Những "cái nhất" ở chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).
Chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) hiện đang lưu giữ Bảo vật quốc gia - Bộ mộc bản kinh Phật. Đây là Bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới. Cùng với đó, ngôi chùa còn xác lập nhiều “cái nhất” khác như: Khu vườn tháp lớn nhất Việt Nam, Đạo tràng Quán Thế Âm lớn nhất tỉnh Bắc Giang, ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo nhất xứ Kinh Bắc.
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà gồm: Chùa cổ có tên là chùa Bổ Đà (còn gọi là chùa Quán Âm, chùa Cao), chùa chính Tứ Ân, Am Tam Đức, vườn tháp, Ao Miếu. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI), là nơi thờ Tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) và phối thờ với tín ngưỡng bản địa (Thạch Linh Thần Tướng).
Mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận Bảo vật quốc gia (năm 2018). Bộ mộc bản được các vị thiền sư phái Lâm Tế san khắc thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) và các giai đoạn sau này. Tiêu biểu có các bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy…
Những ván kinh khổ lớn còn in, khắc sớ, điệp dùng để thực hiện các nghi lễ trong nhà chùa. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng.
Đến nay, mộc bản vẫn còn khá nguyên vẹn với gần hai nghìn bản khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn. Năm 2017, bộ mộc bản được Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) xác lập là Bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị Cổ nhất thế giới.
Vườn tháp chùa Bổ Đà có diện tích gần 8.000m2, được chia làm 2 khu vực: Phía trên là tháp Sư Tăng, phía dưới là tháp Sư Ni và khu vực thấp hơn dành để xây mộ cho những người chấp tác (nấu cơm, dọn dẹp,…) trong chùa.
Nếu là tháp Tăng thì trên đỉnh tháp có bình cam lộ đặt trên toà sen, nếu là tháp Ni thì đỉnh được gắn một búp sen.
Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ được khoảng 110 ngôi tháp, mộ lớn nhỏ, và có nhiều ngọn tháp được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Trong đó, có 97 tháp, mộ có xá lị, tro, cốt nhục thân của 1.214 nhà sư tu hành dòng thiền Lâm Tế.
Trải qua hằng trăm năm nhưng vườn tháp chùa Bổ Đà vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn, mang giá trị kiến trúc nghệ thuật Phật giáo đặc sắc. Năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận Bổ Đà là “Ngôi chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam”.
Trong dân gian có lưu truyền câu thành ngữ “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích”, có nghĩa là phía Bắc có chùa Bổ Đà, phía Nam có động Hương Tích (chùa Hương, Hà Nội). Đây được coi là hai đạo tràng Quán Thế Âm lớn nhất nước ta, trong đó Bổ Đà là đạo tràng lớn thứ hai, và là đạo tràng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, chùa Cao còn gọi là chùa Quán Âm núi Bổ Đà, hay Bổ Đà Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ Đà. Bổ Đà là tên viết tắt của Bổ Đà Lạc Già, đọc trại từ tiếng Phạn “Potalaka”, có nghĩa là ngọn núi nơi Bồ Tát Quán Thế Âm hóa hiện để cứu độ chúng sinh.
Tương truyền, xưa có cặp vợ chồng tiều phu nghèo hiếm muộn con cái nên được Quán Thế Âm thương tình cứu giúp. Một ngày, người chồng đốn gốc thông già trên đỉnh núi Bổ Đà thì bật ra 32 đồng tiền vàng, hỏi cao tăng thì mới biết đó là phép ứng hiện của Quán Âm Bồ Tát.
Người tiều phu cầu khẩn rằng nếu sinh được con trai thì sẽ dựng chùa thờ. Điều ước được linh ứng, tiều phu bèn dựng chùa thờ Phật. Người dân trong vùng tìm về cầu linh hiển ứng nên gọi là chùa Quán Âm hay chùa ông Bổ.
Chính vì vậy, chùa Cao là khối kiến trúc cổ nhất trong tất cả các khối kiến trúc của quần thể di tích chùa Bổ Đà. Đây là điểm phát tích và ghi nhiều dấu ấn về lịch sử hình thành chùa Bổ Đà.Trên đỉnh chùa vẫn còn 3 chữ Hán cổ Bổ Đà Sơn. Kiến trúc chính của chùa là kiểu mái vòm, kiểu dáng am động ngày xưa.
Chùa Tứ Ân được xây dựng xong vào năm 1741, với lối kiến trúc đặc biệt kiểu “nội thông, ngoại bế” (tức là bên trong thông nhau, bên ngoài tạo thành hàng rào). Cũng vì lẽ đó, ngôi cổ tự được đánh giá là có kiến trúc độc đáo nhất xứ Kinh Bắc.
Khu nội tự (bên trong) gồm 16 tòa nhà ngang, dãy dọc kết nối liên hoàn với tổng số gần 92 gian: Tam bảo, 2 dãy hành lang, Tiền tế, Nhà tổ, Gác kinh, Giảng đường, nhà Trụ trì, nhà Hành pháp, nhà Tạo soạn, nhà khách, nhà Ni, nhà Ga (nhà tang lễ),... và các công trình phụ trợ.
Bao bọc xung quanh chùa là hệ thống trình tường dài gần 400m, cao trung bình từ 2-3m, có đoạn cao đến 5m, chân tường dày 0,8m, đỉnh tường dày 0,4m. Tường được làm bằng loại đất sỏi son ở núi Bổ Đà, trên đỉnh tường có mũ tường được che bằng các mảnh gốm, chum vại Thổ Hà. Trải qua thời gian, tường đất ngả màu, rêu phong phủ bám tạo nên nét cổ kính, thâm sơn.