Những bóng hồng tần tảo trên miền đất cố đô

03/11/2016 - 11:13
Chịu thương chịu khó, tần tảo là hình ảnh của những người phụ nữ mà chúng tôi bắt gặp khi qua bãi ngang ven biển ở Thừa Thiên - Huế. Dẫu gánh nặng “cơm áo gạo tiền” đè lên đôi vai của các chị nhưng trong những ngôi nhà ấy vẫn luôn đong đầy niềm hạnh phúc.

Nghị lực của người vợ có chồng bại liệt

Cũng là phụ nữ ở vùng ven biển nhưng khó khăn hơn, đó là hoàn cảnh của chị Hồ Thị My, trú tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Vừa tiếp chuyện chúng tôi, chị My vừa băm vội ít rau để cho đàn lợn ăn. Người phụ nữ ngoài 50 tuổi, vóc dáng lộ rõ vẻ tần tảo, lam lũ của một thời khó nhọc vun vén cho kinh tế gia đình, đã bộc bạch câu chuyện và nghị lực vươn lên của bản thân.

2ps.JPG
Ngoài nghề làm nước mắm, chị My còn nuôi lợn, gà để tăng thêm thu nhập cho gia đình

Nhớ về những ngày nghèo khó khiến chị My lặng người: “Anh ấy bị bệnh bại liệt từ khi còn nhỏ, nói năng tiếng được tiếng mất, lúc trái gió trở trời chân tay co rút lại, phải đưa đi bệnh viện. 2 vợ chồng lấy nhau, sau đó có 2 mặt con. Nhà chẳng có mà ở, chỉ có căn nhà tạm của ba mẹ chồng để lại, những lúc trời mưa gió thì nhà dột cột xiêu, mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc”. Vợ chồng chị khổ vì không có việc làm, ngày đi gánh cát sạn, gỡ lưới thuê. Có những lúc chị phải mang con trên lưng để đi làm. Cuộc sống khó khăn quanh đi quẩn lại chỉ lo được 2 bữa là may. Thương mẹ một mình chèo chống nuôi cả gia đình, đứa con trai đầu xin nghỉ học từ năm lớp 9 để đi làm kiếm tiền nuôi em gái út tiếp tục được đến trường.

3ps.JPG
Con gái út Huỳnh Thị Thúy Nga giúp chị My đong nước mắm vào chai để bán trong buổi chợ hôm sau

Năm 2004, chị My được người bà con cho vào làm trong xưởng nước mắm. Mọi người thương tình dạy chị làm nghề nước mắm và ruốc. Không quản sớm trưa, mưa nắng, chị thức dậy từ 5 giờ sáng đạp xe ra chợ bán nước mắm. Mỗi ngày chị kiếm được 70-100 ngàn đồng, đủ lo 3 bữa ăn và thuốc thang cho chồng. Chính cái nghề này đã giúp gia đình chị vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Ngoài nghề làm mắm ruốc, chị còn vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn và gia cầm. Chị tận dụng mảnh vườn sau nhà trồng thêm rau màu để có tiền cải thiện bữa ăn cho chồng con. Ngoài những lúc chăm bón vườn rau, nuôi heo gà, chị My lại tranh thủ thời gian làm thêm những việc khác như lái xe thồ, giữ xe…, miễn sao có tiền trang trải thêm cho gia đình. Tưởng cuộc sống sẽ ổn định hơn nhưng cuối năm 2012, hơn 200 con gà của chị chết sạch vì dịch cúm gia cầm. Không bỏ cuộc, chị quyết định vay thêm vốn của Hội LHPN xã để tiếp tục nuôi trồng. Đến nay, gia đình chị đã gây dựng lại đàn gà trên 300 con, 2 con heo nái và 7 con heo thịt. Ngoài ra, tận dụng bãi đất trống gần biển, chị xây 1 bãi giữ xe để chồng kiếm thêm từ việc giữ xe. 

