Những bài học đắt giá khi quản lý tài chính cá nhân sai cách

Lam Anh
29/09/2022 - 07:50
Kiếm được tiền đã khó, làm thế nào giữ được nó lại là bài toán khó hơn.

"Tôi đã nghĩ quản lý tài chính cá nhân có thể bắt đầu ngay bằng việc chúng ta lựa chọn và áp dụng một quy tắc nào đó phù hợp với bản thân mình. Cho đến khi nhận ra rằng càng cố gắng để tiết kiệm, bản thân lại càng tiêu hoang và tiền cứ thế "bay" đi hết - giống hệt như cách nhiều người "xả" sau một thời gian dài áp dụng những biện pháp ăn kiêng khắc nghiệt vậy!" - Thùy Trang (27 tuổi, Vĩnh Phúc) chia sẻ.

Càng cố siết chặt, càng dễ mất kiểm soát chi tiêu

Thùy Trang (27 tuổi, Vĩnh Phúc) ý thức được sự cần thiết và lợi ích từ việc chuẩn bị sẵn cho bản thân một khoản tiết kiệm như thế nào sau nhiều lần rỗng ví, thậm chí không còn nổi vài đồng bạc lẻ để mua thuốc khi ốm đau chỉ vì mất hơn nửa số tiền vào các trải nghiệm cá nhân. Cô bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về việc quản lý tài chính cá nhân và thử áp dụng tất cả các quy tắc tiết kiệm phù hợp với bản thân nhưng việc này lại khiến cô ngày càng mất kiểm soát chi tiêu.

Những bài học đắt giá khi áp dụng quản lý tài chính cá nhân sai cách - Ảnh 1.

Sau 6 tháng miệt mài tiết kiệm, Thùy Trang thừa nhận vẫn chưa dành dụm được đồng nào. (Ảnh minh họa)

"Có những quãng, tôi thắt chặt chi tiêu tới độ bỏ tiền ra mua 1 cái váy 300k cũng thấy xót và lắc đầu bỏ qua ngay; hay như việc tập luyện, tôi cũng lựa chọn tự xem hướng dẫn trên youtube để tập tại nhà thay vì bỏ 500k - 600k/tháng đi ra phòng tập.

Thoạt nghe thì thấy cách chi tiêu này hẳn sẽ khiến tôi tiết kiệm được không ít tiền của. Nhưng mọi thứ không hề đơn giản như thế. Được 1-2 tháng đầu, tôi cố gắng tuân thủ nghiêm ngặt các kế hoạch chi tiêu của mình, luôn cân nhắc kỹ lưỡng trước mọi quyết định "xuống tiền".

Thế rồi về sau, chỉ vì cách chi tiêu đó đã khiến tôi khi thì rơi vào cảnh mất tiền bởi những thứ không đâu vào đâu, ham thứ rẻ; khi lại lâm vào tình huống mất kiểm soát vì kìm hãm mãi mới đến ngay "bung".

Cứ như vậy, 1 lần tiêu tiền của tôi lúc đó khéo khi bằng số tiền chi tiêu trong cả tháng khi chưa thắt chặt chi tiêu." - Thùy Trang nói thêm.

Sau lần đó, Trang thừa nhận bản thân gặp nhiều khó khăn trong việc phải lý trí và tính toán để tiết kiệm sao cho đúng; từ đó mới mong siết chặt được những khoản chi tiêu không cần thiết và giữ cho bản thân tỉnh táo hơn để tránh mua sắm bốc đồng.

Tiền chia càng nhỏ, càng dễ vỡ lẻ

Trong khi đó, Hương Quỳnh (32 tuổi, Hà Nội) lại đối mặt với vấn đề khác khi quản lý chi tiêu tài chính cá nhân.

Cụ thể, Hương Quỳnh lựa chọn việc chia tiền thành phần trăm, có nghĩa là mỗi tháng cô đều chia thu nhập của mình ra thành nhiều phần nhằm phục vụ các mục đích khác nhau.

Những bài học đắt giá khi áp dụng quản lý tài chính cá nhân sai cách - Ảnh 2.

Dù phân chia cụ thể các khoản tiêu dùng với 3 ví điện tử khác nhau, Hương Quỳnh vẫn không thể tiết kiệm được số tiền đúng như kế hoạch đã đề ra. (Ảnh: NVCC)

"Mỗi tháng, tôi đều lên kế hoạch cụ thể về từng khoản chi tiêu theo công thức 50-30-20, tức 50% dành cho chi tiêu thiết yếu - 30% chi tiêu cá nhân và 20% chi tiêu tài chính, dành cho bảo hiểm, tiết kiệm và đầu tư.

