Nhiều phụ nữ bị mua bán bởi "mác" lấy chồng ngoại

28/07/2017 - 19:10
Tội phạm mua bán người ở Việt Nam đang diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, bọn buôn người thường triệt để khai thác tâm lý thích lấy chồng người ngoài của nhiều phụ nữ để lừa bán.
Thủ đoạn tinh vi, phức tạp

Ngày 28/7, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống mua bán người qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại tỉnh Đồng Tháp.
Số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho thấy, tính từ đầu năm 2011 đến tháng 6/2017, cả nước xảy ra 2.748 vụ mua bán người, liên quan đến  4.110 đối tượng, lừa bán 5.984 nạn nhân.

Riêng tại TPHCM, Hải Phòng và 13 tỉnh/thành miền Tây Nam bộ phát hiện 265 vụ với 700 đối tượng, 1.395 nạn nhân. Trong đó, có 147 vụ việc có dấu hiệu mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả với 437 đối tượng tham gia, 1.294 đối tượng.

Thậm chí, có nhiều phụ nữ còn trở thành nạn nhân của chính cô ruột, dì ruột trong gia đình. Nhiều phụ nữ từng là nạn nhân của việc nạn mua bán người sau đó lại trở thành những đối tượng phạm pháp, đi lừa bán những người phụ nữ khác.

dsc_2591.JPG
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, tình trạng mua bán người đang diễn ra hết sức phức tạp 
Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết, nạn nhân của mua bán người không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê… Phần lớn, phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài chủ yếu là những gia đình nghèo, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp.

Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát - Bộ Công an, cho biết, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người càng tinh vi. Lực lượng chức năng phát hiện nhiều đường dây có sự câu kết, phân công chặt chẽ giữa các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… với các đối tượng người Việt Nam lừa phụ nữ bán ra nước ngoài dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép.

Để nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, các đối tượng không tổ chức đưa đàn ông về Việt Nam mà thông qua mạng xã hội để xem mặt chọn vợ. Sau khi chọn được vợ thì làm thủ tục đưa các phụ nữ Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài để bán.

Cần xóa bỏ trào lưu “thích lấy chồng nước ngoài”

Đại tá Lý Hồng Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết, tội phạm mua bán người không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng. Các cơ quan cần xem lại công tác tuyên truyền bởi hiệu quả tuyên truyền hiện nay chưa cao. Tránh việc tuyên truyền theo hướng một chiều, chỉ nói ra những tiêu cực khi phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Các lực lượng Công an, Phụ nữ, Biên phòng… phải phối hợp với nhau chặt chẽ, nhịp nhàng.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng mua bán người thì đòi hỏi các ngành, các cấp cần đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia.

Với vai trò là Ủy viên Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết đề nghị lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội Biên Phòng và các lựu lượng khác có liên quan nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người. Từ đó, tập trung điều tra khám phá, bóc gỡ các đường dây tội phạm mua bán người, các trung tâm môi giới, tụ điểm trá hình về môi giới hôn nhân bất hợp pháp. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ được giao làm công tác này, từng bước xóa bỏ trào lưu “thích lấy chồng nước ngoài”, kịp thời biên soạn các tài liệu hướng dẫn, quán triệt các văn bản quy phạm pháp ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, vùng miền, tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao.

dsc_2598.JPG

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết và Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an chủ trì hội thảo 

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế , tạo công ăn việc làm, bảo đảm cuộc sống, nhất là phụ nữ còn khó khăn, nông thôn dân tộc thiểu số và những người bị mua bán hoặc do hôn nhân bất hạnh trở về quê hương làm ăn sinh sống, tái hòa nhập cộng đồng.

“Cần tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế. Ngoài ra, xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm mua bán người và hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhằm huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết nhấn mạnh.
 
Vấn đề phụ nữ Việt Nam sống chung như vợ chồng với công nhân nước ngoài
Theo số liệu công bố tại Hội thảo, từ năm 2011-2016, cả nước có 81.197 người Việt Nam (nữ chiếm 92%) kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trung bình mỗ năm có khoảng 13.500 người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.

Đặc biệt, gần đây, tại các khu công nghiệp, công trình… có vốn nước ngoài như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Hưng Yên... xuất hiện tình trạng phụ nữ Việt Nam sống chung như vợ chồng với công nhân nước ngoài đến địa phương làm việc.

Bên cạnh đó, một số  người  gốc Phi sang Việt Nam, chủ yếu các tỉnh/thành phố phía Nam sinh sống làm ăn đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với phụ nữ Việt Nam. Cá biệt, sử dụng phụ nữ Việt Nam hình thành các đường dây để buôn bán ma túy.

Cả nước có 17 trung tâm hỗ trợ kết hôn nước ngoài
Theo Hội LHPN Việt Nam, hiện trên cả nước có 17 Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Trong đó, riêng các tỉnh/thành phía Nam có 11 trung tâm.

Các trung tâm đã tư vấn cho hơn 15.000 trường hợp liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài, có 2.113 trường hợp hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, 210 trường hợp hoàn thành thủ tục ly hôn. Đa số phụ nữ đến trung tâm để tư vấn, đăng ký kết hôn có độ tuổi từ 18-30 tuổi và phần lớn ở nông thôn, không có việc làm ổn định.
                                    

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm