pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những cuộc thám hiểm "kinh dị" hơn ngắm xác tàu Titanic: Mạo hiểm tính mạng nhưng luôn thu hút đại gia
Khi ông Bill Price (71 tuổi) xuống đáy Đại Tây Dương trên tàu lặn Titan của công ty OceanGate vào năm 2021, liên lạc vô tuyến bị cắt. Ông và 4 người khác phải trở lên mặt nước mà không được nhìn thấy Titanic.
“Chúng tôi đã đi được khoảng 3/4 quãng đường thì mất liên lạc. Chúng tôi đã quyết định quay lại”, Price nói với tờ The New York Post. Vị Chủ tịch của một công ty du lịch này đã phải chi hơn 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng) cho chuyến đi không hoàn lại với quyền miễn trừ tử vong.
Giá cả chỉ là một phần của xu hướng du lịch cực kỳ mạo hiểm. Người ta dường như thích chi nhiều tiền để "đến những nơi khắc nghiệt nhất trên Trái đất", và bây giờ thậm chí còn xa hơn thế nữa, là không gian vũ trụ, là đáy biển sâu thẳm.
Thám hiểm địa điểm như vậy là một phần của các hiện tượng thường được gọi là "dark tourism" (tạm dịch: du lịch đen tối).
Giáo sư du lịch tại Đại học Glasgow Caledonian, ở Scotland, ông Ground Zero. J. John Lennon là người đã đặt ra thuật ngữ này cùng một đồng nghiệp. Ông cho biết "dark tourism" mang lại "một điểm chung mà tất cả chúng ta đều đồng nhất, đó là sự sụp đổ".
"Sự sụp đổ đó dường như đầy sức mê hoặc đối với nhiều người trong chúng ta".
Khi cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý đến con tàu lặn Titan đang mất tích ngoài khơi Đại Tây Dương cùng 5 hành khách, trong đó có 2 vị tỷ phú, trào lưu du lịch mạo hiểm được chú ý trở lại.
Thực tế, có những cuộc thám hiểm "kinh dị" hơn cả ngắm xác tàu Titanic. Chẳng hạn như, một nhà thám hiểm nói với The New York Post rằng cô đã đi xuống khoảng cách gần gấp 3 lần độ sâu 4.000m. Nhưng có lẽ, họ đã may mắn khi cái giá phải trả đã nhẹ nhàng hơn so với cuộc đua tìm kiếm tàu lặn Titan đang mất tích.
Biết rõ có thể không toàn mạng trở về
Khi Price bước vào tàu lặn Titan để xuống đáy đại dượng hồi năm 2021, ông là một trong số ít hơn 300 người đến thăm xác tàu Titanic chìm ở độ sâu gần 4.000m và ông hoàn toàn ý thức rằng cuộc phiêu lưu của mình có thể gây mất mạng.
“Tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra, bao gồm cả cái chết, điều này rất thực tế. Về cơ bản, bạn cần biết điều đó… Nhưng thành thật mà nói, tôi không thực sự quan tâm mấy. Để thực sự trải nghiệm mọi thứ, đôi khi bạn phải chấp nhận rủi ro và tôi đã thực hiện sứ mệnh ấy của mình”, Price nói với The New York Post.
“Chúng tôi được hỏi liệu có muốn thử lặn lần nữa không, và tôi trả lời 'có'. Chúng tôi đã đi vào ngày hôm sau. Chúng tôi gần như phó mặc cho dòng chảy”.
Công việc của Price trên tàu lặn là ghi lại các tọa độ trong suốt quá trình lặn. Khi chạm tới đáy, cách đáy biển chỉ còn khoảng 3m, ông vô cùng kinh ngạc, kinh ngạc khi nhìn thấy mũi tàu Titanic ở ngay trước mặt mình.
“Đó là một khoảnh khắc trọng đại. Kỳ diệu”, ông nói về sự ngạc nhiên trước những lớp vỏ giống như băng bọc quanh sắt của con tàu bị chìm.
“Đó là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời”, ông nói. “Nghĩ lại, có lẽ hơi liều lĩnh, đặc biệt là khi tôi có vợ, hai con và một cháu gái ở nhà”.
Đó không phải là lần mạo hiểm duy nhất của Price, ông đã theo đuổi những cuộc phiêu lưu trong nhiều thập kỷ.
Price đã nhảy bungee từ cầu New River Gorge ở Tây Virginia, với độ cao 264m. Ông chơi cả trò nhảy dù ở Camarillo, California. Ông mỉm cười khoan khoái khi cơ thể lơ lửng giữa lúc rơi tự do và thích thú lặn ngắm cá mập ngoài khơi bờ biển Nam Phi ở Vịnh Mossel.
Ông đã bơi ở Great Barrier Reef, lặn ở Seychelles và cưỡi một con voi để đi qua những khu rừng ở Thái Lan.
Price không coi mình là kẻ liều mạng hay người thích cảm giác mạnh bất chấp cái chết. “Hoàn toàn ngược lại. Tôi muốn sống. Tôi muốn tận hưởng cuộc sống của mình và sống hết mình. Tôi thực sự chưa bao giờ coi mình là một nhà thám hiểm điên rồ như vậy nhưng rõ ràng là tôi thích nó”, ông nói.
Những người thích mạo hiểm
Rủi ro là một phần của "phần thưởng" dành cho những nhà thám hiểm như Price và số người sẵn sàng ký giấy miễn trừ tử vong cho cuộc phiêu lưu mạo hiểm ngày càng tăng.
