“Những con én đêm” của không quân Liên Xô

06/05/2016 - 22:28
Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, các nữ phi công dũng cảm ném bom ban đêm từng là nỗi kinh hoàng của phát xít Đức. Họ được mệnh danh là "những con én đêm" hay "phù thủy bóng đêm".
Bay vì đất nước
nhung-con-en-dem-1.jpg
Phi đội “Những con én đêm”
Năm 1941, nhằm chống lại phát xít Đức, không chỉ tuyển nam giới nhập ngũ mà chính quyền Liên Xô còn kêu gọi nữ giới tham gia lực lượng không quân. Trong khí thế sục sôi ấy, đã có 8.000 cô gái trong độ tuổi 19, 20 đã tình nguyện xin được đứng trong hàng ngũ nữ phi công. Cũng trong năm đó, nhà lãnh đạo Josef Stalin đã ký sắc lệnh thành lập 3 trung đoàn không quân nữ. Chỉ sau một thời gian ngắn luyện tập, các đội bay nữ đã khiến quân Đức ‘kinh hồn bạt vía”. Quân Đức đã phong biệt danh cho phi đội nữ này là “Những phù thủy bóng đêm”. Còn các nam đồng nghiệp lại trìu mến gọi phi đội này là “Những con én đêm” vì họ đã biết tấn công các mục tiêu của địch một cách nhanh chóng, bí mật và chính xác. Chính “những cánh én ấy đã làm nên mùa xuân”, góp phần quan trọng vào cuộc chiến cứu đất nước Liên Xô và cả loài người khỏi thảm họa phát xít.
nhung-con-en-dem-3.jpg
Nhận mệnh lệnh trước giờ xuất kích
Nhiệm vụ của các “phù thủy bóng đêm” luôn đầy rẫy hiểm nguy và nhiều áp lực. Các nữ phi công trẻ điều khiển những chiếc máy bay gỗ và vải bạt mỏng manh Polikarpov PO - 2 để đối chọi lại với quân địch được trang bị đầy đủ trong chiến trận được coi là khốc liệt nhất Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Điều phi thường và đáng ngưỡng mộ là họ chỉ lái máy bay trong đêm và không hề đem theo dù. Máy bay của họ có buồng lái “lộ thiên”, vì vậy khuôn mặt của các nữ phi công thường “đóng băng” trong đêm giá lạnh. Máy bay của các “phù thủy” cũng không có radar, súng, radio mà chỉ có la bàn và bản đồ. Nếu bị trúng đạn, những chiếc máy bay sẽ bốc cháy như tờ giấy.
Sự gan dạ không phải là yếu tố duy nhất khiến các nữ “phù thủy” thành công mà yếu tố quan trọng nhất là họ có chiến thuật chiến đấu vô cùng thông minh. Các nữ phi công Xô-viết đã phải bay trong chùm ánh sáng của đèn pha, thêm vào đó, trong lưới lửa của các loại pháo cao xạ. Các nữ “phù thủy” thường bay trong đội hình 3 máy bay với 2 máy bay luôn hoạt động như chim mồi thu hút sự chú ý của phát xít Đức. Sau một thời điểm nhất định, 2 máy bay sẽ đột nhiên tách ra những hướng khác nhau và nhanh chóng di chuyển khi chiếc còn lại thả bom. Trong suốt 4 năm, họ đã xuất kích 30.000 lần, thả 23.000 tấn bom lên các công sự quốc phòng, các căn cứ hậu cần và các kho bãi của quân đội Đức. Phát xít Đức khuyến cáo bất kỳ kẻ nào có thể hạ được “một phù thủy” sẽ được trao thưởng lớn.
 
