pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những "chiêu trò" đấu giá đất
Ảnh minh hoạ
Trả giá cao rồi bỏ không đấu - một "chiêu trò" không phải lần đầu
Vụ việc "trả giá 30 tỉ đồng/m2" rồi bỏ cuộc không đấu giá tiếp tại cuộc đấu giá đất vừa diễn ra ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ 5 đối tượng, những hành vi của nhóm đối tượng này sẽ được điều tra làm rõ.
Trên thực tế, với những gì đã diễn ra, những hành vi kiểu trả giá thật cao để loại các đối thủ cạnh tranh, sau đó tại vòng sau sẽ không trả giá để tạo điều kiện cho người trả giá thấp hơn trúng đấu giá thửa đất, không phải là lần đầu xảy ra. Giới đấu giá đất có câu "không ai đi đấu một mình, đi đấu phải có đội có nhóm" và kiểu này thường được gọi là chiêu trò "quân xanh quân đỏ".
Trước đây, đấu giá đất vẫn thường xuyên được tổ chức, chủ yếu được dân bất động sản quan tâm. Sau khi đất nền "ngáo giá", sau phiên đấu giá đông kỉ lục tại Thanh Oai (Hà Nội) với 4.500 người tham dự vào ngày 11/8 vừa qua, giá đất được đẩy lên cao hơn 100 triệu đồng/m2 thì mới thu hút được sự quan tâm lớn từ dư luận. Một nhà đầu tư chuyên đấu giá đất từng nói rằng "tự dưng ầm ĩ quá mức, báo chí theo sát diễn biến tất cả các cuộc đấu giá đất, đâm ra khó làm ăn". Chữ "làm ăn" mà nhà đầu tư này nói, ám chỉ sâu xa đến những "chiêu trò" trong đấu giá đất.
Một phiên đấu giá từng bị hỏng, phải hủy và tổ chức đấu giá lại đã diễn ra trước khi có sự ầm ĩ này đã diễn ra vào ngày 25/3/2024 tại Hoài Đức. 33 thửa đất tại khu Mả Trâu (thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội) được đấu giá theo hình thức đấu giá nhiều vòng để lựa chọn người trúng đấu giá. Tại vòng đầu tiên, 15/33 thửa đất được trả giá nằm trong khoảng 57 đến 62 triệu đồng/m2. Vòng tiếp theo, các thửa đất "bất ngờ" được đồng loạt trả giá ở mức từ 100 đến 180 triệu đồng/m2.
Sau đó, những người trả giá cao nhất có tình không trả giá, đồng loạt bỏ cuộc có chủ đích (đồng nghĩa với việc mất quyền trả giá), tạo điều kiện cho người trả thấp hơn các mức 57 đến 62 triệu đồng ở vòng 1 trúng đấu giá. Kiện cáo bắt đầu xảy ra, cuộc đấu giá trở thành một cuộc tranh cãi ầm ĩ. Trước tình hình này, ban tổ chức đã tuyên bố dừng cuộc đấu giá, niêm phong toàn bộ 138 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, 371 phiếu trả giá vòng đấu giá số 1364 phiếu trả giá vòng đấu giá số 2 để chuyển cơ quan công an điều tra.
Một "tay to" thường xuyên tham gia đấu giá sau đó nói rằng vụ việc này "vỡ" do chính các đội nhóm do mâu thuẫn quyền lợi, đã "ngứa mắt" với nhau rồi đứng lên tố nhau. Chiêu bỏ giá cao xong bỏ cuộc để người trả mức giá thấp hơn trúng, làm quân xanh để để "đồng đội quân đỏ" trúng trước đây đã từng có ở các cuộc đấu giá. Với các chiêu trò này, các đội nhóm đấu giá "dìm" được giá đất, gây thất thu cho các cuộc đấu giá. Các đội nhóm đấu giá đã lợi dụng các qui định đấu giá để trục lợi.
"Chiêu" bỏ giá cao ở vòng này rồi bỏ cuộc ở vòng sau đã tái diễn tại cuộc đấu giá vừa diễn ra ở Sóc Sơn. Khi mức giá ở vòng 4 đã vượt mức giá nhóm đối tượng này định trước, các đối tượng đã bỏ mức giá cao không tưởng tại vòng 5 rồi bỏ cuộc để phá hoại cuộc đấu giá, để cuộc đấu giá phải tổ chức lại.
Ngay sau khi thông tin "trả giá 30 tỉ đồng/m2", giới đầu tư đất đấu giá nhìn vào diễn biến đã lập tức đặt nghi vấn có dấu hiệu phá hoại. Nhìn vào mức tiền không tưởng này, thậm chí dân bất động sản còn đưa ra bình luận rằng "nên đưa người này đi giám định tâm thần".
Đấu giá đất trở thành cuộc chơi đầu cơ, thông tin gây nhiễu loạn
Một chiêu trò khác là "cá mập đánh sóng", giới đầu cơ đã mua gom đất tại những khu vực vùng ven từ trước đó rất lâu. Đấu giá đất gây ầm ĩ, những mức giá đất cao vọt lên so với giá đất mặt bằng chung, thông tin giá đất sau đấu giá gây nhiễu loạn thị trường. Từ hiệu ứng có được sau các cuộc đấu giá, những nhóm đầu cơ này thu lợi. Đấu giá đất trở thành công cụ để thổi giá, để làm "giá ảo", nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo điều này.
Trên thực tế, sau khi đấu giá đất ầm ĩ, các cơ quan quản lý đã lên tiếng. Bộ Tài nguyên Môi trường, thành phố Hà Nội đều đã có những văn bản yêu cầu xiết chặt kiểm tra, giám sát công tác đấu giá đất. Sau khi có những động thái này, các cuộc đấu giá đất từ chỗ thu hút hàng nghìn người tham gia đã sụt giảm nhanh chóng, giá đất trúng đấu giá tại nhiều cuộc đấu giá gần đây đã có chiều hướng hạ nhiệt.
Bên lề những cuộc đấu giá đấu, nhiều ý kiến nói rằng "các đội nhóm đã rút dần rồi, nhưng giờ thì người dân ai cũng là nhà đầu cơ, ai cũng có thể mua hồ sơ vào đấu". Bên trong còn đang đấu giá, bên ngoài môi giới đã bắt đầu làm việc. Các khu đất đấu giá vẫn cứ là những khu đất trống, hầu hết đều không thấy nhà cửa nào được xây dựng, rất lãng phí. Đất đấu giá xong được đẩy ra "chợ đất online", rao bán "ăn chênh", tiếp tục là cuộc chơi của đầu cơ với mục đích là kiếm lời.
Ngày 30/11 vừa qua, 22 thửa đất thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai (Hà Nội), đã được tổ chức đấu giá. Nếu như phiên đấu giá vào ngày 11/8 tại Thanh Oai có tới hơn 1500 người mua hồ sơ đấu giá (theo thông tin từ ban tổ chức), khoảng 4500 người có mặt quan tâm theo ước tính, thì phiên đấu giá này chỉ có vẻn vẹn có 70 người mua hồ sơ vào đấu.
Điều đáng chú ý, phiên đấu giá đã không thành công khi đồng loạt người tham gia bỏ cuộc. Cuộc đấu giá được tổ chức theo nhiều vòng và đến vòng cuối cùng, người tham gia đồng loạt không trả giá tiếp dẫn đến việc phiên đấu giá tổ chức không thành công. Toàn bộ 22 thửa đất đều không có người mua.
Các cuộc đấu giá tưởng chừng đã ổn định hơn, thì bỗng nhiên lại xuất hiện những yếu tố mang dấu hiệu phá hoại có chủ đích, lần đầu xuất hiện việc toàn bộ tất cả các thửa đất đều không đấu giá thành công trong 1 cuộc đấu giá.
2 vụ việc liên tiếp cho thấy công tác đấu giá đất vẫn còn rất phức tạp. Dư luận đã nhiều lần lên tiếng và ủng hộ việc cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ hơn để chấn chỉnh công tác đấu giá đất. Nhiều ý kiến cho rằng nên chăng áp dụng công nghệ vào đấu giá đất, tiến hành đấu giá online, công khai toàn bộ thông tin mức giá theo các vòng, người trả cao nhất trúng đấu giá, tiết kiệm chi phí và bớt tốn công sức mà vẫn đảm bảo minh bạch.