pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều bạn cần biết về bệnh gút ở người cao tuổi
Bệnh gút ở người cao tuổi là một trong những bệnh lý về xương khớp có tiến triển phức tạp, âm thầm và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bệnh hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để nhưng nếu thực hiện nghiêm túc các phương pháp hỗ trợ có thể ngăn ngừa tiến triển của bệnh và cải thiện chức năng vận động.
1. Nguyên nhân gây bệnh gút ở người cao tuổi
Thông thường, acid uric có trong cơ thể sẽ được đào thải qua thận và bài tiết ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Nồng độ acid uric đột ngột tăng lên khiến thận không thể đào thải hoàn toàn gây dư thừa.
Gút chính là một căn bệnh hình thành do nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Acid uric còn dư thừa bên trong máu sẽ kết tinh thành muối urat và di chuyển đến các khớp. Sau đó chúng bám chặt vào mô sụn, gây ra tình trạng viêm và phát sinh cơn đau gút cấp tính.
Đọc thêm:
- Bệnh giả Gout là gì và những điều cần biết về bệnh giả Gout
- Đây là những thói quen xấu cần bỏ ngay để phòng tránh bệnh gout
Có một số yếu tố trực tiếp làm tăng acid uric máu như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhiều các nhóm thực phẩm có chứa nhiều Purin (thịt đỏ, nội tạng và hải sản). Người thường xuyên uống rượu bia làm sản sinh acid lactic đào thải qua đường tiểu làm ngưng trệ quá trình bài tiết acid uric.
Ngoài ra, người cao tuổi mắc bệnh gút còn có thể do một số bệnh lý khác gây ra như tiền mãn kinh, tiền sử gia đình mắc bệnh gout, tác dụng phụ khi dùng thuốc lợi tiểu, bệnh tiểu đường, suy thận,…
2. Dấu hiệu, triệu chứng
Bệnh gút ở người cao tuổi khi xảy ra thường nghiêm trọng và có tiến triển dai dẳng hơn so với người trẻ và trung niên. Điều này là do người cao tuổi thường có sức khỏe suy yếu và khả năng chống chịu kém.
Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết điển hình bệnh gút ở người cao tuổi bao gồm:
- Sưng đỏ và đau dữ dội ở các khớp, chủ yếu ở ngón chân cái. Những cơn đau này thường kéo dài trong vòng 4 đến 12 giờ sau đó sẽ thuyên giảm dần sau 1 đến 2 ngày.
- Tình trạng viêm và khó chịu ở khớp kéo dài từ một đến nhiều tuần, khớp ấm và mềm. Hiện tượng này sẽ làm giảm phạm vi chuyển động và gây khó khăn khi đi lại.
- Xuất hiện một số hạt trắng ở khớp (hạt tophi).
3. Bệnh gút ở người cao tuổi có nguy hiểm không?
Bệnh gout khá nguy hiểm đối với mọi đối tượng mắc phải. Đặc biệt đối với người cao tuổi, bệnh có thể gây biến chứng lên hệ thống xương khớp, tác động đến hoạt động của thận, huyết áp và tim mạch.
Một số biến chứng nghiêm trọng thường gặp khi mắc bệnh gút như:
- Hạt tophi. Những hạt này hình thành khi các tinh thể muối urat bám chặt vào khớp khiến khớp đau nhức dữ dội, giảm khả năng vận động và có nguy cơ biến dạng khớp cao.
- Tàn phế. Gút ở giai đoạn cuối thường có tiến triển nhanh chóng. Hạt tophi xuất hiện ngay cả ở gân, khớp ngón tay, khuỷu tay, gây biến dạng khớp, tăng nguy cơ tàn phế và mất hẳn chức năng vận động.
- Sỏi thận, sỏi bàng quang và niệu đạo.
- Tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận,…
4. Phương pháp điều trị
Để điều trị bệnh gút nói chung và bệnh gút ở người cao tuổi nói riêng, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định sử dụng hai loại thuốc bao gồm thuốc điều trị cơn gút cấp và thuốc ngăn chặn tiến triển của bệnh.
Thuốc điều trị cơn gút cấp được chỉ định khi cơn đau gút bùng phát mạnh. Một số loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID (Naproxen, Ibuprofen, Diclofenac). Tuy nhiên cần tránh dùng NSAID cho người bị viêm loét dạ dày tiến triển.
- Corticosteroid: Thuốc corticosteroid (Prednisone) có thể được chỉ định cho bệnh nhân gút trong trường hợp không có đáp ứng với NSAID và chỉ nên sử dụng trong trường hợp có chỉ định từ bác sĩ do có nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc giảm đau đặc hiệu Colchicine: giúp ức chế sự di chuyển của bạch cầu và ức chế các tinh thể urat.
Bên cạnh các loại thuốc điều trị giảm đau đối với các cơn gút cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc nhằm ngăn ngừa nồng độ acid uric tăng lên có thể khiến bệnh gout tiến triển nhanh chóng và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Các loại thuốc có thể kể đến như:
- Thuốc tăng đào thải acid uric (Lesinurad, Probenecid).
- Thuốc ngăn chặn sản xuất acid uric.
Tuy nhiên, các loại thuốc trên đều có những tác dụng phụ gây nguy hiểm đến sức khỏe, do đó chúng cần được kê đơn cẩn thận và không được tự ý dùng khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
5. Chế độ sinh hoạt cho người cao tuổi bị bệnh gút
Lối sống, chế độ sinh hoạt là những yếu tố có ảnh hưởng đến trực tiếp đến nồng độ acid uric cũng như tiến triển của bệnh gout. Việc điều trị bệnh cần phải phối hợp với những chế độ này để có thể kiểm soát bệnh và dự phòng cơn đau phát sinh.
Những thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng mà người cao tuổi cần lưu ý khi bị bệnh gút bao gồm:
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng, thịt đỏ, trứng, hải sản…
- Nên bổ sung thịt trắng như thịt gà, cá... Ăn nhiều rau xanh, đậu, sữa và các loại trái cây ít đường.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia và đồ uống chứa cồn.
- Nên uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ thận và ngăn ngừa biến chứng sỏi thận.
- Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì để ngăn ngừa cơ thể sản sinh nhiều acid uric.
- Nên tập thể dục thường xuyên từ 20 – 30 phút mỗi ngày. Tránh thức khuya, làm việc quá sức và căng thẳng.
Hi vọng với những thông tin về bệnh gút ở người cao tuổi ở trên có thể giúp người cao tuổi hoặc người chăm sóc người cao tuổi hiểu rõ hơn về bệnh gout ở đối tượng này để có biện pháp xử lý và chăm sóc đúng cách.