Chủ nhà hàng, phòng gym ở TPHCM "tiến thoái lưỡng nan" mùa dịch

Đinh Thu Hiền
08/04/2020 - 17:30
Chủ nhà hàng, phòng gym ở TPHCM "tiến thoái lưỡng nan" mùa dịch
Trả nhà thì mất tiền cọc, dang dở chuyện kinh doanh, tiếp tục đóng tiền thuê mặt bằng thì "ăn hết vốn", là câu chuyện đi cũng dở, ở không xong của nhiều tiểu thương tại TPHCM.

Mỗi sáng, như thường lệ, Hoài lại tới mở cửa phòng tập thể hình để lau dọn và khởi động cho máy móc chạy không bị ẩm mốc. Phòng tập của cô nằm trên con đường trung tâm của Q.Bình Tân, TPHCM, trước đây khá đông khách. 

"Nhưng từ Tết tới giờ, khi thông tin có dịch bệnh Covid-19 thì nhiều khách đã nghỉ tập. Thu không đủ bù chi phí. Và tới khi tạm đóng cửa theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, thì em không còn khoản nào thu vào nữa, trong khi tiền thuê mặt bằng vẫn phải đóng. Năn nỉ hết lời xin chủ nhà bớt 50% nhưng anh chị ấy không đồng ý. Họ chắc nịch chỉ bớt 10% khiến em giờ liểng xiểng. Đang làm ăn thế này thì dọn đi thế nào. Trước Tết lại còn tăng giá thuê và tăng tiền cọc cả trăm triệu đồng nữa, làm sao em dám ngưng hợp đồng! Giờ ăn cháo qua ngày là cách nói văn hoa, nhưng có thật, vì quả thực là không còn tiền nữa chị ạ!", Hoài vừa lau dọn phòng tập, vừa buồn bã chia sẻ. 

Người thuê mặt bằng kinh doanh tiến thoái lưỡng nan mùa dịch bệnh - Ảnh 1.

Chợ Bến Thành đóng cửa từ trước khi có Chỉ thị 16

Trước khi đóng cửa theo lệnh của Chính phủ, cô chủ phòng tập thể hình này đã hy vọng dịch bệnh kéo dài không quá lâu, cho dù 15 ngày không có thu nhập cũng đã là ở mức phải gồng gánh quá nhiều lo toan. Nhưng tới thời điểm này, Hoài đang mất ăn mất ngủ vì sợ rằng tới 15/4 cũng chưa chắc dịch bệnh được đẩy lùi. Cô nói, đọc trên báo chí thấy các cơ quan chức năng đang đề xuất giãn cách xã hội thêm 2 tuần nữa. Hoài kể "em đã "ăn vào thịt của chính mình" từ đầu năm tới giờ rồi. Em vừa nhắn với anh chị chủ nhà, nếu anh chị không đồng ý giảm 50% tiền mặt bằng cho thời gian đóng cửa phòng tập, thì em đành phải chờ tới lúc nào được mở cửa lại kinh doanh, có tiền mới trả được. Đành vậy thôi, chứ biết phải làm gì bây giờ".

Tình cảnh của Hoài cũng là tình cảnh của nhiều tiểu thương khác khi phải đóng cửa theo chủ trương của nhà nước để chống dịch bệnh, nhưng lại không được sự đồng lòng chia sẻ của các chủ cho thuê mặt bằng. Người kinh doanh gặp nhiều khó khăn, rất dễ đối mặt với phá sản trong thời gian đóng cửa mà vẫn phải chi trả các khoản như duy trì mặt bằng, điện nước, lương nhân viên. 

Cựu diễn viên Kim Thư, bà xã cũ của ông bầu nổi tiếng Phước Sang 1 thời, hiện cũng chia sẻ nhiều nỗi lo khi nhà hàng của cô vừa khai trương trước Tết tại Q.7, TPHCM, đang trong giai đoạn "chạy roda", thì lại phải đối mặt với việc đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. "Suốt 7 năm qua, tôi đã chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm từng đồng, không cả mua sắm quần áo và túi xách cho bản thân để gom góp được số tiền mở nhà hàng. Vậy mà chưa kịp vui mừng, đã ập tới nỗi lo. Tôi đứng trước nguy cơ mất hết các khoản tiền tiết kiệm trong 7 năm đã đành, mà thấy thương nhân viên lắm khi phải cho họ nghỉ vì không biết phải làm sao. Cũng may, tôi không phải đi vay ngân hàng để mở nhà hàng này, nhưng tới giờ thì thấy mọi chuyện quá buồn bã và mệt mỏi", bà chủ Kim Thư cho biết. Hiện quán của Kim Thư có bán online cho khách đặt đồ ăn mang về, nhưng số lượng không nhiều để đủ bù chi phí. 

Chủ nhà hàng, phòng gym ở TPHCM "tiến thoái lưỡng nan" mùa dịch - Ảnh 2.

Bà chủ nhà hàng - diễn viên Kim Thư chia sẻ về khó khăn phải đối mặt

Ở quy mô kinh doanh nhỏ lẻ hơn, Mai Khoa đã phải chấp nhận mất rất nhiều chi phí, từ việc mất tiền cọc thuê mặt bằng cho tới chuyện thuê xe chở tất cả các đồ vật dụng phục vụ cho tiệm spa của cô tại Q.Bình Thạnh về quê tại Bến Tre, vì cắt lỗ sớm chừng nào thì sẽ tốt chừng đó. Khoa kể: "Spa của em đang đông khách thì xảy ra dịch bệnh, khách hàng không dám tới sử dụng dịch vụ nữa, nên nếu Chính phủ không có lệnh đóng cửa, thì em cũng đành phải đóng sớm thôi. Dịch bệnh chưa biết khi nào thì ngưng, mà nếu được tiếp tục mở cửa, thì khách cũng khá lâu mới quay lại. Nên em đã có quyết định sớm, dù bị thiệt hại khá nhiều. Còn hơn giờ em cứ ngồi chờ thắc thỏm ngày này qua tháng nọ, dễ đau tim lắm!".

Cô chủ tiệm spa dù bị mất tiền nhiều, nhưng tự nhận tâm trạng lại đang nhẹ nhõm hơn nhiều người kinh doanh khác vẫn đang lưỡng lự, không biết chọn lựa phương cách nào. Mai Khoa dự tính, sau khi hết dịch bệnh, cô quay trở lại Sài Gòn và mở tiệm kinh doanh đồ ăn uống có lợi cho sức khỏe. "Trong thời gian ngồi chờ, em học ngoại ngữ và lên nhiều phương án kinh doanh", Mai Khoa cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm