Một mình lên thuyền bám biển mưu sinh
Từ sớm tinh mơ, tại cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà đã tấp nập kẻ bán người mua, những đoàn thuyền sau nhiều ngày ra khơi bám biển trở về, mang theo những sản vật từ thiên nhiên ban tặng. Từ dưới thuyền lên bờ, không chỉ có đàn ông mà còn một vài chị em phụ nữ trở về với khuôn mặt rám nắng, nhọc nhằn sau một ngày lênh đênh trên biển.
Hình ảnh này đã không còn xa lạ với người dân địa phương, nhưng với những người lần đầu bắt gặp các chị đi biển về như chúng tôi thì ai nấy đều “mắt tròn mắt dẹt”.
Đem thắc mắc đi hỏi những người đang mua bán cá chuẩn bị chuyến hàng sớm, chị Đặng Thị Hợi, thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cho biết: “Ở làng chài chúng tôi có một số người mặc dù phụ nữ, tuổi đã cao nhưng vẫn đi biển hằng ngày, họ câu cá, câu mực giỏi ngang ngửa cánh đàn ông, các cô cứ xuống góc cảng có một số bà đang chuẩn bị đi biển là thấy.”
Nghe lời chị Hợi, chúng tôi men theo bờ cảng đi tìm và thấy một vài thuyền cá của các chị em chuẩn bị ra khơi khi mặt trời vừa rạng. Ở một góc cảng, các chị các mẹ đang lỉnh kỉnh sửa soạn ngư cụ để bắt đầu cuộc mưu sinh, đồ dùng đơn giản cùng bữa cơm đạm bạc nhanh chóng được đưa lên thuyền, các “bóng hồng” bắt đầu cuộc hành trình vươn khơi bám biển.
Vừa quấn lại lưới và lưỡi câu cho gọn để xếp lên thuyền, bà Nguyễn Thị Trúc (xóm Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) tâm sự: “Mỗi ngày tôi dậy từ 3h sáng, lo cơm nước cho chồng xong mới dong thuyền ra biển. Khoảng 4 giờ sáng lên thuyền đánh bắt đến 14 giờ mới trở vào bờ, còn đợt nào cá về nhiều thì dậy đi từ 1h đêm đến 9 giờ sáng. Ngày xưa tôi chèo thuyền đi đánh cá nhưng mấy năm nay cá gần bờ không còn nhiều, cả nhà quyết định sắm chiếc thuyền máy chạy ra cách 10 hải lý để tôi đi câu. Ngày nào trúng đậm, tôi kiếm được dăm bảy trăm ngàn, còn bình thường cũng kiếm được dăm chục ngàn bù chi phí xăng dầu.”
Nhìn thấy dáng người nhỏ nhắn với gương mặt khắc khổ của phận đời bươn chải nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi cảm nhận thấy thân phận người phụ nữ dường như quá nhỏ bé so với đại dương mênh mông, nhưng khi dáng người mảnh khảnh ấy bước từng bước lên thuyền, mạnh mẽ và dứt khoát các động tác cầm chèo, tôi biết rằng các chị đã sẵn sàng đương đầu sóng gió để mưu sinh.
Bà Đỗ Thị Lý (thôn Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) năm nay đã ngoài 74 tuổi nhưng vẫn ngày ngày đi thuyền ra biển đánh cá chẳng thua gì lớp thanh niên. Nghe giọng nói dân miền biển hào sảng, người rắn rỏi và mạnh khỏe như vậy nhưng bà cũng trải qua nhiều lần “thập tử nhất sinh” vì 3 lần mổ sỏi mật, ốm thì nghỉ cứ khỏe lại là bà lại tiếp tục nghề chinh phục biển khơi.
Bà Lý vốn là dân làng chài chính gốc, cha mẹ làm nghề đi biển, bà cũng được sinh ra giữa biển khơi nên sau khi lấy chồng, bà tiếp tục lên thuyền phụ chồng đánh cá. Năm 2003 chồng bà gặp tai nạn bị liệt bên chân trái, một mình bà tiếp tục chèo thuyền ra khơi, nhặt nhạnh từng con cá, con mực kiếm tiền nuôi chồng.
Bà cho biết: Chồng tôi bị liệt chân nên tôi là trụ cột chính trong nhà. Trước đây tôi liều mình đi biển vì phải bươn chải để kiếm tiền nuôi con, sau này khi các con trưởng thành thì cái nghề nó ngấm vào máu rồi, nhiều ngày ốm không đi biển tôi lại buồn nên cứ khỏe, thời tiết đẹp là tôi lại chèo thuyền ra biển mưu sinh.
Khi được hỏi về những hiểm nguy rình rập trên những chuyến đi xa, hầu hết các bà, các chị đều kể về những lần suýt “giao mình” cho hà bá, những lần suýt chết ấy được kể lại một cách nhẹ bẫng, như đã quá quen thuộc với nhưng hiểm nguy thường ngày.
Bà Trúc kể lại chuyện cách đây hai năm: “Trong một lần câu cá gần bờ bất ngờ gió nổi lên, tôi liền gom câu quay thuyền vào bờ. Khi còn cách bờ chừng 2 hải lý thì thuyền bị sóng đánh lật, một mình vật lộn với những con sóng to, phải mất gần nửa ngày tôi mới bơi được vào bờ. Lúc nằm thở dốc trên bãi biển tôi mới biết được mình còn sống, cũng khiếp mất một thời gian nghỉ đi biển nhưng sau lại tiếp tục vì mưu sinh, làng chài đất chật người đông, không đi biển thì cả nhà lấy gì mà ăn.”
Đồng hành cùng chồng bám biển
Tại bến Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), sau cơn bão số 10, biển bình yên trở lại, người dân lại tiếp tục ra khơi mưu sinh. Sau một ngày long đong trên biển, thuyền bà Nguyễn Thị Châu (xóm Tân Hải, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) cập bờ mang theo vài khay mực, vài khay cá lên bán. Đó là thành quả lênh đênh trên biển cả buổi sáng của hai vợ chồng. Từ hàng chục năm nay, bà Châu luôn đồng hành cùng chồng trên những chuyến mưu sinh giữa biển khơi.
Sinh ra ở trên thuyền nên bà bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm theo nghiệp biển. Bởi thế, bà có 3 đứa con thì cả 3 đều được sinh ra trên thuyền. Đến tuổi xế chiều, con cái đã thành thất thành gia, đôi bạn già lại bán thuyền lớn, sắm chiếc thuyền nhỏ ngày ngày chèo ra gần bờ bắt hải sản vừa để mưu sinh, vừa để giải khuây sau những tháng năm mệt mỏi vươn khơi xa.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Tâm (xóm Giang Hà, xã Thạch Kim, Huyện Lộc Hà) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Bà Tâm từ nhỏ đã theo cha đi biển, đến khi lấy chồng bà cũng dạy chồng đi biển, mấy chục năm nay hai vợ chồng cùng nhau vươn khơi, kiếm tiền nuôi con ăn học.
Bà Tâm chia sẻ: “Ban đầu chồng tôi làm nghề thợ máy, sau này thấy mình tôi đi biển cực khổ quá nên ông quyết định bỏ nghề để theo tôi đi biển. Ban đầu không quen nhưng dần dần đi nhiều ông đã biết giăng câu, thả lưới, nhìn hướng nước chảy để biết chỗ nào cá nhiều, nhờ thuận vợ thuận chồng mà ông bà đã nuôi 6 đứa con ăn học trưởng thành.”
Với những gia đình sống ở làng chài, nghề đánh bắt hải sản trên biển là nghề mưu sinh duy nhất nuôi sống gia đình và chăm lo cho các con ăn học. Nghề đánh cá vốn rất vất vả, dãi dầu sương gió và nhiều hiểm nguy rình rập, đàn ông làm nghề đi biển đã vất vả thì đàn bà còn khó khăn gấp vạn lần. Vậy nhưng khó khăn ấy không làm chùn bước những người phụ nữ can trường, hằng ngày trên biển những “bóng hồng” ấy vẫn còn miệt mài vươn khơi đánh bắt hải sản, góp phần làm giàu cho quê hương.