Trong những nữ phi công ‘danh bất hư truyền” có Nadezhda Popova (19 tuổi), người sau này trở thành một trong những anh hùng lực lượng Xô viết được ca ngợi nhiều nhất. Trung đoàn không quân Cận vệ số 46 thuộc Quân đoàn Không quân số 4 ở Mặt trận Belarus-2 của nữ anh hùng Nadezda từng gây mất ăn mất ngủ cho quân Đức. Trung đoàn có tất cả 40 chiếc máy bay, mỗi chiếc có 2 nữ phi công, sẽ bay 8 lần hoặc nhiều hơn trong một đêm. Cũng vì máy bay PO-2 là loại máy bay nhẹ và bay ở tầm thấp, các nữ phi công phải luôn tìm cách làm thế nào để bay qua được các radar của địch. Đó được gọi là chiến thuật của các kiều nữ “con én đêm”. Họ bay cách mục tiêu của đối phương một cự ly nhất định và họ giảm âm động cơ. Bà Popova thậm chí có thời điểm đã xuất kích đến 18 lần một đêm vì thời đó mỗi chiếc máy bay chỉ có thể thả 2 quả bom trong một lần xuất kích. Họ ném bom xong và lặng lẽ trở về sân bay, tiếp tục nhận bom mới và nhanh chóng bay đến mục tiêu.
nhung-con-en-dem-4.jpg
Nữ phi công ‘danh bất hư truyền” Nadezhda Popova
Nadezda Popova đã thực hiện được 852 chuyến bay chiến đấu, tham gia giải phóng Kubal, Crimea, Belarus, Ba Lan và Đức. Với những chiến công đó, ngày 23/2/1945, Đại úy không quân Nadezda  Popova được phong Anh hùng Liên Xô. Lúc về già, bà thường hoài niệm về quãng thời gian oanh liệt: “Đó là cuộc chiến nguy hiểm nhưng chúng tôi không có thời gian để sợ hãi”. Một lần, sau chuyến bay tiêu diệt địch thành công, nữ “phù thủy” Popova đã đếm được 42 lỗ đạn trên thân chiếc máy bay bé nhỏ của mình. Tấm bản đồ trên máy bay cũng bị trúng đạn và thậm chí đạn còn sượt qua mũ phi công của bà. Sau khi hòa bình lập lại, bà được bầu làm đại biểu Xô-viết tối cao, làm việc ở Ủy ban Phụ nữ Liên Xô và Ủy ban Bảo vệ hòa bình quốc gia. Ngày 8/7/2013, bà Nadezda  Popova đã ra đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 92.
nhung-con-en-dem-5.jpg
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vinh danh công lao bà Nadezhda Popova đầu năm 2013
Góp sức cùng Trung đoàn không quân Cận vệ số 46 và bà Nadezda Popova là hoa tiêu Evgenya Rudneva (20 tuổi). Hồi trước chiến tranh, Rudneva từng theo học Khoa Toán-Cơ của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow và dự định cống hiến cuộc đời mình cho chuyên môn Thiên văn học. Vào quân ngũ, những kiến thức đó đã giúp cô rất nhiều. Trong những chuyến bay ban đêm, Rudneva thường định hướng theo những ngôi sao và cũng bởi tình yêu với những thiên thể lấp lánh xa xôi ấy mà các bạn gái đồng đội đã gọi cô là nhà chiêm tinh. Ở tuổi thiếu nữ tươi sáng ấy, Rudneva đã không chờ được để đón mừng ngày Chiến thắng.
nhung-con-en-dem-6.jpg
Nữ anh hùng Evgenya Rudneva
Trong một đêm trăng mùa xuân năm 1944, tại Crimea, người ta có thể nhìn rõ chiếc máy bay của bà vút qua bầu trời. Đó là khi Rudneva hoàn thành chuyến bay chiến đấu thứ 645 của đời mình. Khi ở phía trên mục tiêu, máy bay của nhóm bị trúng đạn và bốc cháy. Chỉ sau một vài giây là tiếng bom nổ vang rền phía dưới trước khi máy bay của bà bùng lên thành bó đuốc. Hoa tiêu Rudneva đã xuất sắc khi kịp trút bom tiêu diệt mục tiêu. Thượng úy Rudneva đã được truy tặng phần thưởng quân sự cao nhất là Huy chương Sao vàng Anh hùng Liên Xô. Sau chiến tranh, các nhà thiên văn học Liên Xô đã lấy danh tính nhà khoa học thiên văn-liệt sĩ này để đặt tên cho một ngôi sao mà họ mới khám phá trong hệ Mặt trời. Từ đó, trên vũ trụ bao la có một thiên thể sáng mãi là Evgenya Rudneva.
 
Những ngày tháng 5 này, tại nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra các hoạt động kỷ niệm 71 năm Chiến thắng phát xít nhằm tôn vinh chiến công vĩ đại của nhân dân Liên Xô và phe đồng minh trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa phát xít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng và cũng là để nhắc nhở cộng đồng quốc tế không được để tái diễn thảm họa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào.
Tại Liên bang Nga, buổi diễn binh chào mừng Ngày Chiến thắng phát xít sẽ diễn ra ngày 7/5 tại Quảng trường Đỏ với sự tham gia của 71 máy bay quân sự, hơn 10.000 binh sĩ, hơn 100 đơn vị vũ khí và kĩ thuật quân sự hiện đại như xe quân sự Tigr, tăng T-90, thiết giáp BTR-82A, tên lửa phòng không Buk-M2, tổ hợp pháo tên lửa phòng không Pansir-S, tên lửa chiến lược Yars, tăng Armata.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm