pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhọc nhằn gieo no ấm giữa lòng cao nguyên đá (Bài 1)
Người dân tỉnh Hà Giang phát triển trồng chè từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi
Trải qua cung đường như dải lụa mềm uốn lượn trên những đèo dốc khúc khuỷu, những ngọn núi tai mèo dựng đứng, chúng tôi về với mảnh đất địa đầu cực Bắc linh thiêng của Tổ quốc - Hà Giang. Vượt lên những điều kiện của một vùng đất khó khăn bậc nhất Tổ quốc, 22 dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên mảnh đất Hà Giang bao đời nay không chỉ kiên cường bám đất, bám rừng, giữ gìn từng tấc đất quê hương mà đang nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo cùng với những sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
Trong đó, tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện suốt 20 năm qua đã và đang trở thành động lực giúp người dân khơi dậy tiềm năng của mảnh đất này, hóa đất cằn thành cơm no, áo ấm.
Vượt qua cung đường Hạnh Phúc từ thành phố Hà Giang qua công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi đặt chân tới huyện Mèo Vạc. Đúng như cái tên, con đường mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho hàng vạn đồng bào dân tộc bị biệt lập từ bao đời trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Nó cũng mang theo tư duy kinh tế thị trường về thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, để rồi khi có thêm dòng vốn chính sách về bản, người dân dần bắt nhịp với tư duy sản xuất hàng hóa, từng bước vượt qua đói nghèo.
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho biết: Từ 02 chương trình nhận bàn giao ban đầu (cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm), đến nay, NHCSXH huyện Mèo Vạc đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án của địa phương do ngân sách tỉnh, huyện uỷ thác sang NHCSXH thực hiện.
Trên 44.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được hỗ trợ vốn
20 năm qua, NHCSXH huyện Mèo Vạc đã hỗ trợ vốn cho trên 44.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số tiền đạt gần 994 tỷ đồng. Trong đó, 27.802 lượt hộ nghèo, 1.588 lượt hộ cận nghèo, 1.974 lượt hộ mới thoát nghèo đã có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.
Nguồn vốn cũng giúp cho 952 lao động có công ăn việc làm ổn định; 201 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động; 6.596 hộ trung bình, khá vay vốn để sản xuất kinh doanh; 1.904 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở; trên 346 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; 2.888 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn...
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân của huyện đạt trên 13,3%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 1,95 triệu đồng/người/năm (năm 2002) lên 28 triệu đồng/người/năm (năm 2022).
Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Mèo Vạc trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước với thực tiễn tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn.
Tới đây, sẽ có thêm nhiều người dân Mèo Vạc bước qua nghèo khó khi dòng vốn tín dụng vẫn đang hỗ trợ 8.388 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng sống với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 363,8 tỷ đồng, gấp 20,23 lần so với thời điểm mới thành lập.
Không chỉ riêng vùng đất khó khăn Mèo Vạc, 20 năm qua, dòng vốn tín dụng chính sách đã trở thành trụ cột hỗ trợ trực tiếp người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Với tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách đến nay đạt 4.046,6 tỷ đồng/89.063 hộ còn dư nợ, dư nợ bình quân 45 triệu đồng/hộ, đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Giang từ 43,65% (năm 2016) giảm xuống còn 22,29% (cuối năm 2020), bình quân giảm 4,27%/năm. Trong đó, 6 huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 33,51%; 8 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; chỉ còn 7 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a của Chính phủ...