pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều cần biết về bệnh Rubella ở phụ nữ mang thai
Bệnh Rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức, là một bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây nên. Tuy được đánh giá là một loại bệnh về đường hô hấp khá lành tính nhưng nếu xảy ra ở phụ nữ mang thai, bệnh lại gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Rubella là một loại bệnh sốt phát ban, chỉ xuất hiện ở người, và thường xảy ra vào mùa cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai vì những đối tượng này có sức đề kháng kém.
Khi bắt đầu mắc bệnh, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc trưng là các vết ban đỏ trên da. Ban đầu, các ban nổi li ti ở trên mặt, sau đó lan sang các phần khác của cơ thể như cổ, bụng, rồi đến chân tay. Người bệnh sẽ có các triệu chứng sốt, sổ mũi, ho, đau đầu, đau khớp, sưng hạch… và đỏ mắt giống với bệnh cúm hoặc cảm lạnh, cảm sốt.
Thông thường, các nốt ban sẽ lặn trong khoảng từ 1 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh là khoảng từ 14 đến 21 ngày, trung bình là 18 ngày.
Thời kỳ lây truyền rubella kéo dài từ 7 ngày trước cho tới 7 ngày sau phát ban. Bệnh lây lan rất nhanh từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Khi người lành hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra không khí thì có thể bị nhiễm virus và mắc bệnh.
1. Làm sao để phát hiện Rubella ở phụ nữ mang thai?
Tuy phát ban là dấu hiệu tiêu biểu của bệnh Rubella nhưng đối với phụ nữ có thai thì dấu hiệu của bệnh lại không rõ ràng. Chính vì không có triệu chứng rõ ràng nên nhiều phụ nữ mang thai chủ quan hoặc không kịp thời phát hiện bệnh, đến khi phát hiện ra thì bệnh tình đã tiến triển nặng và khó điều trị triệt để.
Phụ nữ đã từng mắc bệnh Rubella hoặc đã từng tiêm vaccine phòng bệnh Rubella trước thai kỳ, thì không cần lo ngại bị mắc bệnh. Lúc này, cơ thể người mẹ đã có sẵn những kháng thể phòng bệnh nên không cần lo ngại.
Còn những phụ nữ đang có thai thuộc đối tượng còn lại, thai phụ nên đi xét nghiệm Rubella trong giai đoạn bầu khoảng 7 – 10 tuần để phát hiện ra bệnh kịp thời và có những biện pháp xử trí phù hợp.
Lưu ý: Người mẹ không nên làm xét nghiệm khi thai nhi qua giai đoạn từ 16 tuần tuổi trở đi. Giai đoạn này, kết quả thường không chính xác hoàn toàn, hơn nữa, lúc này thai nhi đã lớn nên rất khó giải quyết.
2. Những ảnh hưởng của bệnh Rubella đối với phụ nữ mang thai
Trong thời gian đầu mang thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ, biến chứng của Rubella là vô cùng nguy hiểm.
Ở giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh, virus Rubella từ máu của thai phụ chuyển qua nhau thai vào thai nhi. Vì thế, bệnh Rubella có thể truyền từ mẹ sang con qua đường máu.
Bệnh Rubella tuy không quá nguy hiểm, nhưng lại rất nghiêm trọng đối với bà bầu. Virus này có khả năng làm chậm sự phát triển của phôi thai, gây ra dị tật thai nhi. Nghiêm trọng hơn, chúng sẽ phá hủy sai nhi, gây ra sảy thai. Loại bệnh này còn có thể gây ra hội chứng Rubella bẩm sinh ngay khi đứa trẻ vừa chào đời.
Hội chứng Rubella bẩm sinh là cụm từ gọi chung những dị tật của thai nhi do Rubella gây ra. Hội chứng này bao gồm: Xuất hiện ban trên da lúc mới sinh, cân nặng nhỏ hơn so với trẻ bình thường, trẻ bị tật đầu nhỏ, điếc, đục thủy tinh thể, sa sút trí tuệ, gan và lá lách bất thường.
Theo thống kê, hàng năm trên thế giới có khoảng 700.000 trẻ em tử vong do hội chứng Rubella bẩm sinh.
3. Phụ nữ mang thai cần phòng ngừa bệnh Rubella như thế nào?
Cách duy nhất và hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh Rubella là tiêm phòng vaccine. Loại vaccine được các bác sĩ chỉ định tiêm thường là dạng vaccine có tên gọi MMR, có tác dụng 3 trong 1: phòng ngừa Rubella kết hợp với sởi và quai bị .
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động tiêm vaccine phòng bệnh Rubella. Đây là điều cần thiết và cũng được biết đến là biện pháp đem lại hiệu quả phòng ngừa bệnh tốt nhất cho phụ nữ trước khi mang thai để không ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé.
Tuy nhiên, cần lưu ý loại vaccine này là vaccine sống giảm độc lực, chống chỉ định tiêm MMR cho phụ nữ có thai và ít nhất 4 tuần trước khi mang thai. Khi quyết định tiêm chủng, chúng ta phải sử dụng các biện pháp tránh thai hữu hiệu trong 3 tháng liên tục, bao gồm 1 tháng trước khi tiêm và 2 tháng sau khi tiêm chủng để tránh gây ra dị tật cho thai nhi.
Nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Rubella, cần tham vấn ý kiến bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, bạn cần ăn uống đủ chất, sinh hoạt khoa học, đúng giờ, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe. Một hệ miễn dịch tốt sẽ mang lại cho bạn một thai kỳ khỏe mạnh, giảm thiểu bệnh tật không mong muốn.
4. Điều trị bệnh Rubella ở bà bầu
Phụ nữ mang thai mắc Rubella sẽ có các biểu hiện sốt, đau đầu, mệt mỏi. Trước hết, bác sĩ cần điều trị triệu này bằng cách giảm đau, hạ sốt.
Trong thời gian phát ban, bệnh nhân cần được giữ ấm, kiêng nước, kiêng gió để tránh bội nhiễm và viêm đường hô hấp.
Người bệnh cần được nhỏ mũi, súc họng hàng ngày. Việc vệ sinh mũi họng bằng dung dịch nước muối sinh lý 9% sẽ giúp bệnh nhân sớm phục hồi, đồng thời tránh lây lan bệnh cho những người xung quanh, vì Rubella lây khi tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng của bệnh nhân hoặc việc phát tán vi khuẩn qua không khí.
Người nhà cần cho thai phụ ăn đa dạng thức ăn, đầy đủ chất dinh dưỡng. Bệnh nhân chú ý uống nhiều nước, bổ sung nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C có trong các loại rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng. Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu.
Rubella ở phụ nữ mang thai, nếu không may mắc Rubella cần ở nơi sạch sẽ, thoáng gió. Khi ra ngoài hay nên đeo khẩu trang, kiêng đến những nơi đông người để tránh lây lan dịch bệnh tại khu vực.
Bởi vì bệnh Rubella gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai, hơn nữa bệnh lại rất khó nhận biết ở giai đoạn đầu nên phụ nữ nên chủ động tiêm vaccine khi có ý định mang bầu.
Trường hợp người mẹ chưa kịp tiêm phòng thì đã có thai nên thường xuyên đi khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện bệnh sớm, các bác sĩ mới đưa ra phương hướng điều trị Rubella phù hợp và kịp thời.