Tôi cũng chuyển tiền vào các ví điện tử riêng biệt và có quy định rõ về giới hạn sử dụng của từng khoản giúp bản thân tránh rơi vào tình trạng dùng hết một lúc.

Tuy nhiên, có không ít lần tôi đã chi tiêu lẫn lộn vào các khoản chỉ để thỏa mãn nhu cầu trong cuộc sống" - Hương Quỳnh nói.

Trong khi đó, Trung Hiếu (29 tuổi, hướng dẫn viên du lịch, TP HCM) cũng loay hoay không kém với bài toán chi tiêu của cá nhân mình dù đã tìm hiểu không ít về vấn đề này.

"Sang đầu năm tới, tôi có dự định mua nhà nên 5 năm trước đã mở thêm tài khoản tiết kiệm, đồng thời đều đặn rót vào đây khoảng 45% thu nhập mỗi tháng. Sau 1 năm mở tài khoản tiết kiệm, tôi mở thêm 2 ví điện tử khác để dành cho các khoản chi phục vụ các nhu cầu như xăng xe, mua sắm, chăm sóc sức khỏe.

Thế nhưng, đầu tháng 9 vừa qua kiểm tra lại tài khoản, số tiền dành dụm được khiến tôi vô cùng thất vọng" - Trung Hiếu nói.

Là một hướng dẫn viên du lịch với thu nhập trước đại dịch mỗi tháng đều nằm trong khoảng từ 20 - 25 triệu đồng. Trung Hiếu từng tự tin trích 45% thu nhập mỗi tháng và hy vọng có một khoản tiền nhỏ mua nhà trả góp vào năm 2023, song Hiếu lại không tính tới bài toán nếu thu nhập giảm thì phải làm sao. Và sau 2 năm đại dịch, công việc bị ảnh hưởng nặng, việc phải chuyển đổi sang kinh doanh, mở 1 quán cà phê nhỏ tại nhà đã khiến Hiếu phải tiêu vào tài khoản tiết kiệm khá nhiều. Chưa kể, tính đến hiện giờ là sau gần 1 năm kinh doanh nhưng tiền lãi cũng chỉ vừa đủ để không phải "gồng lỗ" chứ chưa dư ra đồng nào.

Bên cạnh đó, 2 ví điện tử còn lại dành cho các nhu cầu chi tiêu cá nhân thì liên tục bị "bòn rút" vì các khoản thu - chi khi đủ khi thiếu chồng chéo nhau, nối dài từ tháng này qua tháng khác.

Những bài học đắt giá khi áp dụng quản lý tài chính cá nhân sai cách - Ảnh 3.

Việc "chia trứng làm nhiều giỏ" nghe thì có vẻ khoa học, nhưng thực chất lại không an toàn.

Loay hoay trong kế hoạch chi tiêu của chính mình

Ở thời điểm hiện tại, Thùy Trang đã lỡ chi quá tay cho việc đi du lịch và mua quần áo nên chỉ còn chưa đến 3 triệu đồng trong tài khoản để cầm cự tới hết tháng, trong khi chỉ còn vài ngày nữa là tới hạn đóng tiền nhà. Ngoài ra, cô bạn cũng nợ thêm một khoản chừng 5 triệu đồng trong thẻ tín dụng vì những khoàn mua sắm đồ gia dụng, quần áo của tháng trước.

Tương tự, Trung Hiếu cũng đang đau đầu cân nhắc các khoản chi tiêu và kế hoạch kiếm tiền sao cho có thể hoàn thành được mục tiêu như ban đầu đã đề ra. Hiện tại, Hiếu đã hiểu được nguyên nhân dẫn đến vấn đề này từ đâu và đang tìm cách khắc phục để không còn loay hoay trước kế hoạch quản lý tài chính cá nhân của mình.

"Trước khi lập kế hoạch và bắt tay vào việc xây dựng quỹ tiết kiệm, tôi nghĩ các bạn nên đảm bảo sự an toàn về 2 thứ: 1 là thu nhập để dòng tiền vào quỹ đều đặn hàng tháng và 2 là số tiền cất đi để tránh sự chán nản, từ bỏ trước chính mục tiêu của mình.

Trong trường hợp công việc chính bị ảnh hưởng dẫn tới thu nhập giảm sút, hãy cố gắng nhanh chóng tìm thêm nguồn thu khác để cân bằng" - Trung Hiếu chia sẻ.

Bài viết ghi theo chia sẻ của nhân vật

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm