pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều cần biết để phòng bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp, thường gây bệnh ở trẻ em nhưng cũng có thể lây sang người lớn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính rằng mỗi năm, RSV là nguyên nhân dẫn đến 57.000 ca nhập viện ở trẻ em dưới 5 tuổi và 177.000 ca nhập viện ở người lớn trên 65 tuổi.
Virus RSV gây bệnh và phát triển mạnh nhất vào mùa thu, có thể kéo sang cả mùa xuân, nên mọi người nên có những biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khoẻ.
1. Triệu chứng nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)
Khi nhiễm virus RSV, thông thường từ 4 đến 6 ngày cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Các triệu chứng thường cải thiện sau 7 đến 10 ngày, nhưng tình trạng ho có thể kéo dài trong vài tuần.
Ở trẻ lớn hơn và người lớn, nhiễm RSV thường gây ra các triệu chứng tương tự như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên khác, như cảm lạnh thông thường. Cụ thể:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Ho hoặc hắt hơi
- Sốt
- Mệt mỏi
- Viêm họng
- Đau đầu
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các triệu chứng có thể khác nhau, một số triệu chứng phổ biến như:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Chán ăn
- Ho và hắt hơi
- Sốt
- Thở khò khè
- Mệt mỏi, uể oải
- Cáu gắt
Nhiễm RSV có thể trầm trọng hơn ở những nhóm có nguy cơ. Trong những trường hợp này, virus thường lây lan sang đường hô hấp dưới, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:
- Khó thở
- Thở nhanh hoặc nông
- Ho dữ dội
- Da xanh hoặc tím tái
- Co rút liên sườn
2. Virus RSV dễ lây lan
Virus hợp bào hô hấp (RSV) có thể lây từ người này sang người khác, người bệnh có thể truyền virus từ 3 đến 8 ngày.
RSV thường lây lan qua các giọt đường hô hấp được tạo ra khi người bị nhiễm RSV ho hoặc hắt hơi. Nếu những giọt bắn này vào mũi, miệng hoặc mắt, bạn có thể bị nhiễm virus, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch kém.
Ngoài ra, virus RSV có thể lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp, chẳng hạn như hôn. Hơn nữa, virus RSV có thể tồn tại trên các bề mặt như cửa nắm tay, bàn ghế, … trong vài giờ. Nếu chẳng may tiếp xúc với các vật dụng này, sau đó cho tay lên mắt, mũi, miệng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
3. Biến chứng liên quan đến virus hợp bào hô hấp (RSV)
RSV có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ sinh non, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, trẻ em bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, người lớn tuổi, người bị hen suyễn, COPD hoặc suy tim sung huyết, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Một số biến chứng tiềm ẩn của RSV bao gồm:
- Viêm tiểu phế quản. Đây là tình trạng viêm các đường dẫn khí nhỏ trong phổi, có thể chặn dòng oxy.
- Viêm phổi. Đây là một bệnh nhiễm trùng gây viêm các túi khí nhỏ trong phổi của bạn, có thể khiến bạn khó thở.
- Các biến chứng khác như làm cho bệnh hen suyễn và COPD, có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Cách điều trị khi nhiễm virus RSV
Trong trường hợp người bệnh nhiễm virus RSV có các triệu chứng nhẹ và được chỉ định điều trị tại nhà, mọi người có thể kết hợp phương pháp điều trị từ bác sĩ và một số biện pháp sau:
- Nghỉ ngơi
- Uống nhiều nước để tránh việc thiếu nước, giúp làm loãng đờm và giảm ho. Tuy nhiên, không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt và nước trái cây vì chúng ít đường, ít năng lượng, làm mất cân bằng điện giải.
- Tránh xa khói thuốc lá vì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng
- Sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch mũi, nếu nhiều chất nhầy có thể hút dịch nhầy ở mũi
- Dùng máy phun sương để tạo độ ẩm, giúp dễ thở, thoải mái hơn.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nếu người bệnh là trẻ em nên chia thành các bữa nhỏ để bé dễ ăn, tránh bị nôn ói.
Đối với trường hợp bệnh nặng, người bệnh nên sử dụng theo đơn thuốc và hướng dẫn của bác sĩ. Khi thấy các triệu chứng không thuyên giảm nên đến bệnh viện để được tư vấn hướng điều trị phù hợp.
5. Cách phòng ngừa virus RSV
Hiện nay, virus RSV chưa có vacxin phòng ngừa nên mọi người cần chủ động phòng tránh bằng cách xây dựng thói quen, lối sống tốt, cụ thể:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn
- Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như ly uống nước, dụng cụ ăn uống và bàn chải đánh răng.
- Cố gắng tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh.
- Thường xuyên lau, khử khuẩn đồ chơi của con trẻ
- Hạn chế thời gian trẻ ở các trung tâm giữ trẻ trong mùa RSV lưu hành, nếu có thể.
- Không cho tay lên mắt, mũi miệng
Nếu bạn bị bệnh, bạn có thể làm những việc sau để giúp hạn chế sự lây lan của virus:
- Ở nhà và hạn chế tiếp xúc với mọi người cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm.
- Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy, sau đó vứt bỏ ngay khăn giấy đã qua sử dụng.
- Khử trùng bất kỳ bề mặt nào bạn thường xuyên sử dụng, chẳng hạn như tay nắm cửa, tay cầm vòi và điều khiển từ xa, …
Có thể thấy rằng, virus RSV dễ lây lan và có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan. Vì vậy, mọi người nên chủ động phòng ngừa, nhất là đối với trẻ em để bảo vệ sức khoẻ, tránh nhiễm virus. Nếu không may nhiễm bệnh, nên đến bệnh viện thăm khám, kết hợp phương pháp điều trị của bác sĩ và chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.