Vào năm 2022, doanh số bán hợp đồng mạo hiểm thông qua công ty bảo hiểm du lịch Squaremouth.com đã tăng 28% so với năm 2019. Năm nay, con số ấy tăng thêm 46% so với năm 2022, do nhu cầu đi du lịch đến các điểm đến như Nam Cực và các điểm đến ở Nam Phi, Kenya và Tanzania, theo số liệu Wall Street Journal có được.
Một đại diện của công ty du lịch theo nhóm quốc tế Intrepid Travel nói với The New York Post rằng những vị khách du lịch từng đặt tour du lịch Nam Cực năm nay tiếp tục đặt lại các chuyến du ngoạn tương tự.
Matt Berna, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Intrepid Travel The Americas, nói với The New York Post: “Hầu hết mọi người đặt vé trong cùng năm với chuyến đi của họ, đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ muốn đi ngay bây giờ và theo đuổi cảm giác hồi hộp đó thay vì chờ đợi".
Những người khác thực hiện một cách tiếp cận thể thao, có tính toán hơn đối với rủi ro.
Vận động viên leo núi người Mỹ gốc Anh, Vanessa O'Brien (58 tuổi) đã trở thành người phụ nữ đầu tiên hoàn thành kỷ lục Guinness thế giới "Explorers' Extreme Trifecta".
Lần đầu tiên bà leo lên đỉnh Everest vào năm 2012. Sau đó, vào năm 2020, bà đã lặn xuống nơi sâu nhất trên Trái đất, Vực thẳm Challenger, dưới mực nước biển 10.000m ở đáy Rãnh Mariana thuộc khu vực Thái Bình Dương.
O'Brien, một cựu nhân viên ngân hàng tại Morgan Stanley, cho rằng khả năng giữ bình tĩnh khi bị căng thẳng là nhờ sức chịu đựng của bản thân. Bà đã kể lại cho tờ The New York Post 2 trải nghiệm cận kề cái chết khi leo núi cao.
Lần đầu tiên xảy ra khi đang trèo lên bức tường Lhotse Face bằng băng xanh băng giá để đến Trại 3 trên đỉnh Everest, khi nhìn xuống chân mình, thì đột nhiên cô cảm thấy như mình không thở được.
“Cứ như thể ai đó đã bịt miệng và chặn phổi của tôi vậy. Tín hiệu đến não của tôi nói rằng, 'bạn sắp chết'", bà nói.
Một tình huống khác xảy ra ở một vách đá thuộc Cho Oyu, ngọn núi cao thứ 6 thế giới. Bà đã cố gắng thả mình rơi trên một mỏm đá nhỏ khi buông sợi dây an toàn hết cỡ.
Nhưng nhiệm vụ khó khăn nhất của bà là leo lên K2, đỉnh núi cao thứ 2 trên thế giới ở độ cao 8.611m so với mực nước biển vào năm 2017. Sau lần đó, O'Brien đã trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên trèo lên được đỉnh K2 thuộc dãy Himalaya. K2 thấp hơn đỉnh Everest nhưng nguy hiểm hơn nhiều.
Vào thời điểm bà lên đỉnh núi ở Pakistan, đã có 84 trường hợp tử vong được ghi nhận và tỷ lệ tử vong là 23%.
Các nhà tâm lý học cho biết những du khách tìm kiếm cảm giác mạnh ít có xu hướng giải phóng chất hóa học gây căng thẳng cortisol, vì vậy họ có thể chịu đựng được những rủi ro lớn hơn.
Ken Carter, giáo sư tâm lý học tại Đại học Oxford thuộc Đại học Emory và là tác giả của cuốn sách “Buzz ! Inside the Minds of Thrill-Seekers, Daredevils và Adrenaline Junkies”, nói với The New York Post: “Về mặt sinh lý, hơi khác một chút. Một trong những chất giúp chúng ta sẵn sàng chiến đấu, đứng im hoặc bỏ chạy là cortisol. Những người tìm kiếm cảm giác mạo hiểm bài tiết rất nhiều cortisol".
“Các tín hiệu môi trường tương tự không tạo ra loại kích hoạt sợ hãi cho những người tìm kiếm cảm giác cao độ khi họ bước vào một tình huống và cơ thể của họ đang nói với họ rằng 'Mình sẽ ổn thôi'. Đồng thời, cơ thể họ đang sản xuất nhiều dopamine liên quan đến khoái cảm và họ ít bị căng thẳng hơn nên họ không thấy nó nguy hiểm như những người khác".
O'Brien là một ví dụ điển hình. Bà nhận thức được những rủi ro, nhưng vẫn chấp nhận chúng.
Tại sao lại là những người giàu?
Hãy đặt câu hỏi ngược lại, bạn có đủ khả năng chi trả cho một chuyến thám hiểm trị giá 250.000 USD hoặc bất kỳ hình thức du lịch nào khác phổ biến với giới siêu giàu?
Câu trả lời đa số là không. Chính vì vậy, trải nghiệm bay vào vũ trụ, chinh phục đỉnh Everest hay khám phá đại dương thường chỉ có các "đại gia" mới đủ khả năng chi trả và những chuyến đi như vậy dần trở thành "biểu tượng địa vị".
Giáo sư Lennon nói với The Atlantic: "Đó là cảm giác bạn được tiến một bước xa hơn đám đông, bạn được làm điều gì đó táo bạo, hấp dẫn và bí mật hơn so với những người khác".
Cũng giống như ông Price, tỷ phú nổi tiếng với những chuyến phiêu lưu bằng khinh khí cầu Sir Richard Branson từng cho biết: "Trở thành một nhà thám hiểm cho tôi cảm giác được sống".