Không chỉ là người vợ, người mẹ đảm đang chịu thương chịu khó, chị My còn là hội viên phụ nữ luôn năng động, sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết trong các phong trào của Chi hội, của thôn. Chị không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế; giúp đỡ các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, chị và gia đình luôn được bà con trong thôn tin yêu, mến phục. Mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả nhưng trong mắt chị luôn ánh lên niềm lạc quan.

 “Gia tài” lớn nhất là những đứa con ngoan

Ở tuổi 22, chị Văn Thị Hậu, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền  (Thừa Thiên - Huế) lập gia đình. Chồng chị là anh Lê Văn Lãm chăm chỉ đi biển, còn chị Hậu bám nghề làm ruốc và nước mắm. Cuộc sống khó khăn trăm bề nhưng vợ chồng luôn yêu thương, gắn bó bên nhau. Chị tâm sự: “Ở đây, thu nhập chính là từ biển. Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng làm vợ dân biển chỉ quanh quẩn trong nhà, chăm con, rồi chờ chồng đem tiền về sau mỗi chuyến đi. Nhưng chẳng bao giờ có chuyện nhàn hạ đến vậy, người phụ nữ có chồng quanh năm lênh đênh trên sóng nước cũng có nghĩa là chấp nhận phần cô đơn, nhận về mình những thiệt thòi”.

4ps-anh-nho.JPG
Công việc thường ngày của chị Văn Thị Hậu là thu mua cá về làm mắm để bán

Không có chồng ở bên cạnh, chị Hậu đảm đương luôn vị trí người cha. Một ngày của chị bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng, trên chiếc xe đạp cũ, chở theo vài chục chai nước mắm, đôi ba cân ruốc, đi khắp các chợ miền biển tới chợ thành phố như chợ Đông Ba, Sịa, chợ La Chữ… Mỗi buổi chợ, chị kiếm được khoảng 100 ngàn đồng nhờ bán được 10-15 lít nước mắm. Với số tiền đó, chị có thể trang trải thêm cuộc sống ngoài thu nhập từ nghề đi biển của chồng. Trở về nhà khi đã trưa, chị lại lao vào lo việc nhà cửa, cơm nước cho con cái. Chiều, chị ra biển thu mua cá về làm mắm để bán. Cứ như thế, 1 ngày của chị Hậu kéo dài từ lúc mặt trời chưa mọc cho đến khi xẩm tối.

Chị Hậu tâm sự, để lo cho các con, chị chưa bao giờ có thời gian nghỉ ngơi, cứ nghĩ đến việc các con không có tiền ăn, tiền đóng học phí là chị chẳng cam lòng. Dù trời nắng hay mưa, dù có ốm đau mấy cũng phải cố gắng để lo cho các con đàng hoàng. Vì vậy, chị không có thời gian cho riêng mình. Vậy mà mấy năm nay, anh Lê Văn Lãm, chồng chị, phát bệnh bướu cổ khiến sức khỏe sa sút dần. Anh không thể đi những chuyến ra khơi dài ngày, tích cóp đem tiền về như trước. Chị trở thành người trụ cột trong gia đình. Nhiều khi thương vợ một mình cáng đáng mọi việc nhưng cách duy nhất anh có thể giúp chị là dạy bảo con cái học hành.

5ps-anh-nho.JPG
Anh Lãm luôn sát cánh bên chị Hậu và các con

Thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, các con chị luôn chăm ngoan, học giỏi. 4 đứa con đều đỗ đại học, ra trường có nghề nghiệp ổn định. Gần 30 năm cùng chồng chăm chỉ làm ăn, vượt qua mọi khó khăn, giờ anh chị đã có 1 cơ ngơi với ngôi nhà khang trang và “gia tài” lớn nhất chính là những đứa con ngoan, học giỏi. Chia tay chị Hậu, điều khiến chúng tôi thấy cảm phục nhất chính là nghị lực phi thường và sự tần tảo nuôi các con khôn lớn, trưởng thành của người phụ nữ ấy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm