Bác hỏi kỹ về cơ cấu hai tổ chức Phụ nữ trên. Bác cho ý kiến là ta cũng phải thành lập ngay một tổ chức Phụ nữ tập hợp rộng rãi các thành phần phụ nữ trong đó Đoàn phụ nữ cứu quốc là nòng cốt. Tổ chức này cũng phải gia nhập Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế để đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, đấu tranh cho quyền phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới, góp phần nâng cao vị thế của Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tranh thủ sự giúp đỡ của phụ nữ quốc tế.
Lúc này tôi là ủy viên ban vận động Nữ thanh niên thành Hoàng Diệu, tôi sống chung với chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng trên gác số nhà 127 phố Phùng Hưng là nơi mẹ chị Tụy Phương đưa đón cán bộ Cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám. Chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng Bí thư ban liên lạc Phụ nữ Bắc Bộ bảo tôi: “Em phải tìm cách tập hợp được nhiều nữ thanh niên hiện nay chưa vào sinh hoạt trong một đoàn thể nào để có một Mặt trận nữ thanh niên là thành viên của Mặt trận Phụ nữ”. Hội LHPN ngoài tờ báo riêng là Tiếng gọi Phụ nữ còn được báo Cứu quốc dành một trang hằng tuần cho Hội Phụ nữ.
Ngày 20 tháng 10 năm 1946, Hội LHPN Việt Nam đã làm lễ ra mắt tại Nhà hát Thủ đô. Ban Chấp hành Hội LHPNVN gồm có: bà Lê Thị Xuyến (vợ ông Phan Thanh), bà Nguyễn Thị Thục Viên (giới trí thức), bà Thuận Lợi, bà Đức Thành (giới thương nghiệp)… Bà Lê Thị Xuyến được bầu làm Chủ tịch Hội. Trên cơ sở từ những tổ chức tiền thân, Hội đoàn kết, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ.
Tác giả (bên phải) và bà Lê Thị Xuyến, ảnh chụp năm 1962 |
Chỉ ít lâu sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, các cơ quan của Trung ương chuyển lên chiến khu Việt Bắc.
Cuối năm 1949, Hội nghị Phụ nữ Á châu họp ở Bắc Kinh. Hội LHPN VN cử một đoàn đại biểu từ Bản Quyên ở chiến khu Việt Bắc đi bộ vượt biên giới, làm một chuyến đi lịch sử ròng rã hai tháng trời mới đến Bắc Kinh.
Hội LHPN VN với tính chất Mặt trận rộng rãi sớm có vai trò trong Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế.
Là cán bộ Hội Phụ nữ từ ngày Hội mới thành lập đến nay đã 70 năm, nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy Hội đã làm được nhiều việc, góp phần quan trọng vào công cuộc giành độc lập và xây dựng Tổ quốc.
Nhưng có một điều tôi vẫn suy ngẫm, mong sao những ý kiến này được Ban chấp hành Hội quan tâm để đến Đại hội Phụ nữ toàn quốc sắp tới có thể thực hiện được việc đoàn kết rộng rãi hơn các tầng lớp phụ nữ và mở rộng hơn các thành phần ban lãnh đạo ở các Ban chấp hành từ Trung ương đến cơ sở Hội.
Hiện nay, thành phần doanh nghiệp tư nhân đã được công nhận là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nên chăng ta cần có thêm những nữ doanh nghiệp tiêu biểu cho một nền kinh tế nhiều thành phần. Về khoa học, văn học, giáo dục ta cũng không thiếu thành phần trí thức. Ngoài những trí thức mới được đào tạo trong thời gian qua thì ngay trong đội ngũ cán bộ Hội cống hiến cho Hội suốt 70 năm qua cũng có nhiều trí thức. Các chị ấy đã là những trí thức có một nền văn hóa cơ bản, thành thạo từ một đến hai ngoại ngữ từ ngày đầu Cách mạng tháng Tám. Sau 70 năm hoạt động cho Hội, các chị đã trở thành những bác sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục, những người của công chúng.
Nhà văn Nguyệt Tú (cầm nón) trong đoàn đại biểu báo Phụ nữ. Việt Nam đi đón khách quốc tế những năm đầu giải phóng Thủ đô. |
Theo suy nghĩ của tôi, để chuẩn bị cho Đại hội Phụ nữ toàn quốc sắp tới, ta nên nghĩ đến tính chất Mặt trận Phụ nữ trong các Ban chấp hành từ Trung ương đến cơ sở đáp ứng với xã hội đang ngày càng phát triển và nền kinh tế gồm nhiều thành phần, đòi hỏi một tầm nhìn rộng rãi, bao quát hơn và một sự hoạt động ngày càng sâu rộng hơn.