Nhiều người phải cấp cứu vì bắt loài bọ có độc bán giá cao

01/09/2019 - 08:27
Thời gian gần đây, một số thương lái đến nhiều huyện của tỉnh Kon Tum thu mua một loài côn trùng có tên là bọ ban miêu khoang vàng với giá cao ngất, khiến người dân đổ xô lùng bắt. Tuy nhiên, đây là một loài bọ có độc nên nhiều người sơ ý bị chất độc của nó làm bỏng rộp, sốt... phải đi cấp cứu.

Đổ xô đi bắt loài bọ ban miêu khoang vàng giá 800 nghìn đồng/kg

Ngày 29/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum kiểm tra việc thương lái lùng mua loài bọ ban miêu khoang vàng giá cao. Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum khẩn trương kiểm tra, xác minh, nắm tình hình việc thương lái thu mua một số loài côn trùng lạ trên địa bàn các huyện, thành phố. Từ đó kịp thời xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định và thẩm quyền được giao.

bo1.jpg
Bọ ban miêu khoang vàng được người dân Kon Tum bắt bán cho thương lái với giá từ 800.000 - 1,5 triệu đồng/kg

Gần hai tuần nay, nhiều thương lái ở miền Bắc đến các huyện: Đắk Glei, Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) tìm mua loài bọ ban miêu khoang vàng để bán cho Trung Quốc. Người dân ở đây cho biết, các thương lái bảo họ mua bán sang Trung Quốc làm thuốc. Giá thu mua rất cao, từ 800.000 - 1,5 triệu đồng/kg nên nhiều người dân đổ xô đi lùng sục bắt để bán kiếm tiền.

Theo ông A Thân (ngụ thôn Đắk Sút, xã Đắk Kroong, huyện Đắk Glei), loài bọ này có mùi hôi, xuất hiện nhiều ở cây lúa, bí. Dù khi bắt ngửi mùi rất khó chịu, nhưng nhiều người dân ở đây vẫn cố tìm bắt để bán vì giá cao. “Cách đây hơn một tuần, loài bọ này khá nhiều vì chúng thường ở nương lúa, bám vào bí đỏ nên một ngày tôi bắt được hơn 2 lạng. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, người làng đi bắt nhiều nên số lượng đã giảm đáng kể. Bây giờ, một ngày tôi bắt chưa tới chục con”, ông A Thân cho biết.

Bà Nguyễn Thị Th., một chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Đắk Kroong cho biết, cách đây gần hai tuần có người phụ nữ nói giọng miền Bắc tìm đến cửa hàng tạp hóa của bà để hỏi mua loài bọ ban miêu khoang vàng với giá 1,5 triệu đồng/kg. “Người phụ nữ này nói là bán sang Trung Quốc để làm thuốc. Sau đó, tôi đặt mua của người dân. Ban ngày, người dân đem tới bán cho tôi, đến buổi tối thì thương lái đến thu gom. Khoảng một tuần đầu, mỗi ngày tôi mua được khoảng 4kg, nhưng bây giờ thì ít hơn, mỗi ngày người dân đem tới bán chưa tới 2kg”, bà Th. cho biết.

bo3.jpg
Nhiều cháu nhỏ ở tỉnh Kon Tum bị bỏng sau khi bắt bọ ban miêu khoang vàng

Chị Y Ng., một chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Diên Bình (huyện Đắk Tô) cũng nhận thu mua loài bọ ban miêu khoang vàng này để bán lại cho thương lái. “Tôi nghe ở chỗ khác giá gần 1,5 triệu đồng/kg nhưng ở đây tôi thu mua loài bọ này với giá 800.000 đồng/kg, rồi bán lại cho thương lái. Nghe thương lái họ bảo là bán cho Trung Quốc chiết xuất làm dược liệu”, chị Ng. cho biết.

Nhiều người phải đi bệnh viện điều trị 

Vì bán với giá cao nên không chỉ người lớn, mà rất nhiều trẻ em cũng đi khắp ruộng vườn trong làng để bắt loài côn trùng này. Điều đáng nói là loài bọ này có độc nên nhiều cháu nhỏ sơ ý bị chất độc của nó gây tổn thương.

Trưa ngày 20/8, ba cháu nhỏ ở thôn Đắk Môn (xã Đắk Kroong) rủ nhau đến rẫy lúa ở trong làng tìm bắt bọ ban miêu khoang vàng. Đi cả buổi, các cháu bắt được gần chục con và bán được 10.000 đồng, sau đó chia đều mỗi cháu vài ba ngàn đồng để mua kẹo ăn. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, cháu A Ngãi (10 tuổi, một trong 3 cháu cùng đi bắt lúc trưa) kêu nóng, rát ở quanh cổ và miệng. Thấy vậy, ngay trong đêm, gia đình đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.

Bác sĩ Đinh Văn Hưng, người điều trị cho cháu Ngãi ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, cho biết: “Cháu Ngãi nhập viện trong tình trạng cổ, miệng bị bỏng nước. Sau 3 ngày điều trị, bệnh viện cho cháu Ngãi xuất viện về nhà. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân bị bỏng, nhưng dựa trên lời kể của gia đình, có thể phỏng đoán do chất độc loài bọ ban miêu khoang vàng cháu bắt trước đó”.

bo2.jpg
Cháu A Ngãi bị bỏng ở cổ và miệng sau khi bắt bọ ban miêu khoang vàng

Không chỉ cháu Ngãi, nhiều cháu nhỏ và một số người lớn đi bắt loài bọ ban miêu khoang vàng này cũng bị những triệu chứng như bỏng ngứa, nóng, sốt. Sau đó, họ được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô… nhập viện điều trị.

Phát tán, nhân nuôi sẽ bị xử phạt từ 3 đến 6 triệu đồng

Bà Hoàng Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong - cho biết, chính quyền địa phương nghe người dân báo có thương lái đến mua loài bọ ban miêu khoang vàng với giá cao. Dù đã khuyến cáo người dân không nên bắt vì trên thân loài này có độc, gây bỏng nhưng vì lợi ích kinh tế nhiều hộ dân vẫn bất chấp những lời cảnh báo.

Theo Chánh Văn phòng UBND huyện Đắk Tô Phan Văn Tuân, một số địa phương đã báo cáo với UBND huyện về tình trạng thương lái tìm mua loài bọ ban miêu khoang vàng có độc trên địa bàn. Ở một số địa phương trên địa bàn huyện cũng có trẻ em tham gia bắt loài bọ này để bán kiếm tiền. UBND huyện Đắk Tô đã chỉ đạo các xã kiểm tra tình trạng này, đồng thời có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần cẩn thận, không tìm bắt loài bọ này.

bo4.jpg
Một nạn nhân sau khi bắt bọ độc đã bị phỏng rộp đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Đãn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, cho biết: Hiện đơn vị chỉ biết về việc mua bán bọ ban miêu thông qua mạng internet. Đơn vị đã đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương nắm tình hình người dân đi bắt, thương lái thu mua bọ ban miêu khoang vàng trên địa bàn. Nếu có vi phạm thì tham mưu cho chính quyền địa phương xử phạt; đồng thời tuyên truyền người dân tuyệt đối không nhân nuôi bọ ban miêu vì mục đích thương mại. Theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP, hành vi phát tán, nhân nuôi bọ ban miêu sẽ bị xử phạt từ 3 - 6 triệu đồng.

Được biết, bọ ban miêu khoang vàng dài từ 10 - 15mm, thân hơi khum màu đen với các điểm hay dải ngang màu vàng, có khi thân màu vàng với các điểm hay dải ngang màu đen, đầu hình tròn tam giác. Loài này thường xuất hiện vào khoảng từ tháng 5 - 11 trong năm, gây hại trên lúa, khoai lang, bầu bí… Chúng phân bố khắp các tỉnh ở Việt Nam. Loài bọ này có công dụng làm thuốc rộp da để gây mụn dẫn độc hoặc làm thuốc tụ bệnh. Tuy nhiên, trong loài bọ này có độc tố nên quá trình sử dụng làm thuốc, thậm chí khi bắt cần hết sức thận trọng. Nếu không may bị ngộ độc thường rất đau đớn và dễ dẫn đến tử vong. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm