Nhớ bánh chưng sắn mẹ làm thời gian khó

14/02/2018 - 22:56
Mỗi khi Tết về là nỗi nhớ quê hương như cồn cào, da diết. Bao hoài niệm lại về một thuở chờ mẹ gói bánh chưng sắn gắn bó với tuổi thơ gian khó. Sau đây là những chia sẻ rưng rưng cảm động của chị Usuzumi Haresa - kiều bào tại Nhật Bản.
Mẹ vớt ra cất riêng những chiếc bánh chưng sắn to để ăn Tết, còn một cái bánh nhỏ, mẹ cắt ra cho mỗi đứa nếm thử một miếng. Vị bùi bùi nồng nàn của sắn quyện lẫn với cái dẻo thơm của nếp tạo nên thứ hương vị riêng mà một đứa trẻ háu đói như tôi hồi ấy không cảm nhận hết.
Ruộng sắn

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê trung du nghèo, đất cằn sỏi đá, đồi lô xô như bát úp chỉ trồng toàn sắn là sắn. Cây sắn đã gắn bó với kỷ niệm tuổi thơ gian khó của tôi như một mảng màu đậm nét trong bức tranh về quê hương không bao giờ phai nhạt. Từ trò chơi con trẻ đến những món ăn hàng ngày nuôi chúng tôi lớn lên cũng đều có sắn. Nói đến các món ăn được chế biến từ sắn thì ai cũng biết như sắn luộc, sắn nướng, bánh sắn, cháo sắn, canh sắn… nhưng bánh chưng sắn dùng cho 3 ngày Tết Nguyên đán thì chỉ những ai trải qua tháng ngày đói khổ thì mới được thưởng thức. Vào những ngày 28, 29 tháng chạp, khi đây đó trong làng vang lên tiếng lợn kêu eng éc, khói nấu bánh bay lởn vởn trên những nóc nhà, nước hồ Miêng đã bắt đầu nổi váng mỡ lòng lợn và mùi chả nướng thơm ngào ngạt khắp các xóm ngõ thì cũng là lúc mẹ giục chị em tôi rửa lá chuối, đãi đỗ, đãi gạo rồi mẹ chọn những củ sắn nếp béo múp míp gọt vỏ và nạo ra để chuẩn bị gói bánh chưng. Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, mẹ ngả cái nong to như cái giếng làng ra giữa nhà để gói bánh. Mấy đôi mắt trẻ thơ hau háu nhìn theo tay mẹ qua từng động tác. Phần vì đói, phần vì tò mò nên chúng tôi ngồi chầu hẫu và háo hức, mới hình dung miếng bánh chưng được cắt ra bốc khói nghi ngút là đã cục yết hầu ở cổ đã trồi lên, tụt xuống liên hồi.
 
Sắn được nạo ra trộn lẫn gạo nếp rồi cho vào chõ xôi gần chín thì dỡ ra và gói như gói bánh chưng sau đó mới cho vào nồi luộc chín nhừ để sắn và gạo quyện lẫn trong nhau. Bố tôi bảo: Làm thế này dễ gói, chả cần khuôn lại nấu nhanh chín, đỡ tốn củi. Lá chuối có sắn trong vườn, lạt gói bánh cũng được chẻ ra từ bẹ chuối, đỗ xanh thì mẹ đã cất trong cái lọ sành từ hồi tháng 5 ủ tro bếp nên chả lo bị mối mọt.

Món sắn bở tơi hấp dẫn

Hồi ấy, tôi mới học lớp 6, khi đọc "Sự tích bánh chưng, bánh dày" trong cuốn Kho tàng cổ tích Việt Nam, tôi đã biết tỏng tòng tong rằng bánh chưng làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ và gói bằng lá dong xanh, lạt giang. Thế nhưng, khi thấy mẹ gói bánh chưng chỉ có một phần gạo, hai phần là sắn nạo, lá chuối thay cho lá dong, lạt giang thay bằng lạt chuối thì tôi cũng chẳng thắc mắc gì bởi bố đã tuyên bố từ hôm 23 tháng chạp: “Mẹ mày chỉ đong 5kg gạo nếp gói riêng mấy cái bánh nguyên chất để cúng ông bà tổ tiên rồi để dành trong 3 ngày tết, đợi các cô chú ở xa về thì cắt ăn, còn nhà mình gói gạo nếp lẫn với sắn ăn cho được nhiều”.

Ừ thì bánh của ông Lang Liêu Làm ra để cúng Tiên Vương gọi là bánh chưng, còn bánh mẹ tôi gói gọi là BÁNH CHƯNG SẮN cũng chả sao, miễn là có bánh chưng để ăn.
 
Có lẽ cái việc ăn sắn thay cơm đã được mặc định trong nhận thức của chị em tôi nên chả đứa nào tỏ vẻ thất vọng khi cả năm có 3 ngày Tết mà vẫn phải ăn độn sắn. Đứa nào cũng háo hức đợi cái nồi đồng phình đít, thắt cổ bồng đang sôi sùng sục, thở hơi phì phò trên bếp củi.
Bánh chưng sắn


Bánh nấu chín có màu ngà ngà của lá chuối luộc và không vuông thành sắc cạnh như bánh chưng gạo nếp. Mẹ vớt ra cất riêng mấy cái bánh “nguyên chất” và những chiếc bánh chưng sắn to để ăn Tết, còn một cái bánh nhỏ, mẹ cắt ra cho mỗi đứa nếm thử một miếng. Vị bùi bùi nồng nàn của sắn quyện lẫn với cái dẻo thơm của nếp tạo nên thứ hương vị riêng mà một đửa trẻ háu đói như tôi hồi ấy không cảm nhận hết. Tôi cắn thấu bì một miếng bánh có đủ cả nhân nhị rồi ngậm trong miệng chạy vù ra cổng chơi, nghe tiếng pháo đì đùng vọng về từ nhà ai đó, cảm nhận tết đang đến rất gần. Tôi sợ nếu mình nhai thì miếng bánh sẽ chui tọt vào dạ dày nhanh chóng khi chưa kịp cảm nhận cái vị ngon giống như Trư Bát Giới ăn quả nhân sâm vậy. Rồi tôi rón rén bước, vừa đi vừa đếm bước chân và tự khoán cho mình khi nào đi đủ 100 bước mới được nuốt hết miếng bánh.

5 anh chị em chúng tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn như tằm ăn rỗi nên hết 3 ngày tết thì bánh chưng sắn cũng hết veo, lại bắt đầu vào những ngày tháng 3 giáp hạt đói reo đói rắt, sắn tươi không còn nữa, chỉ còn món bánh sắn làm từ bột sắn khô để duy trì bữa ăn hàng ngày. Tối đi nằm, bụng sôi èo uột, trong giấc ngủ lại mơ về tết sang năm để được ăn bánh chưng sắn.
 
Về sau này, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn bật cười vì cái sự hồn nhiên trẻ con của mình nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi xót xa thương tuổi thơ đói khổ. Bây giờ tôi đã định cư ở Nhật Bản được 20 năm, mỗi khi về thăm quê đều tìm mua mấy củ sắn về nạo ra xôi với gạo nếp để ăn và ôn lại kỷ niệm, có năm tôi không về được, các em tôi làm xôi sắn rồi chụp hình gửi sang để cho tôi ngắm cho đỡ nhớ.
 
Các anh chị em giờ cũng lên ông, lên bà. Hàng năm, mỗi khi đại gia đình quây quần bên mâm cơm Tết có đầy đủ các món ngon lại bồi hồi ôn kỷ niệm bánh chưng sắn ngày xưa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm