Đây là trăn trở của bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh bột Quốc tế tại hội thảo “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì” do Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM tổ chức ngày 8/10.
Trước đó, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bột mì có nhận được Công văn của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng (thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) về việc tái xuất các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense (còn gọi là hạt cỏ hay kê đồng).
Nội dung công văn nêu rõ: “Thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, bắt đầu từ ngày 01/11/2018 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất. Đồng thời Cục Bảo vệ thực vật báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu các loại vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense”.
Theo bà Huỳnh Kim Chi, hiện công ty đang tiến hành nhập lô hàng lúa mì trị giá 300 tỉ đang trên đường về nước. Nếu lô hàng này bị áp dụng biện pháp tái xuất thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến công ty.
“Không có nguyên liệu thì không sản xuất được. Không chỉ ngành bột mì mà việc này ccòn ảnh hưởng đến ngành mì ăn liền, bánh kẹo nữa, liên lụy rất nhiều”, bà Chi nói.
Ông Phan Thanh Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần bột mì Bình An, nói rằng, dẫu biết quyết định của Cục Bảo vệ thực vật là có ý quản lý không để cho cỏ dại Cirsium arvense ảnh hưởng đến nông nghiệp trong nước nhưng nếu cấm nhập lúa mì thì cũng phải để cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, chứ không thể tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập trong thời gian nhanh như vậy được.
Ông Hiếu cũng khẳng định, cỏ dại Cirsium arvense thực ra không phải là vấn đề mới với doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bột mì tại Việt Nam. “Hiện nay, chưa có tài liệu nói về cây cỏ Cirsium arvense nên khi đưa ra lệnh cấm như vậy thì ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì. Đồng thời cũng gây thiệt hại, ảnh hưởng cho người tiêu dùng”, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bột mì Bình An nói.
Ông Phan Công Cường, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ bột mì – Vikybomi nhấn mạnh, việc cấm nhập khẩu ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của công ty. Nếu áp dụng quy định này công ty sẽ không có nguồn nguyên liệu để sản xuất, dẫn tới nguy cơ phải ngưng hoạt động, giải thể.
Theo tìm hiểu của ông Cường, cỏ dại Cirsium arvense hầu không có gây hại gì cho con người cả; khi về nhà máy có khâu phân loại, hạt này sẽ bị loại bỏ. Loại cỏ này sống xem với cây lúa mì, tức là nó chung khí hậu thổ nhưỡng với lúa mì, trong khi đó khí hậu nhiệt đới Việt Nam hầu không trồng được loại lúa mì nên có thể loại cỏ này không phát triển mạnh ở khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam.
Thống kê cho thấy, Việt Nam nhập khẩu lúa mì từ 4-5 triệu tấn/năm. Trong tám tháng đầu năm 2018, lượng lúa mì nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 3,6 triệu tấn, trị giá 877 triệu USD, chủ yếu có nguồn gốc từ Úc, Mỹ, Canada.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM cho biết, “Đại diện phía Cục Bảo vệ thực vật có khẳng định phải cấm nhập khẩu lúa mì chứa cỏ Cirsium Arvense. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, việc quy định "cấm" thì rất đơn giản, nhưng phải làm sao để giảm thiểu tối đa nhất thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, cũng như người dân Việt Nam nói chung mới là vấn đề cốt lõi cần xử lý”.
Bà Lý Kim Chi cho biết, Hiệp hội cùng với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bột mì sẽ có văn bản đề nghị lùi lại thời hạn cấm nhập khẩu lúa mì gửi đến các cơ quan ban ngành để có được hướng xử lý phù hợp, gỡ khó các doanh nghiệp.
Cần thận trọng khi ban hành văn bản pháp lý
Trong khi đó, ông Lê Văn Vu, Phó tổng giám đốc Công ty bột mì Bình Đông cho biết, khi nhận được thông tin cấp nhập lúa mì thì doanh nghiệp rất lo lắng. Theo ông Vu, luật pháp quy định thì doanh nghiệp phải chấp hành nhưng rõ ràng khi ban hành quyết định thì phải nghiên cứu rõ ràng, có lộ trình.
“Tôi nghĩ rằng cần lùi thời hạn cấm lại để đánh giá cho hết. Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học phải đánh giá xem cỏ dại Cirsium arvense tác hại, nguy cơ ra sao. Phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Vu chia sẻ.
Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, hiện chưa chứng minh lâm sàng về mức độ độc hại của cỏ Cirsium arvense. Nói về mức độ an toàn thực phẩm thì cỏ Cirsium arvense chưa đến mức độ gây hại cho sức khỏe con người.
Bà Phong Lan cũng đề nghị trước khi có văn bản, quyết định cấm nhập loại thực phẩm gì thì cũng phải có nghiên cứu, phân tích định lưỡng, định tính. Nếu chưa rõ ràng, quản không được thì cấm rõ ràng sẽ gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng đặt câu hỏi về tính pháp lý của văn bản Chi cục Kiểm dịch thực vật các vùng gửi cho doanh nghiệp. Bà Phong Lan cho biết, cho đến chiều ngày 8/10, các doanh nghiệp chỉ nhận được văn bản từ các Chi cục kiểm dịch thực vật các vùng. Qua tìm hiểu thì chưa thấy bất cứ văn bản nào của Cục Bảo vệ thực vật liên quan đến việc này.
“Thẩm quyền việc nhập, cấm nhập là của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sau khi đã lấy ý kiến của các bên liên quan nghiên cứu, đề xuất. Cơ quan tham mưu là Cục Bảo vệ thực vật chỉ có quyền đưa ra những lệnh tạm trong điều kiện khẩn cấp. Trong trường hợp này rõ ràng không phải là khẩn cấp”, bà Phong Lan nói.
Cũng theo bà Phong Lan, bà rất hoan nghênh những nỗ lực của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT trong việc bảo vệ quần thể thực vật. Nhưng phải làm sao cho đúng pháp luật, phải bảo về quyền lợi cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng. Việc ban hành các văn bản pháp lý phải hết sức thận trọng.
ThS Nguyễn Hoàng Dũng - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển -Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM đề nghị, cần hủy bỏ văn bản này, chứ không phải xin lùi, vì không có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, không có cơ sở đánh giá về thiệt hại kinh tế. Trong khi đó, nếu được áp dụng ai đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp, cho người lao động, cho các nhà máy, cho người tiêu dùng..?