Những cây cầu tình yêu

22/10/2015 - 16:42
Tình yêu không theo sự mong đợi của chúng ta. Nó huyền diệu, tinh túy và thuần khiết…

Khoảnh khắc Francesca Johnson - một người phụ nữ luôn sống vì chồng và các con - gặp anh phóng viên ảnh Robert Kincaid ngay trước ngưỡng cửa nhà mình, một tình yêu với đầy khao khát đã bùng lên. Trong 4 ngày chồng con của Francesca mải mê ở hội chợ, họ đã sống trong những cảm xúc trong sáng, ngượng ngập, cháy bỏng… Những ký ức đẹp đẽ ấy dần hiện lên qua những trang hồi ký của Francesca và được các con bà lật giở lại sau khi mẹ mất.

Có thể nói, cuốn tiểu thuyết cũng như bộ phim Những cây cầu ở quận Madison đã đưa độc giả, khán giả tìm về không khí của vùng nông thôn Lowa (Hoa Kỳ) những năm 1960 đầy bụi đỏ, tĩnh lặng và cũ kỹ. Trong bối cảnh ấy, mặc dù nhận ra tình yêu mình đã tìm kiếm suốt đời, nhưng Francesca đã không thể bỏ gia đình để phiêu lưu cùng Robert. Mối tình muộn màng nhưng đẹp đẽ của họ đã làm thổn thức biết bao trái tim. Và hình ảnh Francesca, một phụ nữ vị tha, nhân hậu, đáng trân trọng mãi còn ấn tượng trong lòng người yêu nghệ thuật…

Lần đầu tiên gặp Robert, trông Francesca thật luộm thuộm và đầy đặn trong bộ váy ca rô kẻ nhỏ màu cháo lòng già nua, cũ kỹ, mái tóc hơi xơ xác và gương mặt mộc mạc của cô không thể gợi mở đến sự quyến rũ. Với Robert, ngoài sự nhiệt tình nhưng rụt rè và luống cuống, Francesca chẳng có một sự cuốn hút nào rõ rệt cho đến lúc anh hái một nắm hoa dại tặng cô dưới chân cầu Roseman. Francesca đã nói đùa rằng bó hoa có độc và Robert vứt bó hoa ngay lập tức đã khiến cô cười vang. Chính nụ cười chân phương của Francesca đã hút hồn Robert từ đấy.

Francesca không phải là một người phụ nữ tự tin, ngay cả trong chính ngôi nhà cô đã sống gần 20 năm. Sự tự tin càng trở nên thảm hại khi có sự xuất hiện lạ lùng của Robert. Nó thể hiện ở cách cô thường bưng mặt xấu hổ khi cười, cách cô vội vã viết những dòng cho Robert và tự lái xe dán lên thành cầu vào lúc đêm khuya, cách cô chạy thục mạng vào nhà trông khi đang làm vườn vì linh cảm Robert sẽ gọi điện… Người đàn ông xa lạ có ánh mắt và nụ cười tin cậy ấy đã biến Francesca trẻ trung trở lại. Cô không tiếc tiền sắm một bộ váy gợi cảm cho bữa tối với Robert - việc mà từ lâu lắm đã trở nên vô nghĩa trong Francesca.

Họ đã sống những thời khắc hạnh phúc ngắn ngủi bên nhau. Giống như những người đàn bà đang yêu khác, Francesca cũng ghen. Cuộc sống du mục của Robert khiến cô không an tâm. Nhưng đó không phải là lý do chính khiến Francesca chẳng thể dứt bỏ gia đình. Cô có một người chồng trung thực, trong sáng, cẩn trọng, anh không đáng bị phản bội. Hai đứa con đang tuổi trưởng thành, cô không thể bỏ mặc để chúng lớn lên. Không dưới một lần, Francesca  khiến Robert phải khóc. Nhất là khi cô nói: “Không có ai hiểu khi một người phụ nữ quyết định lấy chồng và có con, theo một cách nào đó, cuộc đời cô ta bắt đầu, nhưng theo một cách khác, nó chấm dứt”…

Dù không đồng hành suốt những năm tháng cuộc đời, nhưng cuối cùng, linh hồn họ vẫn được ở bên nhau dưới chân cầu Roseman - nơi ghi lại mối tình sâu sắc và đáng nhớ nhất suốt cuộc đời Francesca và Robert.


20 năm sau khi xuất bản (1992), “Những cây cầu ở quận Madison” của Robert James Waller đã bán được hơn 50 triệu bản và được dịch ra 35 thứ tiếng, trở thành một hiện tượng văn học, nằm trong số những tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại. Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm này vào năm 1995 từng khiến bao khán giả rơi lệ nhờ diễn xuất tài tình của hai diễn viên Meryl Streep và Clint Eastwood. “Những cây cầu ở quận Madison” được xem là một chuẩn mực của việc chuyển thể tác phẩm văn học thành phim và tên tuổi của đạo diễn Clint Eastwood cũng nhờ đó mà được biết đến trên toàn thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm