pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều cần biết về bệnh nấm da cấp tính
Nấm da cấp tính thường xuất hiện vào mùa hè, nóng ấm mưa nhiều. Nó mang đến nhiều phiền toái cho cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Nấm da cấp tính nếu không được điều trị kịp thời sẽ phát triển thành mãn tính, thậm chí dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
1. Nấm da cấp tính là gì?
Nấm da cấp tính là một loại bệnh da liễu khởi phát đột ngột và rất nghiêm trọng. Đây là căn bệnh xảy ra trong một thời gian ngắn và cấp bách. Biểu hiện của nấm da cấp tính là vùng da tổn thương bị viêm đỏ. Có đường bờ viền hình đa cung nổi lên, xuất hiện mụn nước, đặc biệt là rất ngứa.
Điều trị nấm da cấp tính không quá khó. Nhưng nếu điều trị sai cách có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, thậm chí để lại sẹo vĩnh viễn trên cơ thể.
2. Tại sao phải điều trị nấm da cấp tính ngay khi có triệu chứng?
Nấm da cấp tính có thể gây ra tình trạng ngứa ngáy rất nghiêm trọng, nhất là vào ban đêm. Điều này khiến người bệnh phải gãi dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng. Không chỉ vậy, nấm da cấp tính có tốc độ lây lan nhanh chóng ngay sau khi khởi phát.
Nếu không được điều trị ngay tình trạng viêm nhiễm có thể lan nhanh ra vùng da lành và chuyển biến thành nấm da mãn tính. Thậm chí trong một số trường hợp tạo thành những biến chứng nguy hiểm như viêm da, hoại tử da,...
Điều trị nấm da cấp tính ngay khi xuất hiện triệu chứng bệnh là điều cần thiết. Bởi nó không chỉ giúp bạn rút ngắn thời gian trị liệu, tiết kiệm chi phí, mà còn hạn chế nguy cơ lây lan bệnh. Bên cạnh đó việc điều trị nấm da cấp tính kịp thời cũng là cách ngăn chặn tình trạng tái phát bệnh khi gặp điều kiện tương tự.
3. Nguyên tắc điều trị nấm da cấp tính
Điều trị nấm da cấp tính cần phát hiện sớm, chữa trị kịp thời để tránh lây lan ra các vùng khác.
Trong quá trình điều trị phải thực hiện đúng phác đồ, đủ thời gian, đảm bảo tính liên tục.
Trong quá trình điều trị tuyệt đối không để vùng da tổn thương tiếp xúc với nước bẩn, đất nhiễm nấm và môi trường sống bị ô nhiễm.
Tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà thời gian điều trị có thể kéo dài từ 3 - 4 tuần hoặc lâu hơn.
Nếu điều trị bằng thuốc tránh cạo da trước khi bôi, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng dị ứng và nhiễm khuẩn phụ.
Bôi thuốc đúng nồng độ, liều lượng theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự sử dụng thuốc khi chưa được hướng dẫn để tránh tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Trong quá trình điều trị phải vệ sinh cơ thể sạch sẽ kết hợp các biện pháp phòng tránh lây lan. Giặt, luộc quần áo, đồ dùng cá nhân, lộn trái quần áo khi phơi nắng.
Ngoài ra bạn cần tránh bôi các loại thuốc hại da chứa acid. Đồng thời không nên mặc quần áo chật, dùng đồ sợi nhân tạo, khó thoát mồ hôi, gây bức bí, khó chịu.
4. Chẩn đoán và điều trị nấm da cấp tính
Chẩn đoán và điều trị nấm da cấp tính được thực hiện sau khi thăm khám và có kết quả xét nghiệm chính xác. Các bác sĩ da liễu xác định bệnh bằng cách cạo tìm nấm trên da và soi dưới kính hiển vi. Một số kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu hơn được thực hiện trong các trường hợp bệnh phức tạp, kháng trị tại cơ sở y tế chuyên nghiệp.
Điều trị nấm da cấp tính thường sử dụng thuốc kháng nấm dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ. Thoa thuốc mỗi ngày, không gián đoạn trong vòng từ 2 - 4 tuần tuỳ mức độ nghiêm trọng. Hiện nay có nhiều loại thuốc kháng nấm được nghiên cứu dành riêng cho trẻ em, rất an toàn và hiệu quả.
Nếu việc sử dụng thuốc bôi không hiệu quả hoặc khu vực nhiễm nấm quá lớn, bạn có thể sử dụng thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ. Dấu hiệu phản ứng tốt với thuốc điều trị là vùng da bị nhiễm nấm sạch lớp vảy trước khi vùng da đỏ biến mất. Người bệnh không còn cảm giác ngứa, rát hay khó chịu nữa.
5. Cách chăm sóc nấm da cấp tính tại nhà
Sau khi chạm vào vùng da bị nấm, bạn phải rửa sạch tay bằng cồn hoặc nước rửa tay kháng khuẩn để tránh lây lan sang vùng da lành.
Giữ vùng da bị nấm luôn sạch sẽ, khô thoáng. Sử dụng khăn riêng cho vùng da bị bệnh và giặt sạch bằng nước nóng, xà phòng sau khi dùng.
Mặc quần áo, giày, tất sạch sẽ, khô thoáng. Tắm ngay sau khi vận động để làm sạch mồ hôi và lau khô người sau khi tắm.
Thay quần áo, đồ lót, giày, tất mỗi ngày và giặt sạch sẽ trước khi sử dụng lại.
Không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người khác. Bởi nấm có thể tồn tại trên đó và lây lan nhanh.
Nếu bạn bị nấm chân, nên mang dép đi trong nhà và giày không thấm nước khi đi bơi hoặc những nơi công cộng để tránh lây lan.
Khử trùng, vứt bỏ các vật dụng bị nhiễm nấm như quần áo, chăn, ga, gối, giày cũ...Hoặc khử trùng bằng tia cực tím.
Thoa thuốc kháng nấm rộng hơn khu vực bị nhiễm ít nhất 2cm để tránh lây lan.
Nếu bạn nuôi thú cưng và nghi ngờ chúng bị nhiễm nấm hãy mang đến gặp bác sĩ thú y để khám. Nếu vật nuôi bị nấm, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho đến khi chúng khỏi bệnh.
Trong trường hợp đã điều trị nấm da cấp tính được một thời gian nhưng không thuyên giảm bạn nên đến tái khám đến khi hết bệnh hoàn toàn.
Mặc dù nấm da cấp tính là bệnh thường gặp vào mùa mưa, không quá nguy hiểm. Nhưng bạn nên cảnh giác và điều trị kịp thời để tiết kiệm thời gian và chi phí.