không còn tồn tại.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, người dân cả nước đã chứng kiến cuộc tranh luận "nảy lửa" giữa đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Đoàn đại biểu tỉnh Đắk Lắk) và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà liên quan đến tầm quan trọng của rừng đối với sự sống của mỗi chúng ta.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp chất vấn: "Theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?"

Rất thẳng thắn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Đại biểu nói với tôi rằng rừng quan trọng như thế nào, là trời. Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời. Bởi vì tôi thở không khí từ oxy. Rừng cung cấp 70% các tài nguyên cung cấp cho cuộc sống của con người. Rừng là hết sức thiêng liêng. Rừng sinh thủy. Rừng chứa chúng ta, trong chiến tranh thì rừng che bộ đội…".

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ xem xét cùng Quốc hội, rà soát từng mét vuông đất bị chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đối với những nơi nào không còn rừng mà chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con người thì phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất của rừng tự nhiên.

Rõ ràng, qua buổi chất vấn giữa đại biểu Ksor H’Bơ Khăp và Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã cho chúng ta thấy "rừng quan trọng đối với sự sống của chúng ta đến nhường nào". Cả người chất vấn và người trả lời đều thể hiện sự tâm huyết trong việc giữ rừng cũng như bảo vệ rừng. Họ cũng có cùng một nỗi đau khi chứng kiến ở đâu đó những cánh rừng bị phá hoặc chuyển đổi mục đích không đúng chức năng của nó.

Thực trạng thiên tai hằng năm diễn ra ở nước ta rất nhiều như bão lũ, sạt lở đất, cát lấn. Nếu không có hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn được chăm sóc hàng năm thì có thể con số thiệt hại do thiên tai mang đến không dừng lại ở mức đã thống kê. Nhờ có rừng mà ngăn chặn được dòng nước lũ, ngăn chặn cát xâm chiếm đồng bằng. Có thể nói rừng chính là bùa hộ mệnh, giúp cho đời sống con người luôn được bình an.

Trước thông tin UBND tỉnh Bình Thuận quyết định "khai tử" diện tích 7,17ha rừng dương 25 năm tuổi với nhiệm vụ ngăn sóng, chắn gió, bảo vệ môi trường để triển khai dự án đã khiến nhiều người dân địa phương lo lắng.

Được biết, dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, do Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư, thuộc địa bàn các xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết). Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch của dự án này, ngày 28/10/2019, ông Lê Tuấn Phong- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký Quyết định số 2746/QĐ-UBND về việc "chuyển mục đích rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp để đầu tư xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương".

Trong quyết định này, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở TN&MT có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý và giám sát việc sử dụng diện tích nằm trong đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm theo Quyết định 2488/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của UBND tỉnh theo đúng quy định.

Để thực hiện dự án trên, Bình Thuận phải chấp nhận "hy sinh", đốn bỏ diện tích 7,17ha cây dương 25 năm tuổi, tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Rõ ràng, diện tích 7,17ha rừng bị "khai tử" có một vai trò to lớn trong việc ngăn chặn bão lũ, triều cường cho khu vực Tiến Thành, Thuận Quý nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Địa phương này cũng thừa hiểu, hậu quả sẽ thế nào khi những năm qua, tình hình thiên tai diễn biến thất thường, biển đã lấn sâu vào đất liền, nguy cơ mất đất, nỗi lo bị sóng biển xâm lấn ngày càng gia tăng. Để rồi khi đặt trên bàn cân giữa lợi ích kinh tế và an nguy của người dân địa phương, chắc chắn Bình Thuận sẽ có một quyết định sáng suốt cho riêng mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm