Bên ngoài Khoa Xương khớp, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, tranh thủ thời gian ngồi chờ đến lượt vào khám bệnh, chị Ngoan lấy điện thoại ra “chat” với bạn, kiểm tra email... Chị Ngoan bảo: “Thời gian ở ngoài nhiều hơn ở công ty, nên mình tranh thủ làm việc tại bất kỳ “địa hình” nào, chỉ với chiếc điện thoại có wifi hoặc 3G”.
Sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông của một trường ĐH tại TPHCM, Ngoan quyết định ở lại TPHCM để tìm một công việc phù hợp. “Đầu quân” cho một tập đoàn truyền thông lớn, điều đó cũng có nghĩa là áp lực công việc nhiều khiến nhiều thói quen của chị dần thay đổi. “Thường xuyên phải làm việc bên ngoài nhưng lại cần hoàn tất công việc bằng văn bản hoặc email giống như những người ngồi văn phòng. Vì vậy, thay vì sử dụng máy tính như những nhân viên khác, “đồ nghề” của mình chủ yếu là máy tính bảng và smartphone”, chị Ngoan chia sẻ.
Sử dụng điện thoại nhiều là nguyên nhân chính khiến chị Ngoan bị bệnh ngón tay cò súng (Ảnh chụp 10/9/2014)
Bước ra từ phòng khám, chị Ngoan cầm tờ giấy bác sĩ vừa kê đơn, đi về phía cửa hàng thuốc nằm ngay trong khuôn viên bệnh viện. Chị kể: “Bác sĩ bảo mình bị bệnh ngón tay cò súng nhưng ở giai đoạn nhẹ nên chỉ cần kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi trong vòng 10 ngày rồi tái khám”. Theo lời kể của chị Ngoan, triệu chứng đau ngón tay cái diễn ra từ khoảng tháng 12/2013, ban đầu chỉ là những dấu hiệu mỏi, sau đó có cảm giác hơi tê vào mỗi buổi sáng và giảm dần về chiều. Tuy nhiên, mức độ đau cứ tăng dần khiến chị rất khó khăn để gập ngón tay xuống, càng không thể dùng ngón tay cái bị đau để trượt điện thoại và iPad như vẫn thường làm.
“Mỗi khi cần sử dụng ngón cái, mình cảm giác như các đường gân từ khớp lên đầu ngón tay giật liên hồi và đau nhức. Thậm chí, có những khi đau quá, mình không thể mở nắp bình xăng bằng tay đó, càng không thể dùng lực ở ngón tay ấy để xách nặng, khiến mình lo lắng vô cùng!”.
Thói quen chẳng dễ bỏ
Dù bị những cơn đau hành hạ nhưng ý nghĩ “ngại đến bệnh viện” khiến chị Ngoan lưỡng lự gần 1 năm. “Mình nghe bác sĩ kết luận bệnh và phân tích nguyên nhân chủ yếu là do thói quen làm việc, sử dụng các ngón tay với cường độ làm việc liên tục. Nhẹ thì có thể dùng thuốc để điều trị, nặng thì phải phẫu thuật... khiến mình thấy hoang mang”, chị Ngoan tâm sự.
Cũng theo lời kể của chị Ngoan, ngoài việc sử dụng điện thoại để làm việc, hầu hết thời gian rảnh, chị cũng dùng smartphone để đọc báo, tán gẫu với bạn bè qua các trang mạng xã hội... Vì vậy, thời gian sử dụng điện thoại của chị mỗi ngày khoảng trên 10 giờ đồng hồ. Chị bộc bạch: “Khi điện thoại có thể làm mọi thứ thì bạn sẽ bị lệ thuộc vào nó. Theo thời gian, nó sẽ trở thành thói quen, đặc biệt là đối với những người độc thân như mình. Trong lúc rảnh, khi đợi làm việc, bữa ăn... điện thoại trở thành người bạn không thể thiếu. Đặc biệt là trước khi ngủ, có đêm mình nhắn tin cho bạn trong vài tiếng chỉ với chiếc điện thoại, kết quả là sáng hôm sau ngón tay cứng ngắc không thể làm được việc gì. Dù vậy, đây vẫn là thói quen không dễ bỏ”.
Sau khi được bác sĩ phân tích và tư vấn về việc nên điều chỉnh thói quen làm việc trong thời gian dùng thuốc, ngay cả khi đã khỏi bệnh, chị Ngoan thừa nhận: “Những gì bác sĩ nói đều đúng, mình nghĩ đây là bệnh thời @ bởi việc sử dụng smartphone để làm việc và thư giãn là điều hiển nhiên trong thời đại công nghệ và cuộc sống quá bận rộn. Tuy nhiên, thành thật mà nói, chưa bao giờ mình nghĩ thói quen đó lại trở thành một trong những nguyên nhân gây nên bệnh, khiến cho ngón tay đau nhức trong nhiều tháng liên tục”.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nhân (Khoa Chấn thương chỉnh hình, giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM) Ngón tay cò súng hay còn được gọi với nhiều tên khác nhau như: Ngón tay lò xo, ngón tay bật, viêm bao gân gấp, viêm gân gấp ngón tay… là bệnh xương khớp thường xảy ra ở các ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái. Triệu chứng khi mới bị, người bệnh có thể thấy đau nhẹ ở dưới đáy các ngón tay, ấn vào thấy đau, cử động chỉ cảm thấy hơi vướng. Về sau, ngón tay bị vướng khi cử động gập duỗi, nếu ngón tay đã duỗi thì rất khó gập vào và ngược lại, khi cố gắng gập hoặc duỗi ra, người bệnh thường nghe 1 tiếng “pậc”. Những cơn đau đối với ngón tay thường nặng vào buổi sáng và nhẹ dần hơn trong ngày Những nguy cơ dẫn đến bệnh ngón tay cò súng thường liên quan đến yếu tố do làm việc quá mức đối với bàn tay như: Nhân viên văn phòng, thợ may, thợ hồ, đánh máy tính nhiều, đặc biệt là bấm điện thoại nhiều… Ngoài ra, một số bệnh lý khác như viêm đa khớp dạng thấp, gout, u bao hoạt dịch cũng dẫn tới Ngón tay cò súng. Có nhiều phương pháp điều trị: Có thể sử dụng thuốc kháng viêm để giảm sưng, phù nề của gân và bao gân bị viêm nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ; chích kháng viêm tại chỗ, giúp giảm nhanh triệu chứng, tối đa chích từ 2 đến 3 lần, mỗi lần chích cách nhau 1-2 tuần. Nếu bệnh vẫn không bớt, có thể thực hiện tiểu phẫu hoặc phẫu thuật để mang lại hiệu quả. Chi phí điều trị: Chích thuốc, khoảng 260.000 đồng/lần, nếu áp dụng phương pháp mổ, chi phí dao động từ 6 đến 7 triệu đồng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ làm việc, nếu không bệnh sẽ tái phát hoặc chuyển sang các ngón khác. |